PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Cắt ngay cơn sốt USD
Hiện nước ta đang phải chịu tình trạng lạm phát kép. Thứ nhất, kinh tế thế giới phục hồi sau suy thoái khiến giá cả tăng mạnh. Trong khi đó, nước ta lại nhập siêu đến 84 tỉ USD (chiếm 80% GDP cả nước) đặc biệt là giá nguyên, nhiên, vật liệu... Thứ hai, lạm phát ở nước ta còn bị ảnh hưởng bởi tỉ giá kéo theo lạm phát về mặt tâm lý.
Để kiểm soát lạm phát, Chính phủ cần phải có thông điệp hết sức mạnh mẽ nhằm cắt ngay cơn sốt USD trên thị trường, kéo giá USD chợ đen xuống. Giá USD trên thị trường tự do đang cao ngất ngưởng không phải do cung cầu mà do đầu cơ. Do đó, các biện pháp tổng hợp từ hành chính, kinh tế với sự phối hợp của nhiều bộ ngành nhằm quản lý chặt chẽ USD, vàng trên thị trường tự do, đưa vào khuôn khổ pháp luật.
Riêng về lãi suất USD, cần sử dụng trần lãi suất tiền gửi theo mức thấp và nâng dự trữ bắt buộc USD ở mức cao. Điều này giúp lãi suất cho vay USD cao mà lãi suất huy động thấp sẽ làm người dân không có nhu cầu gửi USD góp phần giảm tình trạng đô la hóa trên thị trường hiện nay.
Trong dài hạn, muốn kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế ổn định, Nhà nước nên đẩy mạnh việc tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng giao thông, gia tăng cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và giảm tỉ lệ cổ phần Nhà nước trong các công ty cổ phần... |
Điều chỉnh giá cả hàng hóa theo cơ chế thị trường là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, phải có sự quản lý của Nhà nước bằng công cụ pháp luật. Hiện nay, tình trạng thực thi pháp luật trong thị trường tài chính, tiền tệ còn kém, trong khi đây là lĩnh vực ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội (chẳng hạn, quy định lãi suất trần nhưng các ngân hàng (NH) vẫn vượt trần; tỉ giá được công bố nhưng NH vẫn cộng phí...).
Vấn đề đầu cơ, lũng đoạn thị trường hiện nay cũng cần được cơ quan các cấp kiểm tra giám sát tránh tình trạng “té nước theo mưa”. Các vụ đầu cơ, lũng đoạn giá cả hàng hóa gây bất ổn kinh tế vĩ mô cần được xử lý bằng cả biện pháp hành chính và hình sự.
Áp lực tăng giá thép sẽ cao hơn khi tăng giá điện từ ngày 1-3 tới . Ảnh: Tấn Thạnh
Ngoài ra, các biện pháp cụ thể được đưa ra sau thông điệp của Thủ tướng như dư nợ tín dụng được kiềm chế dưới 20%, bội chi ngân sách giảm dưới 5% GDP, cắt giảm chi thường xuyên 10% cần được thực hiện quyết liệt. Khi chúng ta thắt chặt tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách làm giảm tổng cầu, giảm nhập siêu... thì sẽ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội hà nội:
Tăng giá nhưng phải cạnh tranh
Năm nay, chính sách điều hành và diễn biến thị trường có hai điểm mới rất đáng chú ý. Thứ nhất, giá cả sau Tết không dịu đi theo quy luật thường thấy hằng năm. Nguyên nhân do quá trình tăng giá đã bị dồn ép chậm lại từ cuối năm ngoái và dồn lại trong quý I năm nay.
