Tuyến đường thủy TPHCM – Vũng Tàu hiện có 13 chiếc tàu cánh ngầm đang hoạt động. Ông Ngô Đình Quang, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM, cho biết: “Tàu cánh ngầm có xảy ra sự cố nhưng rất ít khi gây chết người. Nhìn chung, tàu cánh ngầm hiện nay tuy cũ nhưng vẫn hoạt động khá tốt, mỗi năm vận chuyển được 7.000 – 8.000 lượt hành khách”.
Liên tục gặp sự cố
Ông Phan Công Bằng, Trưởng Phòng Quản lý Giao thông thủy – Sở GTVT TPHCM, nhìn nhận tàu cánh ngầm hoạt động tuyến TPHCM - Vũng Tàu và ngược lại vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, như: sự cố hư hỏng máy móc, chở vượt tải trọng cho phép... Ông Quang cho biết mỗi năm, các tàu cánh ngầm đều được đem đi kiểm định vỏ, máy móc..., nếu đạt yêu cầu mới được phép sử dụng tiếp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các tàu cánh ngầm đang hoạt động vận chuyển hành khách ở TPHCM đều được đóng tại Nga từ những năm 1990, 1991 và được nhập về Việt Nam từ năm 1995, 1996.
Như vậy, chúng đều đã được sử dụng trên 15 năm. Từ năm 2008 đến nay, tàu cánh ngầm liên tục xảy ra những sự cố khi đang hoạt động, như: va vào phao neo, chết máy, mắc cạn... khiến hành khách nhiều phen hoảng loạn.
Nhiều phương tiện chở khách du lịch ở Nha Trang là tàu đánh cá đã cũ được tân trang. Ảnh: Hồng Thúy
Theo một chuyên gia ngành hàng hải, điều đáng lo ngại hơn là từ trước đến nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng cũng như khả năng khai thác tối đa đối với tàu cánh ngầm nên những chiếc tàu cũ kỹ, được sử dụng hơn 15 năm hiện vẫn còn hoạt động.
Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, trong năm 2010, TP xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 1 người chết. Trước những tai nạn vẫn xảy ra hằng năm của tàu cánh ngầm, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban An toàn giao thông TP, yêu cầu phải siết chặt công tác kiểm định tàu cánh ngầm hơn nữa.
Trên 20 năm vẫn chạy tốt!
Hà Nội hiện có hai địa điểm sử dụng tàu thủy để phục vụ du lịch trên hồ Tây và sông Hồng. Bến du lịch trên sông Hồng do Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng làm chủ đầu tư đã khai thác từ nhiều năm nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có gần 10 tàu phục vụ hành khách du lịch trên sông Hồng. Trong đó, có chiếc tuổi đời đã lên tới trên 20 năm (tàu Thăng Long hoạt động từ năm 1984).
Anh Hiếu, thuyền trưởng tàu Thăng Long 18, khẳng định các tàu đang hoạt động tại bến sông Hồng đều đạt chuẩn, bảo đảm an toàn theo quy định, hằng năm được đăng kiểm đầy đủ.
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nhiều chi tiết nối, kết cấu tấm sắt trên nhiều con tàu đã bị hoen gỉ, đứt gãy và xuống cấp. Với sức chứa hàng chục người, nếu đi lại vào mùa mưa bão, nước sông Hồng lên cao thì không ai dám chắc về mức độ an toàn của các phương tiện này.
Anh Hiếu cho biết từ khi đi vào hoạt động tới nay, bất kể mùa cạn hay mùa lũ, khi khách có nhu cầu, các tàu vẫn chạy bình thường, kể cả ban đêm, miễn sao đủ kinh phí để hoạt động cho mỗi lần chạy.
Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó trưởng Phòng CSGT Đường thủy - Công an TP Hà Nội, khẳng định đến nay chưa xảy ra vụ tai nạn nào đối với các phương tiện tàu thủy hoạt động trên hồ Tây và sông Hồng.
Dùng bếp gas rất nguy hiểm
Ông Nguyễn Văn Phụ, chủ một thuyền rồng hoạt động lâu năm trên sông Hương, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết ông luôn bị ám ảnh bởi một vụ tai nạn làm 4 người chết cách đây hơn 10 năm. Vụ tai nạn thuyền du lịch nghiêm trọng này xảy ra trên sông Hương, đoạn trước điện Hòn Chén, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy. Ông Phụ nhớ lại: “Nguyên nhân là do chủ thuyền chở quá số khách quy định. Chủ thuyền lại dùng bếp gas mini nấu ăn, trong khi bật gas thì ngọn lửa bùng lên khiến du khách hoảng loạn làm thuyền bị chìm”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều thuyền du lịch trên sông Hương hiện vẫn còn trang bị bếp gas để phục vụ du khách khi có nhu cầu. “Nếu dùng bếp gas nấu khi thuyền dừng thì không sao nhưng vừa nấu mà thuyền vừa chạy thì rất nguy hiểm. Khi đó bình gas sẽ bị di chuyển nên rất dễ xì gas gây nổ” - ông Phụ lo lắng. |
“Xác định đây là các địa điểm thu hút đông du khách nên không thể lơ là, chúng tôi đã liên tục kiểm tra, nhắc nhở và nhận thấy họ tuân thủ khá tốt các quy định về an toàn” - ông Cương cho biết.
Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Anh Thắng, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường thủy nội địa - Bộ Công an, CSGT Đường thủy chỉ kiểm tra được bằng mắt thường các thiết bị an toàn, cứu hộ; còn chất lượng tàu thế nào, nếu không có đợt kiểm tra liên ngành thì phải trông chờ vào ngành giao thông.
Tai nạn ám ảnh
Nha Trang là địa điểm du lịch biển nổi tiếng của nước ta, nơi có nhiều tàu thuyền được dùng làm phương tiện đưa đón du khách. Tuy nhiên tại đây, nhiều tàu đánh cá cũ kỹ đã được cải tiến, sơn phết lại thành tàu du lịch chở du khách, ẩn họa những tai nạn khó lường.
Trong khi đó, Bến tàu Ninh Kiều - TP Cần Thơ hiện có khoảng 80 phương tiện chở du khách được đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng tàu, đò tự phát chở du khách thì các ngành chức năng không thể quản lý nổi.
Thời gian qua, ở Cần Thơ đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ngày 21-3-2009, trên sông Cần Thơ, một chiếc tàu du lịch chở 12 khách nước ngoài đi tham quan chợ nổi Cái Răng đã đụng phải một sà lan tải trọng lớn làm 2 người chết.
Chiếc tàu này chỉ là một chiếc vỏ lãi bằng gỗ cũ, được sơn phết và trang bị mái che, băng ghế rất sơ sài, không biển số, tài công không bằng lái, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm...
Mới đây, tối 8-1, vụ chìm nhà hàng nổi Mỹ Khánh ở huyện Phong Điền - Cần Thơ làm hơn 200 thực khách bấn loạn cũng khiến nhiều người bị ám ảnh. May mắn là khi xảy ra sự cố, tàu này neo đậu tại bến nên không gây thiệt hại về người. Nguyên nhân được xác định là do chủ nhà hàng tự ý đưa phương tiện vào khai thác trong khi chưa đăng ký, đăng kiểm và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Bình luận (0)