Không “trở thành người của ban lãnh đạo Ngân hàng Đông Á” như nhiều người nghĩ, cô còn từ chối nhiều lời mời làm việc lương cao mà chọn làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nơi cô có thể truyền lửa và những hiểu biết đã gom góp được ở thế giới bên ngoài cho các bạn trẻ.
Người sinh viên đầu tiên được kết nạp Đảng tại Mỹ
Với nụ cười tươi và đôi mắt rất sáng, Trần Phương Ngọc Thảo nhỏ bé như một cái chấm nhưng vẫn sáng lung linh giữa những người bạn cao to của các nước. Ở sân trước ngôi trường danh tiếng ấy, dù trong lòng cũng rất phấn khích nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng khi Thảo với nụ cười hạnh phúc rạng rỡ đã căng to lá cờ Việt Nam chụp hình cùng bạn bè và người thân. Khi sang đây, tôi đã được nghe kể nhiều về vụ biểu tình chống việc treo cờ Việt Nam tại văn phòng Khoa Ngôn ngữ của Đại học bang Massachusette (University Massachusette - Umass) của một bộ phận người Việt sống tại đây. Họ biểu tình, đòi gỡ bỏ “cờ đỏ sao vàng” và bắn tiếng hăm dọa đủ điều đến Nguyễn Thị Minh Phương, một nghiên cứu sinh Việt Nam tham gia giảng dạy môn tiếng Việt tại Umass.
Minh Phương không chỉ treo cờ Việt Nam mà còn kiên quyết bảo vệ lá cờ ở vị trí công khai trong Umass dù gặp nhiều áp lực. Lần ấy, tôi sang thăm Thảo, được chứng kiến một buổi họp chi bộ của bảy nghiên cứu sinh Việt Nam tại Boston và chứng kiến cách mà những đảng viên trẻ đang sống bên ngoài Tổ quốc đã “chiến đấu” để bảo vệ mình và bảo vệ lá cờ Việt Nam tại Mỹ.
Sinh hoạt của Chi bộ Lưu học sinh tại Boston gặp nhiều khó khăn vì các đảng viên - sinh viên đang sống chung trong một cộng đồng đa quốc tịch, mà ở đó vẫn còn một bộ phận người Việt quá khích, sẵn sàng “làm khó” khi biết họ là đảng viên Cộng sản. Hiểu rất rõ tình hình nhưng Thảo vẫn kiên trì suốt hai năm liền, kể từ khi cô bày tỏ ý muốn vào Đảng với anh Vũ Minh Khương, đảng viên của Chi bộ Lưu học sinh tại Boston.
Tháng 4-2007, được sự phê chuẩn của Ban Cán sự Đảng Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, nghiên cứu sinh Trần Phương Ngọc Thảo có quyết định kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chi bộ phải bàn nhau tìm địa điểm nào khả dĩ an toàn để làm lễ kết nạp Đảng cho Thảo, không phải đón những người khách “không mời mà đến”. Cuối cùng, Ngọc Thảo mượn được một phòng họp nhỏ trong ký túc xá sinh viên của Đại học Harvard.
Ngô Việt Phương, Bí thư Chi bộ Lưu học sinh, nói với tôi: “Ngày kết nạp Đảng của cháu ở quê nhà, buổi lễ được nhiều người chung tay tổ chức rất trang trọng, có nhiều người thân đến chia vui. Ở bên này, trong tình thế này, em Thảo phải quán xuyến gần hết mọi việc và...”, Ngô Việt Phương bỏ lửng câu nói, quay sang Ngọc Thảo đang cười lặng lẽ đón mọi người ở cửa phòng họp, trong ngày lễ quan trọng của đời mình. Trong không khí tĩnh lặng nhưng trang trọng của buổi sáng rất lạnh ở bên ngoài Tổ quốc, giọng đọc quyết định kết nạp Đảng cho Thảo của bí thư chi bộ nghe sao... rất khác; giọng đọc giấy giới thiệu Thảo của Minh Phương nghe cũng... khác và tiếng Thảo hát Quốc ca Việt Nam, đọc lời tuyên thệ trước ảnh Bác trên đất Mỹ nghe cũng... rất lạ. Cái cảm giác “rất gai người” ấy với Thảo hẳn sẽ là hạnh phúc mãi không quên. Trần Phương Ngọc Thảo là sinh viên Việt Nam đầu tiên được kết nạp Đảng tại Mỹ.
Trần Phương Ngọc Thảo trong lễ nhận bằng tiến sĩ ở Harvard
Ra đi để mang về
Tháng 2, các trường trung học ở New Zealand đã vào năm học mới, nhưng đến tháng 6 Ngọc Thảo mới vào trường do phải hoàn tất xong chương trình lớp 9 ở Việt Nam. Dù phải bỏ qua nửa năm học lớp 10 tại ngôi trường xa lạ trên đất khách và học nhảy (lớp 11) để học luôn chương trình lớp 12, nhưng chỉ cần một năm rưỡi để học ba lớp của chương trình cấp III, Thảo vẫn tốt nghiệp bậc trung học xuất sắc. Với thành tích ấy, Thảo được Đại học Oxford (Anh) tuyển thẳng. Năm ấy, Trần Phương Ngọc Thảo 16 tuổi.
Bốn năm sau, sinh viên Trần Phương Ngọc Thảo “lại” tốt nghiệp loại ưu, trong top năm của Đại học Oxford và được năm trường đại học danh tiếng tuyển thẳng học bậc cao học: Harvard, North Westhern (Mỹ), Cambridge, Les và Oxford (Anh). Trong đó Oxford và Harvard còn “đánh tiếng” - sẽ dành cho cô học bổng toàn phần suốt khóa học. Thảo đã quyết định chọn Harvard để học Khoa Tài chính ngân hàng với học bổng toàn phần trị giá hơn 50.000 USD.
Tốt nghiệp bậc cao học, Thảo lại phải “chiến đấu” với hơn 800 đối thủ sáng giá khác để có chỗ trong số 36 nghiên cứu sinh ngành kinh tế của Đại học Harvard. Kinh phí cho chương trình đào tạo này cũng là học bổng do Thảo “săn” được từ Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và học bổng toàn phần của Harvard. Không ít người nghe Thảo sẽ chọn ở lại Mỹ sau khi lấy bằng tiến sĩ, nhất là với một ngành dễ tìm việc làm và có thu nhập tốt ở Mỹ như thế. Nhưng ngay từ khi đi du học, Thảo đã nói với mọi người: “Nhất định tôi sẽ trở về Việt Nam”.
Ngay cả trong quá trình học, Thảo cũng luôn hướng về Việt Nam. Năm 2000, cô sinh viên 16 tuổi này đã tự thưởng cho thành tích học tập của mình bằng đợt tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tại Trà Vinh. Gần hết chiến dịch, nhiều thành viên trong đội mới “ngã ngửa” khi biết “chị nuôi” Ngọc Thảo ngày ngày đi chợ nấu cơm cho mình lại là sinh viên của Đại học Oxford, có bố là Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á và mẹ là Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Những năm sau đó, Thảo thường quay về quê nhà với những học bổng cho trẻ nghèo vượt khó, những máy móc cần thiết cho các nhà mở mà cô vận động được, để tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tại Gia Lai, tham gia chương trình Tết cho lính biên phòng và người dân tộc nghèo trong chương trình Mùa xuân biên giới do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức...
Trong thời gian học tập ở Oxford, Thảo là hạt nhân thành lập Hội Sinh viên Việt Nam tại London. Nhiều sinh viên Việt Nam đến Anh, khi cần, đều nhận được sự hỗ trợ của những người tình nguyện như Thảo. Với ước mơ thực hiện một “cây cầu nối” cho các bạn du học sinh trên khắp thế giới mang trí tuệ của mình về đóng góp cho quê hương, năm 2005, Câu lạc bộ Du học sinh của TPHCM (Oversea Vietnamese Student Club - OVS), được Thành đoàn TPHCM và Hội Sinh viên TPHCM phê chuẩn thành lập theo dự án của Trần Phương Ngọc Thảo. Website của OVS đã thực sự là “ngôi nhà chung” của hơn 40.000 thành viên là du học sinh Việt Nam khắp thế giới.
Năm 2007, Thảo là một trong năm gương mặt được bình chọn danh hiệu Công dân trẻ của TPHCM. Hiện Thảo đang là trợ giảng Khoa Ngân hàng, bậc sau đại học của Đại học Kinh tế TPHCM.
Bình luận (0)