Nếu không khắc phục tình trạng ô nhiễm như hiện nay, chợ truyền thống từ nơi phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người dân sẽ trở thành các “ổ” truyền bệnh, phát tán chất độc hại, đe dọa đến cuộc sống người dân.
Một tiểu thương chợ Xóm Củi, quận 8-TPHCM chế biến thực phẩm ngay bên cạnh nơi đổ rác
Rất ít chợ có hệ thống xử lý rác thải
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện TPHCM có khoảng 240 chợ truyền thống. Trong đó, chỉ có 34,9% chợ có cơ sở hạ tầng khá tốt vì mới được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng trong khoảng 7 năm trở lại đây. Số chợ còn lại đang bị xuống cấp, tình trạng phổ biến là nhà lồng bị dột, hệ thống thoát nước thường bị tắc nghẽn, khung sườn của quầy sạp bị gỉ sét do không được sửa chữa kịp thời, nhiều chợ đang quá tải... Về xử lý rác thải và nước thải, chỉ có 7,1% chợ đã đầu tư hệ thống xử lý rác thải, 41,6% chợ có nơi tập kết rác với diện tích bình quân 41,5 m2/chợ. Số chợ còn lại không có nơi tập kết rác nên tiểu thương thu gom rác trước các quầy sạp để công nhân vệ sinh đến thu dọn.
Từ năm 2003 đến nay, UBND các quận, huyện đã tổ chức nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng của các chợ nhưng vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên không cải thiện được bao nhiêu tình hình xuống cấp của các chợ hiện nay. Trong khi đó, do sự gia tăng dân số, nhiều chợ đang ngày càng quá tải, việc tìm mặt bằng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khu vực thu gom rác gặp vô cùng khó khăn. Ngay cả ba chợ đầu mối của TP là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn dù đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng công suất xử lý hiện không đáp ứng nhu cầu thực tế.
“Cõng” thêm chợ tự phát
Hiện nay, hầu hết các chợ ở TP đều tồn tại tình trạng nước thải và rác vương vãi khắp nơi. Thực tế khó chấp nhận là khu vực bẩn nhất trong chợ lại là khu vực bán hàng thực phẩm tươi sống - nơi lẽ ra phải được bảo đảm an toàn vệ sinh nhất. Thực trạng này dễ dẫn đến thực phẩm bị nhiễm bẩn, nhiễm bệnh rồi lây lan ra cộng đồng.
Tại chợ Xóm Củi (quận 8), nền chợ của khu vực bán hàng thực phẩm tươi sống luôn nhớp nhúa nước thải đen kịt, rác thì nơi nào cũng có. Trong khi đó, tiểu thương ở đây lại vô tư đổ nước rửa hàng hóa xuống nền chợ, làm nhiều miệng hố ga thoát nước ở đây gần như bị bịt kín bởi rác.
Không chỉ chợ Xóm Củi, đây còn là hình ảnh phổ biến ở hầu hết các chợ truyền thống của TP. Lý giải về tình trạng xuống cấp của chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), đại diện ban quản lý của chợ này cho biết do được xây dựng trên 30 năm nên hạ tầng chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống cống gom nước thải trong chợ và khu vực xung quanh hoạt động rất kém dẫn đến hình thành nhiều vũng nước tù đọng là không thể tránh khỏi. Chợ này đến nay vẫn chưa tìm được mặt bằng để làm nơi tập trung rác.
Bên cạnh đó, hiện nay, hầu hết các chợ ở TP phải “cõng” thêm các chợ tự phát ở xung quanh. Do các “chợ cóc” này không hề có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải nên môi trường xung quanh các chợ chính càng thêm nhếch nhác. Tuy nhiên, việc dẹp các chợ tự phát tại các quận, huyện hiện nay chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, dẹp được vài ba hôm thì chợ “mọc” lại. Theo thống kê, trên địa bàn TP hiện có khoảng 176 điểm, khu vực mua bán tự phát, tập trung ở các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú...
Nước thải ở chợ có nguy cơ độc hại cao
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, trong nước thải của chợ có nguy cơ độc hại cao vì không loại trừ trong nước rửa thực phẩm còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất bảo quản khác... Trong khi đó, hầu hết các chợ lại không có hệ thống xử lý nước thải tập trung mà thải vào hệ thống nước thải chung của TP. Tuy nhiên, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tại các chợ hiện nay chỉ được tính bằng mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt. Vì vậy, Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức phí bảo vệ môi trường đối với các chợ hoặc đưa chợ vào danh mục đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. |
Bình luận (0)