Ngày xưa, lúa Đồng Lớn mỗi năm chỉ làm một vụ, đến tháng này thì vàng ruộm trên đồng, làng trên xóm duới nô nức bước vào mùa gặt hái.
Mùa gặt vui lắm. Cả làng thức dậy từ lúc gà mới gáy trở canh, lụi cụi chuẩn bị cơm nước, rồi í ới gọi nhau ra đồng khi bầu trời còn tối thui như lọ nghẹ. Đang giữa những ngày đông lạnh giá, sương giăng mù mịt khắp nơi, khiến màn đêm càng tối mò mò, vậy mà mới ba, bốn giờ sáng, con đường ra ruộng đã rộn rịp bước chân người.
Đồng Lớn xa lắm, lại phải đi bộ, nên đã đi thì phải cơm đùm gạo gói ở lại vài ba ngày mới về. Đường xa, nông cụ lỉnh kỉnh, gạo muối đùm đề, nhưng bao giờ chúng tôi cũng cố vác theo một cái cuốc. Mùa gặt là mùa săn bắt chuột đồng, nên sợ nặng mà không mang cuốc theo thì chỉ có mà… hối hận.
Nhanh tay vồ một chú chuột vừa chui ra khỏi hang
Mùa gặt, tất nhiên việc gặt hái phải ưu tiên hàng đầu. Vừa ra đến ruộng, mọi người đã sà ngay xuống mà gặt, mà ôm, mà đập. Làm việc hăng hái là vậy, nhưng hễ nhìn thấy cái hang chuột nào là y như rằng bỏ hết, vội vội vàng vàng lấy đất bít hết mọi cửa hang rồi mới quay ra làm tiếp. Buổi trưa, trong khi người lớn tìm chỗ mát ngồi nghỉ thì bọn trẻ chúng tôi lại hú gọi nhau đi tìm hang chuột.
Bờ ruộng bao nhiêu là hang, nhưng hang nào có chuột, hang nào không, chỉ nhìn cửa hang là biết. Chuột không bao giờ ở một mình, nên cái chỗ chúng bò ra bò vào hàng ngày nhẵn thín.
Ba bốn thằng mặt mày hăm hở, lom khom lượm đất nhém mọi ngõ ra của chuột, cẩn thận dận gót chân cho thiệt chặt rồi mới an tâm bỏ đi. Tầm ba, bốn giờ chiều, ưỡn lưng đứng nhìn vạt lúa còn lại, thẽ thọt xin người lớn cho nghỉ để đi đào chuột.
Nhà tôi không ai ăn thịt chuột, nên xin gì thì xin, chứ xin đi đào chuột thì khó lắm. Ba tôi la con thì mặt nghiêm như tượng, nhưng lại dễ mềm lòng, nên thấy thằng con cứ thỉnh thoảng lại nhong nhóng theo tiếng reo hò của đám bạn là đành chép miệng: “Bắt chuột thì lấy bao mà chụp, đừng để nó cắn cho một phát thì mệt!”. Hai anh em tôi đồng thanh dạ ran một tiếng rồi hí ha hí hửng vác cuốc chạy ngay.
Tháng chạp, đất ruộng cứng khừ, giơ cuốc lên bổ cật lực mới toác ra được vài miếng nhỏ. Ba bốn cái đầu khét nắng bu quanh, tay cuốc vừa dừng là a vào bới móc tìm kiếm cửa hang. Lũ chuột đào hang công phu lắm, ngóc ngách lên xuống khó lường.
Chuột thường đào hang có nhiều ngõ ra để thoát hiểm, nhưng đôi khi cũng có hang tắc, như thể phòng riêng để ngủ, không muốn ai làm phiền. Gặp hang tắc, chỉ cần móc đất ra là tóm lần lượt từng con một, nắm cổ, giật mạnh đuôi cho giãn cột sống, vất bừa ra đất để rảnh tay thanh toán những con còn lại.
Nhiều khi gặp phải đất cứng, hang sâu, phải hun khói mới bắt được. Trước khi hun, phải cuốc rộng cửa hang, đồng thời khai mở hết các “cửa động” để chuột có đường mà chạy. Rơm phải lựa rơm cũ, không tươi để có thể cháy, nhưng cũng không khô hẳn thì mới có khói. Búi rơm đốt lên gí vào cửa hang, chỗ nào có khói lên là nhất định chuột sẽ chạy ra. Ba bốn thằng bò ra đất, hai tay xòe ra, chờ đợi.
Lũ chuột vừa rẽ khói chui ra là xúm vào mà chụp. Cũng có khi lũ chuột phát hiện bị mai phục, cứ nằm im trong cửa hang mở mắt nhìn ra, hễ thấy động là thụt ngay vào. Hình như loài nào rồi cũng vậy, trước nhiều cái chết phải lựa chọn thì phải cố mà tránh một cái chết kinh hãi.
Trời cuối năm tối sớm. Trước khi mặt trời xuống núi thì cả bọn rủ nhau nhặt nhạnh thành quả, đốt một đống rơm rồi thảy hết vào, chờ đợi. Trong cảnh chiều tàn, ngồi nhìn khói đồng bay lơ lửng, ngửi mùi lông chuột cháy khét mà cũng thấy thơm. Mà thơm thật, thơm sâu vào tận ký ức, để mấy chục năm sau, nhìn khói đốt đồng là nhớ mùa bắt chuột.
Rơm tàn, cả bọn xúm vào bới tro lôi ra từng con chuột đen nhẻm. Một tay nắm đuôi, một tay nhẹ nhàng bóc từng mảng da, chỉ một chốc đã có ngay một rổ thịt trắng bóc, chỉ nhìn thôi đã thấy phát thèm.
Ngày xưa đi đào chuột, tôi chỉ cốt vui mà không hề động đũa. Sau này, khi đến chơi nhà bạn, được ăn món chuột đồng nướng muối ớt, được nghe giới thiệu nhiều món ăn hấp dẫn từ chuột, tôi mới biết là mình đã bao lần bỏ lỡ một món ngon của chốn đồng quê.
Bình luận (0)