Chưa thể phân tích đây là do lỗi điều hành hay lỗi của thị trường nhưng mong muốn giảm sức ép tăng giá là rất khó. Người dân vừa thở phào tránh được đợt tăng giá trước Tết thì nay lại phải chuẩn bị gồng mình trước một đợt tăng giá mới. Chính phủ đã có tuyên bố về kiềm chế lạm phát nhưng chưa đưa ra giải pháp cụ thể. Trước mắt, có lẽ vẫn sử dụng các biện pháp hỗ trợ tiền điện cho 50 KWh điện đầu tiên có giá thấp để đỡ cho người nghèo; tăng lượng dự trữ, cung cấp lương thực thực phẩm thiết yếu với giá bình ổn để người nghèo có thể mua được...
Bên cạnh đó, cần chú ý tăng tính cạnh tranh vì các mặt hàng đồng loạt tăng giá năm nay đều là mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Nếu không tự do hóa cạnh tranh, áp lực tăng giá sẽ nhiều hơn vì sẽ lại có những đợt tăng giá mới do giá độc quyền không bao giờ đủ. Ví dụ tăng giá điện, ngành điện có lý do lấy vốn xây dựng dự án vì không có đầu tư. Đó là một lập luận mang tính chất bao biện vì không được phép lấy vốn của người tiêu dùng xây dự án. Nhà nước và doanh nghiệp phải tự phát hành trái phiếu, đi vay hoặc xã hội hóa để đầu tư.
Điểm mới thứ hai là các lần tăng giá đều gây sốc. Rõ ràng, việc tăng giá như vậy sẽ gây sức ép cuối cùng dồn vào người nghèo và doanh nghiệp nhỏ - những đối tượng sức chịu đựng vốn có hạn. Nếu có tính cạnh tranh, tăng giá sốc cũng được vì chỉ đau một lần rồi thị trường tự điều chỉnh giá. Nếu tính thị trường chưa được thiết lập, mặt tích cực này sẽ không được phản ánh.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính:
Giảm lãi suất huy động
Giải bài toán lạm phát cần các giải pháp ngắn hạn, dài hạn được áp dụng đồng bộ theo hướng thị trường thay vì các biện pháp hành chính.
Giảm lạm phát bằng việc tiếp tục nâng lãi suất huy động và cho vay, theo tôi là không thích hợp với thực tiễn kinh tế nước ta hiện nay do hiệu ứng giảm cầu tiêu dùng không mạnh bằng chi phí sản xuất tăng khiến giá cả tăng chứ không giảm. Lãi suất rất cao hiện nay là hệ quả của lạm phát và đặc biệt là hệ quả của việc chạy đua lãi suất huy động từ việc mất thanh khoản của các NH nhỏ. Thực tế cho thấy cuộc đua lãi suất đã tạo sự chuyển dịch tiền gửi từ NH này sang NH khác. Hậu quả là nhu cầu vốn và chi tiêu không giảm (tác nhân quan trọng làm giảm lạm phát) mà ngược lại doanh nghiệp phải chịu lãi suất cho vay cao làm tăng giá bán (nguyên nhân khiến CPI tăng).
Vì vậy, để kiềm chế lạm phát, trong ngắn hạn, Nhà nước nên cương quyết giảm lãi suất huy động của NH thương mại xuống còn 10%-11%/năm và lãi suất cho vay doanh nghiệp giảm xuống còn 14%-15%/năm dưới sự giám sát chặt chẽ của NH Nhà nước. Với lãi suất này so với CPI kế hoạch là 7% và CPI kỳ vọng có thể lên đến 9% – 10% thì vẫn thực dương là hợp lý với người gửi tiền. Song song đó, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cũng cần quản lý chặt dưới mức 22%. Tuy nhiên, nếu quản lý tốt luồng tiền này tập trung vào cho vay tiêu dùng, vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh và khu vực nông nghiệp thì mặc dù hạn chế tín dụng nhưng vòng quay nhanh sẽ giúp tăng lượng hàng hóa, việc làm. Đồng thời, chính sách tài khóa của Chính phủ trong giai đoạn này cần tập trung vào các công trình trực tiếp tác động vào khu vực sản xuất kinh doanh như hạ tầng giao thông khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam...
Bình luận (0)