Đó là chuyện của anh Vũ Quốc Tuấn, SN 1972, xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Anh là con thứ 4 trong số 5 người con của một gia đình nông dân. Câu chuyện của anh làm nhiều người cảm động.
Anh Vũ Quốc Tuấn với vết mổ sau khi cho quả thận của mình
Cho đi một phần cơ thể
Ngay từ nhỏ, anh bị dị tật tay phải, càng lớn, cánh tay này càng teo tóp và cử động rất khó khăn. Năm 1989, thi đậu vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, nhưng anh Tuấn đành gác lại ước mơ học tập vì bố mẹ già thường xuyên đau yếu cần anh ở nhà chăm sóc.
Tháng 3-2008, anh khăn gói từ Phú Thọ xuống Hà Nội xin vào giữ xe tại Bệnh viện Nhi Trung ương để lo cho con học đại học. Trong khi làm việc, anh phát hiện chị Nguyễn Thị Thanh (ở 622 Hà Huy Tập, Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) thường đưa con gái Phạm Thị Thu Hà bị bệnh suy thận nặng đến chữa trị tại đây. Mới 18 tuổi nhưng Thu Hà đã mất 6 năm chạy thận nhân tạo. Lần nào vào viện, chị Thanh cũng khóc hết nước mắt theo từng cơn đau của con. Bệnh của Hà đã trầm trọng, nếu không có thận để thay thì khó lòng qua khỏi.
“Tôi cũng làm cha, cũng có con gái lớn. Nuôi con bao nhiêu năm, tôi hiểu sự vất vả và tình thương yêu của người làm cha làm mẹ. Không nỗi đau đớn nào bằng người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh” - anh chia sẻ. Từ đó, anh có ý định tặng Hà một quả thận. Anh Tuấn cho biết tìm hiểu về gia đình cô bé anh càng thương Hà. Bố Hà bị hỏng một mắt tại biên giới phía Bắc nên sức khỏe bị suy giảm. Mẹ Hà bị hen suyễn nhưng phải buôn bán rất vất vả để cáng đáng cả gia đình. Người duy nhất anh Tuấn nói ra ý định hiến thận là con gái của anh. Con gái anh đã nắm tay bố động viên: “Bố cứ làm những gì bố cho là đúng. Con ủng hộ bố hết mình”.
Để cho thận, suốt 3 tháng anh đã trải qua tổng cộng 68 lần xét nghiệm vất vả và cả những đau đớn tột cùng về thể xác như xét nghiệm tủy... Trong khi đó, kẻ gian lại trộm tất cả tài sản của anh. Ngày 20-10-2008 là một ngày không bao giờ quên trong đời anh. Sau 8 giờ hôn mê trong phòng cách ly, vừa tỉnh dậy anh được các bác sĩ cho biết cuộc phẫu thuật ghép thận đã thành công tốt đẹp. Sau đó, anh phải tiếp tục nằm viện một tháng chờ sức khỏe hồi phục. Sau khi được ghép thận, bệnh tình của Hà tiến triển tốt. Quả thận của anh nông dân không quen biết đã giúp Hà được tái sinh.
Quên mình vì người khác
Dù nghèo khó, bản thân gia đình cũng cần được giúp đỡ nhưng khi có người cần giúp đỡ, anh Tuấn không nề hà. Một lần có việc đi Tuyên Quang, khi nghỉ chân ven sông Lô, bất ngờ anh nhìn thấy hai con trâu đang húc nhau sắp lao vào một đứa trẻ đứng gần đấy. Không nghĩ ngợi nhiều, anh phóng mình vào bế đứa trẻ thoát nạn trong gang tấc. Đứa trẻ được bình an nhưng anh bị trâu húc gãy mấy chiếc xương sườn.
Trong một lần khác, giữa tháng 7-2007, anh đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để kiểm tra lại bệnh dạ dày. Trong lúc đang ngồi chờ khám, anh thấy bố mẹ của một bệnh nhân kêu khóc vì con mình lâm bệnh nặng, phải mổ. Anh hỏi thăm và được biết hoàn cảnh của gia đình cháu rất khó khăn, bố cháu là thương binh nặng, lại bị nhiễm chất độc da cam nên không thể tiếp máu cho con. Anh lại quyết định hiến 500 ml máu cho cháu bé rồi lại trở về nhà mà không nói với ai trong gia đình.
Anh là người có nhóm máu O. Đây là nhóm máu có thể cho tất cả mọi người nhưng chỉ nhận được của người cùng nhóm. Và anh đã sống đúng như dòng máu chảy trong mình, sẵn sàng đồng cảm và chia sẻ cùng những khó khăn, ngặt nghèo của người khác.
Từ chối bán thận 50.000 USD
Anh Tuấn cho biết khi anh đang chuẩn bị hiến thận cho cháu Hà, có một gia đình giàu có ở Hải Phòng tìm đến anh đề nghị bán cho họ quả thận với giá 50.000 USD để ghép cho con họ. Đây là số tiền quá lớn đối với một nông dân chân lấm tay bùn như anh! Với anh và gia đình, đó là một giấc mơ. Nhưng anh đã trả lời người khách trên: “Nếu ông có 50.000 USD thì ông đi đâu cũng có thể mua được thận để ghép cho con, chứ cô bé nghèo này nếu không có quả thận của tôi sẽ chết”. |
Bình luận (0)