Sáng 28-12, súng đã nổ trong rừng giá tỵ trồng theo Chương trình 327 thuộc sự quản lý của Nông Lâm trường Tân Lập (xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Tiếng súng này của Công an huyện Đồng Phú bắn chỉ thiên để trấn áp những người dân đang giữ rừng ngăn cản Công ty Cổ phần Thiện Đức đốn hạ rừng.
Rừng giá tỵ 15 năm tuổi, đường kính trên 20 cm/cây, bị biến thành “rừng nghèo kiệt” để chặt hạ trồng cao su
Rừng tốt, vẫn chặt!
Thực hiện dự án phủ xanh đất trống, đồi trọc theo Chương trình 327 của Chính phủ, năm 1995, Lâm trường Phú Bình ký hợp đồng “giao khoán quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh trồng rừng và chăm sóc bảo vệ rừng trồng” trong vòng 50 năm (từ năm 1995 – 2045) với 41 hộ dân xã An Bình, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé (cũ), tại các khoảnh (K) 2, 5 tiểu khu (TK) 386 và K1-5 TK 387, trong đó trồng 86,6 ha rừng giá tỵ (dùng làm báng súng, ván lót thuyền và trang trí nội thất). Đến năm 1997, tỉnh Sông Bé tách ra thành tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Diện tích đất và hồ sơ các hộ nhận khoán được giao về Ban Quản lý Rừng kinh tế Tân Lập (nay là Nông Lâm trường Tân Lập thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Bình Phước) của tỉnh Bình Phước.
Năm 2005, Ban Quản lý Rừng kinh tế Tân Lập yêu cầu người dân nộp sổ cũ để ký lại hợp đồng mới. Thế nhưng chỉ có 17 hộ dân được ký lại hợp đồng mới, 24 hộ dân còn lại không được ký và thay vào đó là người thân của các cán bộ địa phương. Suốt quá trình này, vẫn còn 37 hộ dân tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng khoanh nuôi và rừng giá tỵ. Theo thống kê của Ban Quản lý Rừng kinh tế Tân Lập, trong tất cả diện tích rừng trên, chỉ có một hộ trồng rừng kém chất lượng.
Từ tháng 4-2010, Nông Lâm trường Tân Lập mời các hộ nhận trồng, chăm sóc rừng họp để thông báo thanh lý hợp đồng với lý do: Dựa vào Công văn 3707 do ông Trương Tấn Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 3-12-2008, về việc “chấp thuận vị trí, diện tích đất lâm nghiệp cho Công ty Cổ phần Thiện Đức thuê để trồng cao su, chăn nuôi gia súc tại các K1 thuộc TK 387 (35 ha rừng tự nhiên) và 52 ha rừng trồng giá tỵ từ năm 1995 tại K2, 5 thuộc TK 386 và K1, 2, 3, 5 thuộc TK 387” (không có K4 - PV).
Lập biên bản họp khống
Ngày 11-6, Công ty TNHH một thành viên Cao su Bình Phước có Tờ trình số 97/TTr-2010, xin phê duyệt thiết kế kỹ thuật khai thác tận dụng lâm sản trên rừng trồng hiệu quả thấp tại khu rừng giá tỵ nêu trên để xin... chặt hạ 18.801 cây giá tỵ trồng từ năm 1995. Đến ngày 28-7, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cấp giấy phép số 74 để khai thác rừng giá tỵ, thời hạn của giấy phép khai thác chỉ đến hết ngày 30-9-2010.
Dù đã quá thời hạn so với giấy phép khai thác nhưng vào ngày 20 và 21-10, Công ty TNHH một thành viên Công Thành, do ông Thái Oanh làm giám đốc (được Công ty TNHH một thành viên Cao su Bình Phước thuê), vẫn đưa người vào cưa hạ hơn 20 ha rừng giá tỵ của các hộ dân. Sau khi bị Công an xã Tân Hòa lập biên bản, nhóm người của Công ty TNHH một thành viên Công Thành rút lui.
Ngày 8-12, Công ty TNHH một thành viên Cao su Bình Phước thông báo các hộ dân đến họp thanh lý hợp đồng giao khoán trồng rừng giá tỵ theo Chương trình 327 để giao mặt bằng cho Công ty Cổ phần Thiện Đức... trồng cao su. Ngày 17-12, bà Ung Thị Thủy, được các hộ dân nhận khoán ủy quyền, đến họp nhưng không được cho vào dự. Sau đó, tất cả hộ dân không ai chấp nhận cuộc họp nêu trên và ra về.
Một trong những lý do Công ty TNHH một thành viên Cao su Bình Phước dựa vào để thanh lý hợp đồng với dân để phá rừng giá tỵ là dựa vào biên bản cuộc họp giữa các thành phần: Công ty TNHH một thành viên Cao su Bình Phước, Nông Lâm trường Tân Lập, UBND huyện Đồng Phú, UBND xã Tân Hòa và các hộ dân nhận khoán vào ngày 31-11-2010. Tuy nhiên, người dân khẳng định không hề có cuộc họp nào vì tháng 11-2010 không có ngày 31.
Bộ Công an thụ lý đơn tố cáo
Ngày 13-12, Bộ Công an đã thụ lý đơn tố cáo của đại diện 37 hộ dân giữ rừng giá tỵ. Nội dung người dân tố cáo: Công ty Cổ phần Thiện Đức đã chặt phá trên 20 ha rừng giá tỵ trồng từ năm 1995, theo Chương trình 327 bằng ngân sách của Nhà nước tại TK 386 và 387 thuộc Nông Lâm trường Tân Lập. Công ty TNHH một thành viên Cao su Bình Phước ăn chặn hàng trăm triệu đồng trong việc chia lợi nhuận với dân. Hợp đồng nhận khoán của người dân kéo dài 50 năm nhưng bị thanh lý trước thời hạn nhằm mục đích phá rừng lấy đất giao công ty khác trồng cao su...
B.An |
Kỳ tới: Cướp công người giữ rừng
Bình luận (0)