PGS-TS Nguyễn Văn Thanh và hai chú mèo mồ côi được ông cưu mang
Mê mèo vì... căm thù chuột!
Sau một hồi nói chuyện về mèo, ông Thanh mới đánh thức một chú mèo tam thể, một nhị thể dậy. Âu yếm ôm hai chú mèo vào lòng, ông cho biết: “Đây là hai con mèo bị người ta bỏ rơi ở đường. Một người đàn ông ngụ trong khu vực biết tôi yêu mèo và nghiên cứu về chúng nên đem đến cho tôi nuôi. Khi đến đây, cả hai con mèo này đều đói và suy nhược nhưng các bạn thấy đấy, bây giờ ai nhìn chúng cũng phải tấm tắc khen dễ thương”.
Hãy học loài mèo ở cách chúng nắm bắt cơ hội và chộp lấy thời cơ, biến những mục tiêu của mình thành sự thật.
PGS-TS Nguyễn Văn Thanh |
Câu chuyện của chúng tôi với “nhà mèo học” bắt đầu từ hai chú mèo mồ côi như thế. Nhưng nếu chỉ vì yêu mà cưu mang mèo thì ông Thanh không thể được người ta gọi là “vua mèo” được. PGS-TS Thanh cho biết “duyên phận” của ông với những chú mèo bắt đầu từ mấy chục năm về trước, khi ông còn là một cậu bé lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc huyện Kinh Môn - Hải Dương. “Tôi đã chứng kiến cảnh nông dân quê mình khóc rưng rức vì xót xa mùa màng, hoa màu bị lũ chuột phá hoại. Khi ấy, chúng tôi gọi chuột là lũ kẻ cướp, bởi vì chúng mà người dân quê tôi đã nghèo lại càng nghèo”.
Cũng vì căm thù chuột mà ông Thanh yêu mèo bằng một tình yêu hết sức tự nhiên. Khi còn là một cậu bé, ông Thanh đã có thể ngồi hàng giờ để quan sát từng hành động, thói quen của chú mèo mướp nhà mình. Tình yêu với mèo trong ông cứ lớn dần lên để rồi nó thôi thúc ông phải học để nghiên cứu về mèo, nhân giống và chữa bệnh cho chúng. Mấy chục năm nghiên cứu, PGS-TS Nguyễn Văn Thanh đã thực hiện nhiều đề tài về mèo như: Các chỉ tiêu sinh sản và bệnh thường gặp trên đàn mèo, Ảnh hưởng của việc khôi phục đàn mèo với năng suất nông nghiệp, Kỹ thuật nuôi - chăm sóc mèo. Dù vậy, vị “chuyên gia mèo” này vẫn cho rằng còn quá nhiều điều thú vị, bí ẩn xung quanh loài mèo mà ông chưa khám phá hết.
Chuyện tình loài mèo
Điều khiến PGS-TS Nguyễn Văn Thanh tâm đắc nhất về loài mèo chính là những phẩm chất, đức tính hiếm có và đáng quý ở loài vật này. Ông Thanh quả quyết: “Mèo bình thường trông rất mềm mại, nữ tính nhưng khi phát hiện mục tiêu là bọn chuột thì nó có thể tăng tốc khủng khiếp để vồ lấy kẻ địch. Trước chuột, mèo có sự uy dũng khác thường. Rất ít con vật bình thường thì mang đầy nữ tính nhưng lại mạnh mẽ đến thế khi bắt mồi. Tôi vẫn thường bảo với các sinh viên của mình rằng hãy học loài mèo ở cách chúng nắm bắt cơ hội và chộp lấy thời cơ, biến những mục tiêu của mình thành sự thật”.
Đi sâu tìm hiểu về mèo hơn 20 năm nay, ông Thanh lựa chọn một mảng nghiên cứu khá lạ nhưng đầy thú vị: Chuyện “tình yêu” của mèo! Ông Thanh phát hiện rất ít loài vật yêu mãnh liệt và cao thượng như mèo. “Khi đến tuổi “dậy thì” - khoảng 6-8 tháng tuổi, mèo cái không ngại ngần mời gọi mèo đực. Tiếng kêu của mèo cái mời gọi bạn tình rất êm dịu nhưng cũng đầy thúc giục”- ông Thanh giải thích.
Theo PGS-TS Thanh, thông thường, khi mèo cái phát ra tín hiệu yêu đương thì ít nhất phải có vài ba mèo đực tìm đến. Tuy nhiên, trong chuyện này, mèo cái có đặc quyền rất lớn. Đứng trước một bầy mèo đực, con mèo cái sẽ quan sát một vòng để lựa chọn “ý trung nhân” cho riêng mình. Khi một chú mèo được chọn, các chú khác thường vui vẻ chấp nhận chứ không tranh giành. “Mèo là loài yêu rất đắm đuối, si mê nhưng cũng rất cao thượng. Tôi đã từng chứng kiến con mèo đực sẵn sàng lao lên mái nhà để đi theo tiếng gọi tình yêu mà không cần biết sau đó nó có xuống được không. Đứng trước con mèo cái, mèo đực dù có dữ mấy thì cũng “mềm nhũn” – ông Thanh cho biết.
PGS-TS Nguyễn Văn Thanh còn phát hiện mèo VN có sức chịu đựng bệnh tật, kham khổ rất tốt, nhất là bản năng bắt chuột. “Mèo là người lính bảo vệ mùa màng cho nông dân. Ngay cả với con người, yêu và sống vô tư, cuồng nhiệt, không vụ lợi, toan tính như mèo cũng là rất khó”- ông Thanh nhận xét.
Tôn vinh mèo
Bao nhiêu năm gắn bó với mèo là bấy nhiêu năm PGS-TS Nguyễn Văn Thanh đi khắp đất nước để nhân rộng, phát triển đàn mèo và tuyên truyền để mọi người bảo vệ, không ăn thịt loài vật này. Cách đây 5 năm, trong một dự án mang tên “Phát triển nông nghiệp bền vững” do Tổ chức Thanh niên sứ mệnh YWAM tài trợ, PGS-TS Thanh đã được mời làm chuyên gia và ông đã chứng minh cho mọi người thấy mèo có thể đem lại những lợi ích gì cho nông dân.
Tại xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ - Hà Tây cũ, nơi được chọn thực hiện thí điểm dự án, những năm 2003-2004, chuột lộng hành ghê gớm. Ở nhiều tỉnh, thành khác, chuột cũng hoành hành, phá hoại mùa màng của nông dân khiến năng suất nông nghiệp giảm sút. “Đến đó, tôi lại chứng kiến cảnh một cụ già râu tóc bạc phơ khóc lóc, cầu cứu, giống như người thân của tôi mấy chục năm trước, khi bị lũ chuột cướp công sức lao động. Từ lâu rồi, tôi đã mong có cơ hội để trả nghĩa cho nông dân và lần ấy cơ hội đã đến” – ông Thanh tâm sự.
Cách đánh chuột bằng bả khiến các vật nuôi có ích cũng chết và gây ra nhiều hệ lụy xấu nên ông Thanh đưa ra đề án giúp nông dân phát triển nông nghiệp bền vững bằng cách bảo vệ, phát triển đàn mèo. Ban đầu, tổ chức tài trợ dự án cảm thấy bất ngờ bởi chuyện nuôi, nhân rộng số lượng đàn mèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân dường như không mấy liên quan đến nhau.
Ông Thanh cùng dân làng bắt tay xây dựng hương ước không bán, không thiến, không ăn thịt và không trộm mèo. Ai vi phạm bị loa phát thanh của xã “bêu riếu” tên trước làng. Từ 15-20 con mèo ban đầu, sau một năm, xã Thanh Bình đã có đến cả ngàn con. Mùa màng bội thu vượt kỳ vọng của ông Thanh và người dân cũng như cả tổ chức tài trợ dự án. “Lúc đầu, họ chỉ mong tăng năng suất được 10%-15% nhưng cuối cùng, mèo đã giúp nông dân bội thu hơn thế rất nhiều” – ông Thanh hào hứng.
Ông Thanh còn đứng ra tổ chức cuộc thi Hoa hậu mèo để tôn vinh loài vật này với các giải: Mèo sumo (khỏe), Anna xinh đẹp (đẹp), Chị mướp (nhiều con, nuôi con tốt). Ông Thanh hiện đang phụ trách một trung tâm cứu trợ mèo, chuyên nuôi, chăm sóc những con bị bỏ rơi. “Có năm, trung tâm chúng tôi cứu được cả trăm con mèo” – ông tiết lộ.
Bạn tốt của người
Một lần đi giảng dạy lớp đại học tại chức ở huyện Tiền Hải - Thái Bình, “nhà mèo học” Nguyễn Văn Thanh bị sốc vì phát hiện ở đây, người ta coi mèo là “đặc sản” và ăn thịt chúng vô tội vạ. “Tôi đi rửa tay trong bếp và cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt: Có tới mấy chục cái đầu mèo đã được làm thịt. Tôi bỏ ngay bữa cơm hôm đó và cảm thấy rất buồn” - ông kể.
Với ông Thanh, mèo là bạn. Ảnh: MẠNH DUY
Theo PGS-TS Thanh, chó, mèo không được coi là thực phẩm mà chúng là những con thú cưng, những bạn tốt của con người. Mấy chục năm nuôi mèo, yêu mèo như con, ông Thanh cho rằng quan niệm mèo không mang đến điềm lành là hoàn toàn vô lý. “Mèo rất có ích, nhất là việc bắt, đuổi chuột. Riêng mình, mèo cho tôi nhiều thứ, từ danh vọng, sự nghiệp và cả niềm đam mê. Hãy yêu mèo, bảo vệ mèo và sống với phẩm chất của mèo” – ông Thanh nhắn nhủ. |
Bình luận (0)