Xung quanh khu vực đền Trần ở phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định và đền Bảo Lộc thờ Đức Thánh Trần ở huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định những ngày qua, rất nhiều loại ấn, bùa hộ mệnh, sắc, lệnh... được bày bán; giá bán cũng rất đa dạng.
Tại đền Trần ở phường Lộc Vượng, tôi đặt vấn đề với một người bán ấn rằng “mua với số lượng lớn cho cơ quan”, chị ta nói: “Ấn của Đức Thánh Trần đã khai từ thời điểm sau giao thừa. Nhiều lắm, em có mua không?”. “Lấy gì bảo đảm những ấn mà chị bán là thật?” - tôi hỏi. Chị ta nhanh nhảu: “Không tin thì cứ vào so sánh với ấn đang được bán trong Cung Cấm!”.
Tôi liền sang đền Bảo Lộc, xếp hàng ở cửa Cung Cấm. Tại đây, luôn có vài chục người xếp hàng đợi đến lượt vào mua ấn. Bên trong, ba người đàn ông phát ấn luôn miệng la to: “100.000 đồng một bộ.
Nhanh lên, ai mua thì cầm sẵn tiền trên tay!”. Sau khi mua được ấn, tôi chen ra ngoài theo cửa trái của Cung Cấm, gặp ông Đặng Hùng Hậu, một trong 3 người thủ nhang của đền Bảo Lộc, hỏi chuyện.
Các loại ấn đền Trần, bùa hộ mệnh mang dấu ấn của Đức Thánh Trần được
bày bán công khai bên ngoài đền Trần ở Nam Định, trong đó có nhiều ấn giả
Ông Hậu giải thích: “Đền Trần ở phường Lộc Vượng thờ 14 vị vua nhà Trần, còn đền Bảo Lộc thờ Đức Thánh Trần, tức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, một trong các vị tướng bất tử của người Việt.
Ấn đền Trần ở phường Lộc Vượng là quốc ấn, còn ấn ở đây là thánh ấn”. Ông cũng cam đoan rằng những ấn phát ra trong Cung Cấm đều là ấn thật, còn bên ngoài thì rất “khó lường” vì không thể biết nguồn gốc, xuất xứ.
Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, khẳng định: “Ấn vua Trần thì phải đến đúng giờ tý ngày 14 tháng giêng mới khai. Nếu ai có trước thì đó chắc chắn là ấn giả”.
Theo những người từng nhiều năm đi xin ấn, ấn đền Trần bây giờ đã được sản xuất hàng loạt. Theo ban tổ chức lễ hội đền Trần, năm nay sẽ có khoảng 15.000 ấn được phát ra để bảo đảm ai đi hội đền Trần cũng có ấn mang về.
Như vậy, lượng phôi ấn chỉ có hạn, vậy thì số ấn đang bày bán công khai bên các lều quán ngoài đền Trần và đền Bảo Lộc từ đâu mà có? Hóa ra, các loại ấn giả được cho ra lò bằng “công nghệ” hết sức đơn giản: Đóng dấu lên một tấm vải vàng là xong!
Lễ Khai ấn đền Trần năm nay sẽ thay đổi về cách thức phát ấn cho du khách trẩy hội để không xảy ra tình trạng tranh cướp ấn như trước. Theo đó, ấn sẽ được phát tại 75 bàn ở 4 khu vực bên ngoài đền.
Năm 2010, có khoảng 50.000 du khách dự lễ Khai ấn đền Trần. Năm nay, số khách được dự báo sẽ không ít hơn. Với 15.000 ấn được phát ra, chắc chắn hơn 2/3 số người đi dự lễ nếu muốn có ấn mang về thì sẽ phải mua ấn “ngoài luồng”.
Thái Bình mở hội đền Trần nhưng không khai ấn
Tại nơi phát tích của nhà Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà - Thái Bình, từ ngày 15 đến 17-2 (13 đến 15 tháng giêng) đã diễn ra lễ hội đền Trần. Lễ hội bao gồm một số nội dung chính như: Lễ rước chân nhang từ đền ra bến sông, lễ rước nước cùng nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật dân gian đặc sắc...
Trả lời báo chí ngày 15-2, ông Phạm Minh Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, Trưởng ban tổ chức lễ hội, khẳng định: “Năm nay, chương trình lễ hội đền Trần ở Thái Bình không tổ chức lễ khai ấn...”.
Theo tìm hiểu của Báo NLĐ, nhiều năm qua đã có sự tranh luận về nguồn gốc chiếc ấn đền Trần Thái Bình. Một số chuyên gia cho rằng chiếc ấn tại đền Trần Thái Bình hoàn toàn không phải là ấn vua Trần mà chỉ là hàng “nhái”, mô phỏng...
Cách đây không lâu, Cục Di sản Văn hóa đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong đó ghi rõ: “Hiện vật hình ấn này là đồ mỹ nghệ, nhiều khả năng sản xuất ở Trung Quốc. Hình thức và nội dung hiện vật này không liên quan đến thời kỳ lịch sử nhà Trần và văn hóa VN”...
A.Quý |
Bình luận (0)