xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Về đồng... sợ chuột

Theo TRẦN PHƯƠNG (Vĩnh Long Online)

Mùa này về đồng thấy lúa xanh mượt mà, xa xa điểm vài luống vạn thọ hoặc dăm bụi cúc hay sao nhái ẻo lả, báo hiệu mùa xuân đang tới. Nhưng bà con nông dân lại đang chộn rộn vì “chưa bao giờ chuột phá hại nhiều như mùa này, tụi tui gọi là dịch chuột đó”.

img
 
“Ra quân” diệt chuột ở Bình Tân.

Ăn không hết, giết không chết
 
Anh Lê Thanh Phong (Năm Viễn) giờ chuyển qua làm cán bộ Tư pháp xã Tân Hưng (Bình Tân), tỏ vẻ lo lắng, vừa chuyện chung vừa chuyện riêng y như hồi còn làm Chủ tịch Hội Nông dân: “Chuột dữ quá. Tui tính giá chót ít nhất trăm công là mất đứt 1 công ruộng đó”. Chú Tư ngồi kế bên cãi lại: “Chèn ơi, hao hụt ít nhất cũng 10-15% chớ, gì có 1% hà ông!”, rồi như chứng minh thêm: “Bà con xóm tui ai cũng than. Sáng ra thăm ruộng mà hổng dám dòm. Ai đời, lúa đang tươi tốt, chửa thè lè mà chuột nó cũng cắn ngang bỏ, thiệt đứt ruột”.
 
Chú Sáu Kim Sa ngồi bó gối buồn hiu: “Cái gì trị cũng được hết, mà chuột là bó tay”. Vậy là từ từ, nhóm “chuyện chuột” kéo thành một đám người vây quanh. Ai cũng tranh nói: “Không cách gì. Rải thuốc nó ngưng được chừng 2 đêm, mấy đêm sau nó đói ăn còn dữ hơn”. “Còn thả nước vô hả, được 2-3 bữa, tới chừng khô lại, nó “quạu” cắn tàn sát luôn”. Người khác thì “kết luận”: Thả nước cũng vài bữa thôi chứ lúa tới làm đòng rồi, giữ nước nó long chân lúa, đổ ngã hết còn gì.
 
Về đồng bỗng dưng... sợ chuột. Bởi đi qua cánh đồng nào chúng tôi dễ dàng nhận ra “sự xuất hiện của chuột”- đó là những cây vèo bằng bao ny-lông dày đặc trên ruộng lúa “phất qua phất lại để đuổi chuột”- chú Sáu Kim Sa giải thích. Còn lão nông Út Quân (xã Hòa Bình, Trà Ôn), thì “tui hổng chịu cặm vèo, vì cặm chỗ này tụi nó chạy qua ăn chỗ khác. Cũng vậy”.
 
Nhưng chú Út Quân và anh Hồng Phương- cán bộ Nông nghiệp xã Hòa Bình thừa nhận “ai bày gì đều làm nấy”. Đó là những “món ăn cho chuột”. Nào là nếu bữa trước mồi cua đồng bốc mai nhét thuốc vô bụng. Bữa sau phải là lúa ngâm lên mộng cho ngọt, bữa sau nữa phải đổi “thực đơn” trộn thuốc với khoai lang hay mì tôm... Vậy đó, mà con chuột nó khôn... còn hơn mình, phải dụ nó bằng 2-3 ngày không trộn thuốc nó mới chịu ăn, nhưng tới chừng trộn vô nó đã... ngán mồi. Nên công cốc.
 
Người nông dân không phải thiếu cách bắt chuột. Vào mùa nước nổi, khi nước chan ngập những cánh đồng trắng xóa, các gò đất cao, bờ giồng cũng là nơi trú ngụ của chuột. Lúc này, từng nhóm thanh niên xúm lại, xọc gậy vô những lùm cây um tùm, chuột chạy ra khỏi nơi trú ngụ bị tóm ngon ơ. Anh Bình ở vùng rốn lũ Bình Tân, hào hứng kể cách chất chà bắt chuột rất... độc.
 
