xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chữ hiếu và cây roi

Hồ Đăng Thanh Ngọc

Yếu tố chi phối toàn bộ trục gia phong xứ Huế là chữ “hiếu”, cũng chỉ ở nơi này mới có chuyện bà Từ Dũ cầm roi dạy con là vua Tự Đức khi ông còn trị vì đất nước

Cho đến bây giờ, từ những ngôi nhà hiện đại trên các con đường lớn cho đến hút sâu trong những ngõ vắng thâm nghiêm đầy cây trái vườn Huế, nền nếp gia phong vẫn còn phảng phất trên từng lá cây, ngọn cỏ.
 
Con gái Huế có thể đã khác xưa với phong cách hiện đại hơn trong thời buổi hội nhập toàn cầu nhưng tiếng “dạ, thưa” làm nao lòng các chàng trai trên khắp thế gian vẫn còn thưa thốt đó đây như là một âm vọng kéo dài của nếp nhà, gia phong Huế.
 
Sở dĩ bắt đầu câu chuyện về nếp nhà xứ Huế bằng hình ảnh con gái bởi cần nhớ lại rằng ngày xưa, Huế là cái nôi của phong trào Nữ công học hội, Phụ nữ tân văn... mà động lực cho những phong trào đó, đáng ngạc nhiên là lại khởi đi từ cốt lõi rất đặc biệt là gia phong xứ Huế.

 

Tề gia

 
Gia phong, tức phong khí của gia đình, nói cho dễ hiểu chính là nếp nhà truyền thống. Di sản văn hóa nhà vườn Huế kết tinh từ nhiều giá trị mang hàm lượng tri thức đậm đặc từ kiến trúc đến cách thức bài trí trong nhà, cũng được góp phần bởi sự ngăn nắp, nền nếp của gia giáo.
 
Yếu tố chi phối toàn bộ trục gia phong là chữ “hiếu”. Hiếu kính với tổ tiên là phải chăm lo phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, chu toàn mồ mả, giỗ chạp, anh em hòa thuận, dạy dỗ con cháu nên người để làm rạng danh gia tộc.
 
Thuở xưa, Huế tồn tại nhiều gia đình tứ đại đồng đường, ngũ đại đồng đường... mà ở đó, các bậc cao niên luôn là tấm gương quân tử tiết tháo, thấm đẫm lẽ đời. Bên cạnh Nguyễn Phước tộc là đại gia đình hoàng tộc với Tôn Nhơn Phủ điều hành mọi hoạt động nội bộ Hoàng gia bằng những định chế khắt khe thì tại các phủ quan quyền quý cũng có những quy định phức tạp không kém. “Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là tư tưởng nhất thống trong mục đích gia phong.
 
Ở xứ sở mà con cháu được khuyến khích học hành đỗ đạt để ra làm quan như Huế thì các giá trị tinh thần của giới quý tộc lan truyền cả vào trong các nếp nhà bình dân là điều dễ hiểu.
 
 
img
Ảnh: QUANG NHẬT


Khi giới quý tộc triều Nguyễn đa phần lâm vào cảnh gia đình sa sút kinh tế, việc các mệ vẫn tìm mọi cách giữ cái uy phong riêng có, từ đó sinh ra bao câu chuyện bi hài, cũng chính là tấm gương về khát vọng quyết liệt tiết tháo “giấy rách phải giữ lấy lề”. Khát vọng đó cũng lan truyền khắp dân gian làm nên một truyền thống xứ sở: Dù nghèo khó bao nhiêu đi nữa vẫn cố giữ nếp nhà.
 
Hình ảnh còn lưu lại nhiều thế hệ người Huế là cây roi dạy dỗ bao điều. Khác với nhiều nơi, cây roi nơi xứ sở thơ mộng này từ xưa đã không chỉ là công cụ dạy dỗ của riêng người cha, mà khi người cha lo chức trách công quyền, cây roi được giao lại cho bàn tay người mẹ - nội tướng.
 
“Thương cho roi cho vọt” cũng gắn với câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” là như thế. Giáo dục nền nếp gia phong cho con cái ở Huế từ lâu đã đạt đến trình độ cao trong phân công trách nhiệm. Thậm chí việc người cha dạy con không được nhiều người biết đến như câu chuyện những người mẹ dạy con. Chỉ có Huế mới có chuyện bà Từ Dũ cầm roi dạy con là vua Tự Đức khi ông còn trị vì đất nước.
 

Bữa ăn ngon và bàn tay phụ nữ

 
Gia giáo không chỉ dạy dỗ đạo đức, luân lý mà còn dạy kỹ năng mưu sinh, trang bị tri thức văn hóa và triết lý ứng xử. Bởi vậy, nền nếp gia phong xứ Huế không thể thiếu không khí êm ấm gia đình và những bữa ăn ngon từ rau trái quanh nhà.
 
Đến mức, người xưa soạn cả sách dạy nấu ăn thành thơ, in thành quyển Thực phổ bách thiên để truyền lại cho con cháu... Nền nếp gia phong này về sau được các trường nữ sinh ở Huế, đặc biệt là Trường Hai Bà Trưng danh tiếng, tiếp tục đào tạo nên nhiều thế hệ mẫu mực.
 
Nữ sinh Hai Bà Trưng ngoài học các môn yếu lược còn học thêm nữ công gia chánh. Như vậy, cùng với gia giáo, các nữ sinh còn được học các giá trị nhân văn ở nhà trường một cách chỉn chu.
 
Kiến thức, kỹ năng ấy đúc kết trong hàng ngàn người con gái Huế tạo nên một sự lan tỏa văn hóa gia phong sâu rộng trong dân chúng qua nhiều thế hệ. Con gái học gia chánh, học thêu thùa, may vá là học cái khéo tay, đảm đang, vun vén, đó cũng là cách rèn chữ nhẫn cho phụ nữ Huế giữ nếp nhà. Tỉ lệ gia đình ly hôn ở Huế thấp nhất nước chính là nhờ nền nếp gia phong mà có.

 

Khát vọng gia tộc

 
Gia giáo đặc biệt thì nền gia phong cũng đặc biệt, từ đó quyết định phong khí khác nhau của từng gia tộc. Có như vậy Huế mới có những gia đình binh nghiệp vang danh như Tôn Thất, Nguyễn Hữu; gia đình văn nhã như Nguyễn Khoa; gia đình phong lưu như Tuy Lý; gia đình hoạn lộ danh tài như Thân Trọng, Hồ Đắc, Hà Thúc, Hoàng Trọng...
 
Đỉnh điểm của gia phong xứ Huế, như đã nói, là khát vọng làm rạng danh gia tộc. Nhiều bậc cha mẹ đã thật sự hy sinh, chấp nhận thiệt thòi về mình để con cái học hành thành đạt.
 
Không thể kể hết những gia đình có truyền thống gia phong nổi tiếng ở Huế nhưng có câu chuyện cảm động lưu truyền ở Huế nhiều năm qua: Để có tiền cho các con học đại học, vợ chồng ông Phạm Văn Giàu đã hai lần nuốt nước mắt bán đi một nửa căn nhà rồi bán nốt phần còn lại, dắt nhau đi ở nhà thuê trong cảnh trắng tay. Họ làm thuê, rau cháo qua ngày, ở mướn nhưng quyết không để cho con cái thất học. Và các con đã không phụ lòng, đều học giỏi và tự kiếm việc làm đỡ đần cha mẹ nuôi nấng đàn em thơ dại... Đó là gì nếu không là khát vọng gia phong?!
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo