Tin tức Iran tạm thời ngưng làm giàu uranium hồi đầu tháng 11-2010 do Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA) của Liên Hiệp Quốc chính thức thông báo ngày 23-11-2010 trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và 35 nước thành viên IAEA.
Hãng tin AP, dẫn lời các nhà ngoại giao phương Tây, nói chưa rõ tại sao hàng ngàn máy ly tâm đột ngột ngưng hoạt động. Thế nhưng, kể từ ngày Tập đoàn Siemens của Đức phát hiện sâu Stuxnet trong các hệ thống máy tính của tập đoàn điều khiển các thiết bị công nghiệp (tháng 7-2010), các chuyên gia tin rằng sự cố nói trên do sâu Stuxnet gây ra.
Phòng điều hành nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Phương Tây nói sâu Stuxnet đã thâm nhập nhà máy, Iran nói không có. Ảnh: AP
Bao nhiêu máy bị nhiễm?
Nhật báo Israel Jerusalem Post cho biết lò phản ứng hạt nhân Bushehr và nhà máy làm giàu uranium ở Natanz là hai mục tiêu tấn công chủ yếu của sâu Stuxnet. Tại hai nơi này có thể có đến 60.000 hệ thống máy tính đã bị nhiễm.
Theo nguồn tin của ISIS, một tổ chức không vụ lợi cung cấp cho công chúng những thông tin về khoa học và những vấn đề chính trị liên quan đến an ninh quốc tế, sâu Stuxnet đã phá hủy 1/10 máy ly tâm kiểu IR-1(tức khoảng 1.000 máy) của nhà máy Natanz.
Điều này rất có thể xảy ra vì tháng 9-2010, IAEA xác nhận rằng số máy ly tâm hoạt động ở Nhà máy Natanz từ 4.920 máy đã giảm xuống còn 3.772 máy mà không có lý do chính thức nào được đưa ra. Một nguồn tin khác được trang web Digital Trends đăng lại cho biết nhà máy Natanz đã từng ngưng hoạt động hai lần trong năm 2010 vì tác hại của Stuxnet. Trong số 8.856 máy ly tâm của nhà máy có đến 5.084 máy bị đưa ra khỏi dây chuyền.
David Albright, nhà sáng lập ISIS, tin rằng đã khám phá phương cách phá hoại của Stuxnet. Sau khi thâm nhập hệ thống máy tính điều khiển máy ly tâm, nó chiếm quyền kiểm soát hệ thống, tự viết lại chương trình, đẩy vận tốc máy từ 1.007 vòng/giây lên 1.054 vòng/giây khiến cánh quạt máy ly tâm rung quá mức cho phép nên đến một lúc nào đó, máy sẽ tự hỏng.
Đó là một cách. Sâu Stuxnet còn một cách khác: Khi uranium được cho vào máy ly tâm, Stuxnet bắt máy chạy thật nhanh rồi ngừng đột ngột. Kết quả là máy hỏng. Đặc điểm của Stuxnet là dù tăng tốc hay dừng máy đột ngột, mọi việc đều diễn ra trong giới hạn của các thông số kỹ thuật khiến người ta nhầm lẫn máy hỏng do lỗi kỹ thuật chứ không phải do virus máy tính.
Tác hại của sâu Stuxnet, đối với Iran, trở thành một vấn đề nan giải ở chỗ muốn xóa nó triệt để không những phải hủy các hệ thống máy tính mà còn hủy luôn các thiết bị ngoại vi như thẻ USB vốn bị nghi ngờ là một đường xâm nhập hệ thống của sâu Stuxnet. Từ vấn đề này, Ralph German, một chuyên gia về chiến tranh mạng của Đức, nhận định rằng chương trình hạt nhân của Iran có thể bị chậm lại 2 năm vì sâu Stuxnet.
Tổng thống Ahmadinejad tham quan dàn máy ly tâm của nhà máy làm giàu uranium ở Natanz. Ảnh: AP
Iran: Đã diệt xong
Tháng 9-2010, tức sau khi thông tin về sâu Stuxnet được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông phương Tây được 2 tháng, một vài chức sắc Iran bắt đầu thừa nhận một số nhà máy Iran bị sâu Stuxnet tấn công.
Bản tin hãng thông tấn Iran IRNA ngày 27-9-2010 dẫn lời Hamid Alipour, Phó Giám đốc Công ty Công nghệ quốc doanh Iran, tuyên bố: "Chúng tôi đã giám sát và kiểm soát được sự phát triển của sâu Stuxnet. Chúng tôi dự kiến sẽ diệt được nó trong vòng 2 tháng nhưng sau đó xuất hiện 3 phiên bản Stuxnet mới".
Trong khi đó, Mahmoud Liayi, phụ trách công nghệ thông tin của Bộ Công nghiệp Iran, thừa nhận có khoảng 30.000 máy tính nhiễm sâu Stuxnet.
Tuy nhiên, Mamoud Jafari, phụ trách nhà máy điện hạt nhân Bushehr, đã bác bỏ nguồn tin nhà máy ông bị nhiễm sâu Stuxnet cho nên phải lùi ngày khánh thành.
Tổng thống Iran là người sau cùng thừa nhận tác hại của sâu Stuxnet hồi tháng 11-2010 nhưng khẳng định rằng "các chuyên gia của chúng tôi đã chặn đứng được (sâu Stuxnet) và sẽ không cho phép nó gây hại một lần nữa".
Tuy vậy, một số chuyên gia về an ninh mạng của Mỹ và châu Âu tỏ ra nghi ngờ tuyên bố trên của tổng thống Iran. Đài truyền hình FoxNews cho biết nhiều trang web chuyên về an ninh mạng của phương Tây tiếp tục bị quá tải vì khách hàng Iran truy cập liên tục.
Eric Byres, một chuyên gia Mỹ nghiên cứu nhiều về Stuxnet, cho biết lượng khách hàng Iran viếng thăm trang web của ông gia tăng mạnh trong mấy tháng qua. "Bình thường cứ 100 khách hàng Mỹ mới có một khách hàng Iran. Bây giờ khách hàng chủ yếu của tôi là Iran" – Byres nhấn mạnh. Điều này có nghĩa là 2 cơ sở hạt nhân của Iran vẫn chưa ổn vì Stuxnet.
IAEA bị tố giác
Heidar Moslehi, Giám đốc Tình báo Iran, hồi tháng rồi đã chính thức tố giác điệp viên phương Tây núp bóng nhân viên thanh tra IAEA đã đưa sâu Stuxnet vào Iran và IAEA phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này. Nhưng Moslehi không tiết lộ danh tính những "điệp viên".
Nhật báo Iran Daily, cơ quan ngôn luận của Chính phủ Iran, cũng tố cáo: "Một chính phủ nước ngoài đứng đằng sau vụ phá hoại bằng sâu Stuxnet". Dẫn lời các chuyên gia phương Tây nghi ngờ Mỹ và Israel tạo ra sâu Stuxnet để phá hoại chương trình hạt nhân của Iran, tờ báo quả quyết: "Chiến tranh điện tử của phương Tây chống Iran đã bắt đầu". |
Kỳ tới: Cả thế giới sợ sâu Stuxnet
Bình luận (0)