Nhiều loại cây khô như bạch đàn, tre, trâm bầu,... được tận dụng chất thành lớp chà, lớp rơm kín đáo và “ấm cúng” để chuột tá túc. Vài ba ngày dùng lưới vây bắt, khó con nào thoát được. Nhưng cách chất chà, hay đặt bẫy không hiệu quả trong giai đoạn này, vì chuột thường “ở gí” trong ruộng lúa có đủ thức ăn và... tha hồ quậy phá! Đến nỗi, anh Bình đã nóng nảy gọi chuột là “tụi giặc đó khôn lanh lắm mấy cha”.
 
“Giặc chuột” đến từ đâu?
 
Anh Năm Viễn nhớ lại: “Khoảng năm 1998, chuột cũng hoành hành dữ lắm nhưng vào mùa Hè Thu chớ không phá ngay vụ chính Đông Xuân như vầy. Tui nghĩ do mấy năm nay nước về muộn, lại không ngập bờ giồng nên chuột có nơi sinh sản nhiều hơn mọi năm”. Rồi lại xót xa: “Chuột ăn lúc lúa mới năm ba ngày còn đi gieo lúa giặm lại, chớ nó ăn lúc 40-45 ngày là coi như mất hột cái chắc. Bà con nói nếu vầy, chắc năm sau trồng khoai lang, nó ăn củ này còn củ khác. Nhưng trồng khoai nhiều quá thì bán đâu?”
 
img
 
Chuột đồng mập ú vì ăn lúa.
 
Anh Lê Quang Thảo- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hiệp (Trà Ôn), cũng công nhận: “Từ hồi tui biết tới giờ chưa khi nào thấy chuột nhiều và phá hại dữ như năm nay, có thể nói là dịch chuột. Bởi không ruộng nào là không bị chuột cắn, có người chỉ có 1 công ruộng nhưng chuột cắn muốn hết”. Hầu hết bà con nông dân đều khẳng định: 2 năm rồi không có nước về nên chuột sanh sôi... thoải mái. Nói như chú Sáu Kim Sa “1 con nó đẻ cả năm cầu ngàn con”.
 
Anh Thảo còn cho biết: “Ở đây nhiều người đi bắt chuột lắm, đêm nào cũng 5-7kg, nhưng không cách gì bắt hết. Ăn cũng không xiết. Giết cũng không được. Bà con thuốc rồi thấy nó ăn hết, nhưng không biết nó có chết không mà không thấy con nào”.
 
Chú Tư chen vào: “Lạ thiệt. Cũng ít thấy chuột trên đồng, thấy nhiều đám lúa đỏ đỏ, tưởng lúa bệnh, ai dè gốc bị cắn đứt ngang. Hổng lẽ nó ở mấy bờ thủy lợi, tối tối mới nhào vô ruộng tấn công lúa? Mà cũng đâu thấy nó đùn đất, đào hang gì hết trọi”. Có người nói chuột “ém” trong ruộng lúa, vì khi xịch thuốc rầy, thuốc sâu thấy nó chạy cời cời!
 
Hiện một số nông dân dùng bẫy điện rào chuột vì cho rằng đây là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cách này rất nguy hiểm, cần được địa phương quan tâm. Chú Sáu Kim Sa quả quyết: “Mai mốt cắt lúa đồng trống mà bắt chuột chất đống hổng bằng mấy trăm giạ lúa tui thua đó”. Còn anh Thảo thì lo: “Chuột cắn lúc lúa đang làm đòng là tiêu đồng hết, nông dân sẽ thất thu”.
 
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện có gần 3.700ha lúa bị chuột cắn với mức độ từ 10-18%. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để diệt chuột, bà con nông dân phải thực hiện sớm, diệt ngay từ đầu vụ, phải diệt thường xuyên, liên tục với sự tham gia của nhiều người và bằng nhiều biện pháp khác nhau thì mới hiệu quả. Nếu diệt chuột sớm lúc đồng ruộng còn trống, lúc chưa gieo sạ sẽ dễ dàng hơn, không thiệt hại nhiều cho đồng ruộng, hạn chế rất lớn số lượng chuột tham gia sinh sản và gây hại cho cả vụ sau này. 
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo