Tôi thực hiện một hải trình về vùng biên hải trên biển Tây trong vịnh Thái Lan vào một buổi sáng đẹp trời. Chuyến tàu khách khởi hành từ thị xã Hà Tiên lúc
9 giờ, sau một giờ rưỡi cập bến cảng đảo Hòn Tre. Những hòn đảo xanh nằm san sát bên nhau như một bức tranh tuyệt đẹp. Người dân đảo hiền hòa, niềm nở tươi cười đón khách lạ.
Không thấy dấu vết nào sót lại cho thấy đây là nơi cướp biển chọn làm lãnh địa, tôi buột miệng hỏi có phải đây là đảo Hải Tặc, nhiều người trả lời: “Đúng rồi, nhưng bây giờ không còn hải tặc nữa. Đó là chuyện của hàng trăm năm về trước khi quần đảo chưa có con người đặt chân đến”.
Một góc đảo Hòn Tre trong quần đảo Hải Tặc
Ổ cướp vùng biên hải
Những người cao tuổi trên đảo Hòn Tre cho biết dấu chân những người đầu tiên đặt lên vùng đảo này vào những năm 1950. Khi đó, vùng này rất hoang vu, là điểm đến của dân nghèo khắp nơi về khai hoang, lập nghiệp. Dù luôn bị ám ảnh bởi cái tên dữ dằn của hòn đảo này nhưng cái nghèo đã không ngăn được bước chân của họ.
Cho đến bây giờ, quần đảo gồm: Hòn Tre, Hòn Giang, Hòn Đước, Hòn Đồi Mồi, Hòn Ụ và Hòn Đốc đã trở nên trù phú với 406 hộ, 1.756 nhân khẩu.
Trong đó, Hòn Tre là trung tâm xã đảo Tiên Hải với trên 250 hộ, Hòn Giang 115 hộ. Ông Nguyễn Trung Liệt, Chủ tịch UBND xã Tiên Hải, nhận định có lẽ do địa hình đảo Hòn Tre hiểm trở, lại nằm trên vùng biên hải sát với Campuchia và là nơi nhiều tàu thuyền qua lại nên được bọn hải tặc chọn làm căn cứ.
Còn theo ông Trương Minh Đạt, một nhà nghiên cứu về Hà Tiên, nạn cướp biển đã có từ thời cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cai quản đất Hà Tiên (thế kỷ XVII). Cái tên đảo Hải Tặc cũng xuất hiện vào thời kỳ này với hàng loạt vụ cướp có tổ chức, quy mô lớn. Bọn cướp có thể là một nhóm người mang nhiều quốc tịch.
Quần đảo Hải Tặc nằm trên tuyến đường thông thương rất quan trọng nên đã được chúng chọn làm hang ổ để phục kích, thực hiện đánh cướp tàu thuyền qua lại.
Khi đó, Hà Tiên là một thương cảng sầm uất có rất nhiều tàu của thương buôn nước ngoài đến trao đổi mua bán. Trong đó, tàu của hải tặc cũng trà trộn để vào đất liền điều nghiên, theo dõi nhằm dễ dàng thực hiện các vụ cướp.
Ông Trương Minh Đạt cho rằng thời điểm hải tặc lộng hành nhất là khi Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm đánh bại. Chúng đánh cướp táo tợn, ngang nhiên rượt đuổi các tàu buôn giữa ban ngày.
Một thời gian dài, vùng biển Tây qua khu vực này đến vịnh Thái Lan hầu như do bọn hải tặc tự quản vì bộ máy chính quyền bị tê liệt.
Nỗi ám ảnh của ngư dân
Bẵng đi mấy trăm năm, thời thế thay đổi, bóng dáng của hải tặc cũng vắng dần trên vùng vịnh Thái Lan song nỗi ám ảnh cho các tàu thuyền đi biển vẫn còn là dư âm kéo dài qua hàng thế kỷ.
Khi đã có con người đến khai phá những đảo hoang trên quần đảo Hải Tặc thì bóng dáng của cướp biển cũng như dấu tích về căn cứ một thời của chúng trên đảo này đã không còn.
Dù vậy, vẫn còn nhiều vụ cướp tàu thuyền của ngư dân đi biển xảy ra quanh khu vực quần đảo khét tiếng một thời này.
Nhiều người đi biển kể rằng chỉ trong những năm 2000 - 2004 đã có hàng trăm vụ hải tặc đánh cướp tàu khai thác hải sản của ngư dân trên vùng biển Tây, thậm chí ngay trong khu vực quần đảo Hải Tặc.
Ông Lê Trọng Thảo, một ngư dân ở thị xã Hà Tiên bị bọn hải tặc cướp tàu 9 năm về trước ngay trong quần đảo Hải Tặc, cho biết bọn cướp rất liều lĩnh và hung tợn.
Chúng vào tận vùng biển gần đất liền của thị xã Hà Tiên cướp tàu rồi dẫn tàu về các vùng đảo hoang hoặc sang hải phận Campuchia để giữ.
Ông Thảo kể lại lần bị cướp tàu vào năm 2001: “Buổi sáng, tàu tôi bắt đầu rời Hà Tiên ra đảo Hòn Tre, vừa chạy được chừng 10 km thì phát hiện một chiếc vỏ lãi lạ chở nhiều tên lăm lăm súng bám theo. Biết gặp chuyện chẳng lành, tôi tăng tốc chạy về đảo Hòn Tre lánh nạn nhưng không kịp. Chỉ một lúc sau, vỏ lãi của chúng đã bắt kịp tàu tôi. Bọn chúng nhảy lên tàu yêu cầu tôi điều khiển tàu về hải phận Campuchia. Hải tặc ra giá 20 triệu đồng để chuộc tàu và người, tôi năn nỉ quá chúng mới bớt chút đỉnh, nhận tiền rồi thả tàu về”.
Sau ông Thảo còn có một số tàu của ngư dân khác cũng bị cướp biển khống chế đưa về các quần đảo ở Campuchia rồi ra giá để người nhà mang tiền sang chuộc.
Riêng ông Thảo, độ nửa tháng sau lại “tái ngộ” bọn hải tặc một lần nữa khi đang đánh bắt gần vùng biển giáp ranh với Campuchia.
Lần đó, may là khi chúng đang rượt đuổi tàu của ông thì gặp tàu của biên phòng đi tuần tra nên bỏ chạy khỏi hải phận VN. “Đến bây giờ ngư dân chúng tôi vẫn còn bị ám ảnh do bọn hải tặc quá lộng hành” - ông Thảo nói.
Một thời kinh khiếp
Ông Lê Trọng Thảo kể lại: Vào những năm 2000 - 2004, ngư dân vùng biển Hà Tiên rất lo sợ, không dám ra khơi đánh bắt vì hải tặc có mặt ở khắp nơi và có thể tấn công tàu cá bất cứ lúc nào. “Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng vào những năm đó, ngư dân không nên đánh bắt ở những vùng biên giới biển giữa VN và Campuchia, kéo dài từ đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc đến Mũi Nai, thị xã Hà Tiên. Trong đó, các khu vực Bắc đảo Phú Quốc và quần đảo Hải Tặc dễ bị hải tặc tấn công nhất” - ông Thảo nói. |
Kỳ tới: Hậu nhân “cánh buồm đen”
Bình luận (0)