“Xây dựng trường học chất lượng cao (CLC) vì một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập” là nội dung cuộc hội thảo vừa được Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức gần đây để lắng nghe các ý kiến đóng góp nhằm đưa ra mô hình chuẩn về trường học CLC.
Một trong những chuẩn mực của trường chất lượng cao là sĩ số, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy... Trong ảnh: Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần chuẩn mực rõ ràng
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cần phải xác định cụ thể những tiêu chí để một trường học được đánh giá là đạt chuẩn CLC; cần có một mô hình nhà trường đổi mới toàn diện, nhất là về cơ sở vật chất, thiết chế nhà trường, lực lượng sư phạm và công tác quản lý. Bên cạnh đó, cần có sự so sánh về chất lượng với các trường trong nước và trong khu vực để có sự đánh giá khách quan về chất lượng giáo dục của trường CLC.
Bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng cần phải đặt ra những chuẩn mực rõ ràng, đầy đủ về mục tiêu đào tạo của trường CLC, phân cấp mạnh mẽ cho trường và cho giáo viên; đồng thời thực hiện tốt công tác thanh tra, xác định đúng giá trị quá trình dạy học và chất lượng tốt nghiệp của nhà trường. Có như thế mới đáp ứng được đòi hỏi của mô hình giáo dục mới trong tương lai.
Cần tự chủ và xã hội hóa
Ông Nguyễn Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), lập luận rằng môi trường học tập CLC phải là nơi học sinh là nhân vật trung tâm của nhà trường; học sinh được tôn trọng, được chơi, được tham gia các hoạt động và đóng góp hết mình.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, với mô hình giáo dục CLC, ngoài việc học sinh được phát triển phẩm chất và năng lực hài hòa, bảo đảm các chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số xúc cảm) , CQ (chỉ số sáng tạo), còn phải bảo đảm được việc học 2 buổi/ngày; nội dung học cần phải nhẹ nhàng, có sự đan xen phù hợp giữa những môn bắt buộc và những môn tự chọn. Trong đó, quan trọng nhất chính là tất cả các hoạt động phải hướng vào mục tiêu phát triển con người toàn diện và hài hòa. Để làm được như vậy thì không cách nào khác là phải đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ và cơ chế quản lý.
“Một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc xây dựng trường tiên tiến, CLC là phải quán triệt chủ trương xã hội hóa giáo dục, không trông chờ vào ngân sách Nhà nước; có cơ chế, chính sách rõ ràng về đầu tư cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, giáo viên”- ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, nêu quan điểm và cho rằng trên thực tế, các trường đạt chuẩn quốc gia có khả năng cung ứng dịch vụ giáo dục và chất lượng giáo dục khá tốt, chỉ cần có sự đầu tư theo hướng tự chủ, xã hội hóa thì tất yếu sẽ có một môi trường giáo dục CLC.
Công khai khi thu phí cao
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh, ông Triệu Văn Phấn, phân tích thêm ở khía cạnh người học. Theo ông, muốn nâng cao chất lượng dạy và học, ngoài sự nỗ lực của thầy còn cần có nỗ lực tương ứng, thích hợp từ phía học sinh. “Những chuẩn mực cơ bản trong xây dựng trường học tiên tiến như: sĩ số, nội dung, phương pháp giảng dạy thay đổi theo hướng hội nhập - tức học sinh học một cách chủ động là điều cần phải làm”- ông Phấn nói rõ hơn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển lưu ý muốn xây dựng trường học CLC thì những địa phương như TPHCM cần quy hoạch mạng lưới trường lớp, xây thêm nhiều trường học để giảm sĩ số, nâng chất lượng đồng đều. Khi thu phí cao, nhà trường cũng cần công khai, minh bạch, cam kết đầu ra và phải có sự kiểm định.
Giám Đốc sở GD-ĐT TPHCM Huỳnh Công Minh:
Phụ huynh được lựa chọn
* Phóng viên: Thưa ông, TPHCM đã có các trường chuyên, liệu có cần thêm các trường CLC?
- Ông Huỳnh Công Minh: Mục tiêu của giáo dục hiện nay là cố gắng làm sao nâng chất lượng của các trường. Muốn nâng chất lượng cho các trường, trước tiên phải có những trường điển hình đi đầu. Cùng với trường chuyên, trường CLC sẽ là những điển hình đó.
* Theo ông, những điều kiện nào để bảo đảm trường CLC sẽ đạt mục tiêu giáo dục cao nhất?
- Có 5 điều kiện để bảo đảm trường CLC đạt mục tiêu cao nhất. Đó là: Cơ sở vật chất bảo đảm học sinh được học 2 buổi/ngày; sĩ số thấp và thiết bị bảo đảm học sinh tự học; lực lượng sư phạm tâm huyết, đạt và vượt chuẩn; nội dung chương trình phải tích hợp để giáo dục nhân cách cho học sinh; đầu tư bảo đảm yêu cầu của cả 3 lĩnh vực là thầy cô được chăm lo đời sống để cống hiến, cơ sở vật chất kỹ thuật và chuyên môn tốt; quản lý đánh giá bằng các chuẩn mực được quy định rõ ràng để học sinh, giáo viên tự đánh giá mình.
* Tại TPHCM, việc xây dựng trường CLC sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Ở TPHCM, thể thức Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư là phù hợp nhất. Đó là sự đóng góp của phụ huynh dưới hình thức học phí như ở Trường THPT Lê Quý Đôn (khoảng 800.000 đồng/tháng). Việc xây dựng sẽ có hai cách là xây dựng hoặc cải tạo từ trường cũ. Cả hai cách này đều cần bảo đảm nguyên tắc là phải có mạng lưới trường lớp đủ chỗ cho học sinh. Trên cơ sở đó, phụ huynh có thể lựa chọn trường CLC.
* Rất nhiều người băn khoăn trường CLC là cao cỡ nào?
- Mục tiêu của trường CLC là đào tạo con người phát triển toàn diện nhưng bao trùm hơn hết là đào tạo con người có phẩm chất đạo đức, sự tự tin, tư duy tốt... Về tỉ lệ lên lớp, đậu ĐH thì trường nào đạt 75% sẽ là trường CLC độ 1; 85% là độ 2 và 95% trở lên là độ 3.
* Mục tiêu của trường CLC là đào tạo con người phát triển toàn diện. Chẳng lẽ giáo dục hiện nay không theo mục đích này, thưa ông?
- Đúng mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người phát triển toàn diện. Nhưng vì hiện nay các trường tập trung cho học sinh học để đối phó với thi cử là chính chứ nhiệm vụ giáo dục toàn diện chưa thực hiện được. Do đó, với trường CLC sẽ có đủ các điều kiện để thực hiện mục tiêu đó.
* Giáo viên ở trường CLC sẽ được chăm lo về đời sống để cống hiến. Như thế liệu có công bằng với giáo viên các trường khác?
- Ngành giáo dục đã thực hiện tự chủ tài chính. Ở đâu hiệu trưởng quản lý tốt thì ở đó đời sống của giáo viên tốt chứ không riêng gì trường CLC.
Nguyễn Huy thực hiện |
Bình luận (0)