xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ký ức 12 ngày hoa - lửa

Bài và ảnh: MẠNH DUY

Những ngày này cách đây 38 năm, người dân thủ đô Hà Nội đã sống trong không khí hào hùng của trận Điện Biên Phủ trên không. Ký ức về những ngày ấy vẫn sống động trong nhiều người

Chiến dịch rải thảm bom bằng máy bay B52 của không lực Mỹ vào cuối tháng 12-1972 đã khiến Hà Nội từ vị trí hậu phương trở thành tiền tuyến. Một nơi thanh bình như Ngọc Hà, làng hoa nổi tiếng nhất ở Hà Nội, cũng trở thành mục tiêu bắn phá. 38 năm sau, chúng tôi đã tìm gặp vợ chồng ông Nguyễn Chí Hiền và bà Phạm Thị Quy, những nhân chứng của sự kiện Điện Biên Phủ trên không.  

img
Vợ chồng ông Nguyễn Chí Hiền và bà Phạm Thị Quy, những nhân chứng của sự kiện Điện Biên Phủ trên không
 
Làng hoa thành lũy thép
 
Đến Ngọc Hà, chúng tôi vẫn được nghe những câu chuyện về trận chiến kéo dài 12 ngày đêm này. Hàng trăm người thiệt mạng trong những ngày máy bay Mỹ trút bom xuống Hà Nội. Bà Phạm Thị Quy nhớ lại: “Sáng 27-12-1972, một chiếc B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp, bom cũng rơi vãi khắp làng. May mắn là không quả nào nổ, chỉ có một quả rơi trúng hầm trú ẩn làm 2 người dân thiệt mạng. Sáng hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về làng thăm hỏi chúng tôi và ca ngợi chiến công của bộ đội ta. Lúc ấy, Mỹ đã sắp thua trận Điện Biên Phủ trên không”.
 
Ngày ấy, bà Quy chưa đầy 30 tuổi, tham gia lực lượng dân quân của làng Ngọc Hà bảo vệ Hà Nội. Bà Quy bồi hồi: “Có hơn 90 quả bom từ xác chiếc máy bay này rơi vãi khắp làng, quả cắm sâu xuống lòng đất, quả nằm ngay trên đường làng... Hôm đó, bộ đội công binh được cử đến giúp dân tháo gỡ bom mìn, phải đến một tuần sau mới dọn sạch”. Tháng 12-1972, làng hoa giữa lòng thủ đô cũng trở thành lũy thép và mỗi người dân đều là một chiến sĩ.
 
Trong bản anh hùng ca của người Hà Nội, có nhiều câu chuyện xúc động đã được viết thành tiểu thuyết, dựng thành phim. Bà cụ gần 70 tuổi vừa kể cho chúng tôi câu chuyện về ngôi làng của bà cũng có một chuyện tình gắn chặt với trận đánh trên bầu trời thủ đô năm nào.
 
Vợ chồng cùng trận địa
 
Với dân làng Ngọc Hà, bà Quy là một nhân chứng lịch sử không thể không nhắc đến của trận Điện Biên Phủ trên không. Bà cũng chính là người tặng hoa Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông về thăm làng một năm sau trận đánh ấy. “Khi Đại tướng về thăm lại làng Ngọc Hà, mọi người đều tin rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đã sắp đến ngày thắng lợi. Hôm ấy, tôi thưa với Đại tướng: “Người dân Ngọc Hà mong Đại tướng và quân đội ta sớm thực hiện ước nguyện của Bác Hồ, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào để đất nước sạch bóng quân thù” – bà Quy hồi tưởng.
 
Chồng bà Quy, ông Nguyễn Chí Hiền, từng tham gia trận Điện Biên Phủ trên không, hiện là đại tá nghỉ hưu. Ông cũng là một “pho sử” về sự kiện 12 ngày đêm người Hà Nội bảo vệ bầu trời thủ đô. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm chiến thắng này, ông vẫn thường được mời đến các trường học ở Hà Nội để kể cho học sinh về trận chiến ấy.
 
Cuối những năm 1960, ông Hiền được điều động tới nhiều mặt trận nóng bỏng như Quảng Trị, Campuchia. Khi đó, vợ chồng ông đã có với nhau hai mặt con. “Tôi đang làm nhiệm vụ bảo vệ Hải Phòng, được Quân chủng Phòng không - Không quân điều về Hà Nội để tăng cường” – ông Hiền kể. Nhiều năm xa nhà, lúc ấy về Hà Nội, ông Hiền cứ nghĩ thế là có cơ hội được gặp vợ con nhưng khi đóng quân ở một huyện ngoại thành Hà Nội, chỉ cách nhà hơn chục cây số, mọi thứ ác liệt hơn ông nghĩ.
 
“Suốt năm 1972, tôi đóng quân ở Hà Nội nhưng không được rời trận địa nửa bước, thế nên ở rất gần nhưng cũng không được về gặp vợ con”- ông Hiền cho biết. Bà Quy gia nhập đội dân quân của làng Ngọc Hà năm đó. “Thế là cả hai vợ chồng tôi đều không sơ tán hay rời Hà Nội trong những ngày ấy”- bà Quy nhớ lại. Bà muốn ở lại để chiến đấu và hy vọng sẽ được gặp chồng. Ngọc Hà những ngày ấy phải gồng mình trong những cơn mưa bom của địch. Ông Hiền ở trận địa pháo cứ thấp thỏm lo cho vợ con, không biết ở nhà có được yên bình. Bà Quy vừa nuôi hai con vừa canh cánh trong lòng mỗi khi nghe thông báo máy bay Mỹ lại mở rộng chiến dịch phá hoại hay đánh phá thêm một căn cứ nào đó của ta...
 
Vì tình yêu chung mà vợ chồng ông Hiền đã hy sinh tình yêu riêng để rồi sau đó, họ được đền đáp xứng đáng bằng thời khắc hội ngộ. Hà Nội sạch bóng máy bay địch, cuộc chiến tranh cứu nước đạt được một thắng lợi quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris.
 
Tự hào
 
Ông Hiền nay đã cao tuổi nhưng vẫn thuộc từng con số về chiến công của lực lượng bộ đội tên lửa mà ông tham gia ngày nào: “Trong suốt 12 ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không, miền Bắc bắn rơi 34 máy bay B52, trong đó có 16 chiếc rơi tại chỗ. Riêng các lực lượng bảo vệ Hà Nội bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 chiếc B52”.
 
Chiếc B52 của không quân Mỹ đầu tiên rơi trên bầu trời Hà Nội cũng là “pháo đài bay” đầu tiên bị bắn hạ trên thế giới. Người lính tên lửa năm nào hào hứng: “Cái khó nhất là phải bắt được mục tiêu và chống được dải nhiễu do máy bay B52 tạo ra. Đêm 18-12-1972, hôm đầu tiên của trận Điện Biên Phủ trên không, Tiểu đoàn 59 - Trung đoàn 263 bắn rơi một máy bay Mỹ ở cánh đồng Chuông, huyện Đông Anh. Trên đài quan sát, bằng kính quang học, chiến sĩ của ta reo lên: “Cháy rồi! Đúng B52 rồi!”.
 
Ông Hiền không nén nổi những cảm xúc từ 38 năm trước ùa về: “Bộ đội tên lửa của ta báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông liền hỏi: “Có đúng B52 không?”. Lúc ấy, chúng tôi liên tưởng ngay câu nói của Đại tướng tại chiến dịch Điện Biên Phủ đánh tan cứ điểm quân sự Pháp năm 1954 - khi nghe tin bắt được tướng De Castries, ông cũng hỏi ngay: “Có đúng De Castries không?”.
 
Nếu như chiếc B52 đầu tiên rơi trên bầu trời Hà Nội khiến những chiến sĩ bộ đội tên lửa như ông Hiền phấn khích tột độ thì chiếc B52 cuối cùng rơi trúng làng Ngọc Hà lại khiến ông hết sức âu lo về sự an nguy của gia đình. Ông Hiền xúc động: “Lo lắm  nhưng tôi không thể về được. May mắn là trong một lần hành quân qua bến Chèm sang bên kia sông Hồng, tôi tranh thủ xin đơn vị về thăm nhà vài giờ. Về nhà không gặp vợ con, tôi hoang mang lắm nhưng bà con cho biết vợ tôi đang là chính trị viên trung đội dân quân của làng, phải tham gia gỡ bom mìn... Tôi yên tâm trở về đơn vị, tiếp tục hành quân”.
 
Nhắc lại những ngày hoa - lửa năm xưa, bà Quy không giấu được niềm tự hào:  “B52 rơi xuống cháy rực đỏ mặt hồ Hữu Tiệp, đến tận sáng hôm sau khói vẫn còn bốc lên. Mọi người nô nức đổ ra hồ xem xác  máy bay Mỹ. Khi ấy, tôi cảm thấy rất tự hào vì chồng mình là một chiến sĩ bộ đội tên lửa góp phần giữ gìn bình yên cho thủ đô”. 

Dấu tích không phai

 
Hàng chục năm đã trôi qua, nhiều vết thương đã lành nhưng ký ức của những người sống trong thời khắc mà ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh ấy vẫn rõ mồn một.
 
Những dấu tích của bom B52 ở Hà Nội năm 1972 cũng đã phai mờ, đây đó chỉ còn vài đài tưởng niệm. Thế nhưng, nếu có dịp đi qua Ngọc Hà, người ta vẫn cứ phải ngoái nhìn xác chiếc máy bay B52 nằm ngay trên hồ Hữu Tiệp giữa làng.
img
Bà Phạm Thị Quy chỉ chiếc B52 cuối cùng bị bộ đội ta bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp giữa làng Ngọc Hà sáng 27-12-1972

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo