xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn

Theo Mộc Miên (Phụ Nữ)

Chuyện xưa giờ hồi tưởng lại, kể đến đâu mệ chắp tay đến đó, như đã từng chắp tay cung kính đức bà, như vết hằn đi theo suốt cuộc đời người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn

Tôi ướt sũng vì mưa. Mệ chắp tay: “Anh vào nhà nhanh cho ấm”. Tôi nắm tay mệ. Bàn tay người già nhỏ nhắn, mềm mà ấm, dậy trong tôi cảm giác gần gũi. Vậy mà trước khi đến đây, có người bảo tôi rằng gặp mệ rất khó. Không phải do mệ khó mà do người nhà muốn để mệ yên với quãng đời còn lại.
 
Chỗ chúng tôi ngồi sát vách Đại Nội, nhìn xéo hướng Đông là đụng cung Diên Thọ. Mưa như từng mưa ở xứ Huế. Tôi nghĩ, nếu đem ra mà tả thì ở Đại Nội màu mưa nó khác, bởi đó là tiếng thở dài của rêu phong, gói trong đó trùng trùng chuyện của một thời một thuở...

img

Chồng mệ tên Chít, nên người ta thường gọi mệ theo tên chồng, đúng tên đúng tuổi của mệ là Nguyễn Thị Hồng Vân. Là con một thủ tự có tư tưởng cách tân, nên chị em mệ được cho học ở Đồng Khánh. Cái duyên, gọi như thế không biết có đúng không, mệ được đưa vào làm người hầu của đức bà Từ Cung khi mười bốn tuổi, thông qua bà Tùng Chất – một tùng sự quản cung nữ ở cung Diên Thọ – nơi ở của bà Từ Cung.
 
Bà Tùng Chất hay qua chùa nên biết rõ gia đình mệ, nhưng người trực tiếp góp tiếng nói quyết định là ông thái giám Trần Hữu Đồng.
 
Ông này khi sinh ra đã có đặc điểm cơ thể của một thái giám. Được tám ngày tuổi là ông được người nhà đưa vào gặp bộ Lễ, rồi ở hẳn trong cung. Ông Đồng là chỗ quen thân với cha mệ. Chữ lót theo tên là “Hồng” bị bỏ vì phạm húy, nên mọi người chỉ gọi mệ là Vân.
 
“Hồi đó, thị hầu có tám người. Mệ nhớ rõ là Huyền, Thảo, Nhạn, Nga, Vân, Ba, Tiềm, Lợi, chia làm hai tốp hầu sáng và tối. Nhờ mình biết chữ, nên được chọn đọc báo cho đức bà. Công việc của thị hầu đặt dưới sự điều khiển của một tùng sự lớn tuổi gọi là “mạ”.
 
Buổi sáng, bốn đến năm giờ là lo dậy quét dọn, đổ ống nhổ, làm việc vặt do các mạ sai bảo. Đức bà dậy là bưng nước lên cho bà súc miệng, dâng đồ ăn sáng. Ăn xong, lại dâng tiếp thức tráng miệng. Khi bà ngự thiện thì lo kéo quạt. Bà ngủ, thị hầu phải ngồi chờ ở phòng trà. Cứ thế mà làm.
  
Việc chính của mệ là đọc báo, bắt đầu từ 11 giờ trưa. Lúc đó, hằng ngày bộ Công dâng ba tờ Đông Pháp thời báo, một tờ cho đức vua Bảo Đại, một cho đức Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) và tờ còn lại cho đức Tiên Cung (bà nội vua Bảo Đại).
 
Đọc báo, bao giờ đức bà cũng hỏi: “Hôm ni tin tức có chi hay?”. Tôi nói, có lẽ mệ là biệt lệ, số mệ tốt nên đức bà thương, chứ luật cung cấm, khi hầu chỉ có quỳ chứ đâu được ngồi. Mệ gật, ừ, mạ tùng sự cũng thương, ban đêm đọc, thắp đèn sáp, mạ thưa với đức bà, cho nó đọc ít thôi, kẻo đau mắt.
 
Lại nói nhỏ với mệ rằng, cứ đọc dài giọng ra, nhỏ thôi, là đức bà ngủ liền. “Đức bà khó tính không?”. “Không, bà theo đạo Phật, mặt thuỗn dài, răng đen, sinh tuổi Canh Dần, cùng tuổi mẹ của mệ, phúc đức, thương người lắm, thường bảo, nó, tức là mệ, tội lắm, nhà nó tu hành, nên đồ thượng diên thường cho mệ nho, cam. Lúc bà ngơi (ngủ) thì đọc các bài vè, vịnh cho bà nghe.
 
Đức Từ Cung thường thích nghe các bài như: vè thông tằm, hát về Huyền Trân công chúa, vè bà Tùng Long, vịnh bà Triệu Ấu, bà huyện Thanh Quan, Phạm Công – Cúc Hoa, 10 bản nhạc Phật giáo. Đặc biệt, bà rất thích vịnh bà Triệu Ấu. Bà bảo, có chính khí của bậc liệt nữ nước Nam, cung nữ phải theo đó mà học”.

img

Đức bà Từ Cung, dẫu ngồi chót vót mẫu nghi thiên hạ, nhưng đâu tránh được nỗi buồn vui làm mẹ, cũng đêm ngủ không yên, ngày ăn không ngon nếu con cái hư hỏng. “Bà đức hạnh vậy mà sinh đức Bảo Đại hư khiếp”. Chuyện về vua Bảo Đại ăn chơi, khỏi bàn, điều tôi muốn biết là nội triều và bà Từ Cung lúc đó nói gì. “Ai dám nói thẳng điều chi đâu. Chỉ có đức bà là buồn ra mặt.
 
Ông Trần Hữu Hà, một tài phiệt ở Sài Gòn, có cô con gái đẹp. Ngài du ngoạn vào đó, thấy ưng ngay, đưa về làm vợ. Lục bộ không chịu vì bà này theo Công giáo, bèn tâu lên đức bà. Bà gật, không cho giáp cung, không cho ra mắt quan văn võ, mà chỉ cho giáp đền.
 
Nhưng bà buồn nhất khi Bảo Đại lên Đà Lạt đánh bóng bàn, mê bà vợ ông quan ba Pháp, bị ông này bắn bị thương ở chân. Đức bà suốt ngày im lặng, bắt mệ đọc báo, kể chuyện ngày xưa cho khuây khỏa. Thương con, đức bà lại cho gọi nhà sư vào, lập đàn cầu an cho con”.
 
Khoảng thời gian “nhập nội” làm thị hầu bà Từ Cung của mệ kéo dài 5 năm. Người ngoài thiên hạ, tức ngoài thành nội, nghĩ được vào đó là sướng, người nhà thì lấy làm vinh dự, vì lựa chọn biết bao nhiêu mới được cô con gái tử tế mà có chữ nghĩa theo hầu. “Không đúng hết đâu. Có sướng có khổ, anh à. Trong đó ăn uống sướng, công việc không nặng nề, nhưng nghiêm lắm, ai sai một tí là mạ tùng sự đánh đòn ngay. Mệ suýt bị đòn một lần khi đổ ống nhổ sai vị trí”.
 
 “Khi còn là thiếu nữ, mệ có tơ tưởng yêu thương chi ai không?”. “Ai có việc nấy, quan ra quan, hầu ra hầu, có ai dám nảy nòi. À, mà làm thị hầu có lương đó, mỗi tháng được trả hai đồng, trích lại cho sở Thiện là nơi chuyên phục vụ nấu ăn năm giác tiền cơm mỗi tháng, còn lại thì gửi về nhà. Áo quần là áo dài màu xanh, đỏ, tuyệt đối kỵ màu vàng.
 
Bà Từ Cung trọng chuyện hiếu nghĩa, thị hầu đứa nào nhà có tang cha mẹ, bà cho về ngay chịu tang. Ngày Tết, hầu được ban cho một bộ áo dài, một đồng, cho hồi gia, mồng hai lại phải vào hầu”.
 
Năm mệ 19 tuổi thì xảy ra Cách mạng Tháng Tám 1945, bộ Công và bộ Lễ tâu lên đức vua cho người già, trẻ con “xuất nội” để tránh thương vong. Từ đó, cánh cửa hoàng cung vĩnh viễn đóng lại sau lưng mệ.
 
Giã từ cung cấm, thăng trầm đủ nghề, rồi mệ lập gia đình năm 24 tuổi. Kỳ lạ thay, gắn duyên vợ chồng với mệ là ông Lê Chít, người gốc Quảng Trị, là con nuôi của ông thái giám Trần Hữu Đồng và họ có được bảy người con.
 
Tôi hỏi hai lần, rằng mệ sau khi rời cung, dứt cái phận thị hầu cho đức bà Từ Cung, có bao giờ trở lại chốn xưa không, đây với đó cách chỉ mấy bước chân. Mệ chậm rãi, còn ai trong nớ mà vô, suốt đời an phận làm dân, mình có can dự vào chút đỉnh hoàng triều thì cũng do số phận đẩy đưa, mình biết phận mình là đủ.
 
Tôi giãi bày rằng một lát cắt của cuộc đời mệ, há chẳng phải nên để hậu thế biết, rằng tiền nhân đã sống thế nào, để có cái nhìn minh xác. Vua Tự Đức chẳng phải đã có hai câu “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hơi” đó sao? Mệ im lặng nhìn mưa bay tối mờ Thành Nội.
 
Mệ sinh năm 1924, chuyện xưa giờ hồi tưởng lại, kể đến đâu mệ chắp tay đến đó, như đã từng chắp tay cung kính đức bà, như vết hằn đi theo suốt cuộc đời người cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn. Anh Hội, con trai mệ kể, mấy đứa con nít đến nhà chơi, bà cũng chắp tay chào, tôi nhắc mệ lớn rồi mà, bà nói “quen rồi”. “Ừ, dạ quen rồi anh ơi” – mệ nhìn tôi cười hiền lành – “mấy chị ngày nớ cũng biệt hết rồi, mệ chừ đã gần 90 tuổi rồi mà”...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo