Lễ hội chùa Hương không chỉ kéo dài nhất mà còn thu hút lượng du khách kỷ lục trong số hàng trăm lễ hội dịp đầu năm. Tuy nhiên, lễ hội chùa Hương cũng là nơi tồn tại rất nhiều cảnh chướng tai, gai mắt.
“Điệp khúc” quá tải
Trong 3 năm qua, năm nào, lễ hội chùa Hương cũng đón trên 1 triệu lượt khách. Năm ngoái, lễ hội này đón 1,3 triệu lượt khách. Năm nay, lượng khách trẩy hội chùa Hương dự kiến có thể lên tới trên 1,5 triệu lượt người.
Trước mỗi mùa lễ hội, Ban Quản lý (BQL) Di tích Hương Sơn đều tiến hành nâng cấp, mở rộng nhiều hạng mục công trình để tránh tình trạng quá tải nhưng luôn không theo kịp sự gia tăng về lượng khách.
Ông Lê Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - Hà Nội, cho biết: “Năm nay, bến Thiên Trù được mở rộng thêm 3.000 m2 và số lượng đò cũng được tăng thêm 500 chiếc nên tình trạng quá tải sẽ được giải quyết phần nào”.
Tuy vậy, ngay trong ngày khai hội chùa Hương vào mùng 6 Tết, hơn 50.000 du khách đổ dồn về khiến tình trạng ùn tắc trên suối Yến vẫn xảy ra. Tại Thiên Trù, lối lên chùa tuy đã được mở rộng, nâng cấp bằng cách thu hẹp diện tích các hàng quán dọc đường nhưng bài toán quá tải vẫn chưa có lời giải.
Du khách chen nhau trẩy hội chùa Hương
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng BQL Di tích Hương Sơn, giãi bày: “Năng lực đón tiếp của chùa Hương chỉ có giới hạn nhất định nên rất khó giải quyết được tình trạng quá tải vào những ngày cuối tuần, rằm, mùng 1 trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Đặc biệt vào ngày khai hội, từ mấy chục năm nay, năm nào cũng quá tải”.
Trẩy hội chùa Hương là cuộc hành hương có quy mô lớn nhất và dài ngày nhất ở miền Bắc nên ban tổ chức chỉ có thể làm theo kiểu “rút kinh nghiệm năm trước”. Chính vì thế, “điệp khúc” quá tải du khách sẽ còn tiếp diễn dài dài.
Thảm họa giẫm đạp rình rập
Ngay trong ngày khai hội chùa Hương năm nay, khu vực Thiên Trù, cáp treo lên động Hương Tích và trước cửa động này luôn xảy ra tình trạng tắc nghẽn khiến du khách phải xô đẩy, chen lấn, giành giật nhau từng centimet để có chỗ đứng.
Nhìn cảnh ấy, rất nhiều người mới lần đầu đi chùa Hương hẳn phải sởn tóc gáy lo ngại thảm họa giẫm đạp có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Chí Thanh trấn an: “Lực lượng Công an huyện Mỹ Đức, xã Hương Sơn đã được huy động tối đa trong suốt mùa lễ hội.
Dọc đường lên Hương Tích và nhất là ở những điểm nóng như cáp treo, Thiên Trù..., chúng tôi bố trí rất đông lực lượng dân phòng, an ninh, bảo vệ để giải tỏa ách tắc ngay khi có ùn ứ cục bộ”.
Dù vậy, đây chỉ là những giải pháp tình thế vì thực tế, BQL di tích và lực lượng công an ở đây chưa hề được tập huấn để xử lý khi có tai nạn giẫm đạp bất ngờ ập đến.
Dòng người vẫn nườm nượp đổ về chùa Hương, năm sau tăng hơn năm trước nên việc tập huấn chuẩn bị cho những sự cố không mong muốn cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Theo thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương, có quá nhiều người đi chùa mang tâm thế bon chen, sẵn sàng đẩy người khác xuống dưới để mình được lên trên, được đi trước. Đây cũng là một phần lý do gây ra cảnh chen lấn.
Rầu lòng Đức Phật
Người ta bon chen để đến được chốn cửa Phật vì có thể đổ lỗi cho “tình hình khách quan” nhưng ngay khi đã đến nơi, cách làm lễ theo kiểu “chạy sô”, chụp giật, thiếu văn hóa ở chùa Hương có lẽ cũng khiến Đức Phật phải rầu lòng.
“Cò đò” khó dẹp, “chặt chém” khó bỏ
Tình trạng chùa giả, miếu giả nở rộ dọc đường từ Thiên Trù lên động Hương Tích ở những mùa lễ hội trước đã được dẹp bỏ. Tuy nhiên, chuyện bắt chẹt khách đi đò dọc vào chùa Hương vẫn xảy ra phổ biến, dù cơ quan chức năng đã hạ quyết tâm dẹp bỏ nạn “cò đò”. Giá vé đò được niêm yết 35.000 đồng/người nhưng khách đi chùa Hương vẫn phải trả thêm từ 100.000 - 300.000 đồng, tùy loại đò, để được chở qua suối Yến vào Thiên Trù rồi tới Hương Tích. |
Ở nơi được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất động”, điểm đến cuối cùng và linh thiêng nhất trong số các di tích Hương Sơn, người ta tiến hành nhiều kiểu cúng bái rất xô bồ.
Động Hương Tích không lấy gì làm rộng rãi phải nêm chặt bởi 3.000 - 4.000 người luôn bị ngợp bởi khói hương và đốt vàng mã, dù BQL di tích đã quy định không được đốt bất cứ thứ gì bên trong.
Hàng trăm người vẫn bất chấp quy định này, tìm vào những góc khuất để “hóa vàng”, “hóa sớ” bởi quan niệm phải “hóa” được trong động thì mới được Phật chứng giám lòng thành.
Hàng trăm người xô đẩy, hàng trăm đôi tay chen nhau xòe ra để hứng những giọt nước từ thạch nhũ trong động Hương Tích rơi xuống. Nhiều du khách quan niệm đó là những giọt “nước thánh” từ bầu sữa mẹ và sẽ đem lại tài lộc, hạnh phúc cho một năm.
Thượng tọa Thích Minh Hiền bức xúc: “Tôi không rõ việc đốt vàng mã trong động có mang lại sự linh nghiệm nào không nhưng rõ ràng nó làm mất mỹ quan và không khí thiền trong động. Còn việc xin lộc từ bầu sữa mẹ cũng chỉ là quan niệm. Làm gì có thứ hạnh phúc nào mà nhờ giành giật, bon chen!”.
Nhiều vấn nạn tồn tại xung quanh lễ hội chùa Hương rất khó thay đổi. Mùa lễ hội năm nay, việc bán thịt thú rừng đã bị cấm nhưng nếu khách có nhu cầu thì các quán ăn vẫn phục vụ.
Riêng việc hàng quán kinh doanh mọc hai bên đường, theo BQL Di tích Hương Sơn, người dân sống xung quanh chùa Hương chỉ trông vào mùa lễ hội nên không thể hạn chế được. Ước tính, khoảng 10.000 người trong tổng số 20.000 dân của xã Hương Sơn và các xã lân cận tham gia những dịch vụ “ăn theo” ở chùa Hương.
Hình ảnh nhếch nhác từ những người ăn xin, việc thiếu vệ sinh do chưa có hệ thống xử lý rác thải, nhà vệ sinh lưu động khiến lễ hội chùa Hương càng thêm xô bồ. Chị Nguyễn Thị Quyên, du khách đến từ quận Đống Đa - Hà Nội và là người liên tục 30 năm nay đi chùa Hương, nhận xét: “Chùa Hương chỉ đẹp và thanh bình vào mùa không có lễ hội”.
Kỳ tới: Buôn thần bán thánh tràn lan
Bình luận (0)