Chân tình, khẳng khái, hết lòng vì người khác. Đó là cảm nhận của tất cả những ai từng tiếp xúc và làm việc với nhà báo Hoàng Hùng. Thế nhưng, ít ai biết rằng trong anh có những nỗi niềm riêng khó có thể tâm sự.
Gia đình - hai tiếng thiêng liêng
Thời gian tôi gắn bó với nhà báo Hoàng Hùng nhiều nhất là khi cùng công tác tại Văn phòng Đại diện của Báo Người Lao Động ở Cần Thơ. Tác nghiệp, viết bài xong, anh thường khéo léo từ chối nhiều cuộc nhậu vì muốn trở về mái ấm gia đình - bên người vợ trẻ và hai con thơ.
Sau này, anh tâm sự: “Anh từ chối ăn nhậu không phải vì sức khỏe không tốt mà vì anh là lao động chính trong gia đình. Nếu “chơi” như tụi em, cả nhà anh sẽ... chết đói mất”.
Cũng từ đó, dù xông xáo trong công việc nhưng khi trở về, gương mặt anh luôn phảng phất một nỗi muộn phiền. Thỉnh thoảng, anh em ngồi hàn huyên, anh thở dài: “Một mình “cày xới” để nuôi cả gia đình khổ lắm...”.
Rồi một lần anh tâm sự: “Phải chi vợ anh có việc làm như những người khác thì hay biết mấy...”. Thương vợ, thương con, anh cố gắng làm tròn trọng trách người chồng, người cha dù nhiều lúc mệt mỏi, muộn phiền, khổ tâm không biết san sẻ cùng ai. Anh nói: “Điều quan trọng nhất giúp anh chịu đựng tất cả là các con được ăn học nên người”.
Nhà báo Lê Hoàng Hùng (bìa trái) nhận Giải Báo chí của Hội Nhà Báo TPHCM
viết về người tốt việc tốt năm 2010.
Ba ngày trước khi gặp nạn, anh và tôi cùng đi dự tiệc cưới một đồng nghiệp ở TPHCM. Ngồi trên xe, anh trầm lặng, có vẻ suy nghĩ lung lắm. Phải một lúc gợi mở, anh mới nói: “Hiện giờ, anh đang khổ lắm vì còn nợ nần. Chắc phải bán nhà để trả...”. Tôi hỏi anh “nợ gì” thì anh lái sang chuyện khác.
Anh N., một sĩ quan Công an tỉnh Tiền Giang, anh em kết nghĩa với nhà báo Hoàng Hùng, cho biết trước đây, khi làm lễ kết nghĩa, cả hai hứa luôn giúp nhau trong hoạn nạn.
Theo anh N., những lần buồn phiền vợ, anh Hùng thường tìm anh tâm sự. Hai ngày trước khi gặp nạn, anh Hùng đã về Tiền Giang gặp anh N. “Dường như Hùng muốn tâm sự với tôi điều gì đó nhưng khơi mãi anh vẫn không nói. Anh chỉ cho biết có lẽ do xây nhà không đúng hướng nên gia đình gặp lục đục....” - anh N. kể.
Bà Trần Thúy Nga, chị bà Trần Thúy Liễu, vợ nhà báo Hoàng Hùng, cho biết vợ chồng anh thỉnh thoảng cũng có xích mích nhưng anh không tâm sự với ai. “Hùng rất thương vợ con, luôn lo lắng, không an tâm vì sợ các con bị này, bị nọ. Nhất là bé Lê Hồng Châu, cháu vẫn còn nhỏ...” - bà Nga thở dài.
Cố gắng vượt qua nỗi đau
Trưa 22-2, trò chuyện qua điện thoại với chúng tôi về tình hình sức khỏe cũng như tâm lý của hai cháu Nhung - Châu, bà Trần Thúy Nga cho biết các cháu vẫn sinh hoạt bình thường.
Gia đình hai bên nội, ngoại cũng như đồng nghiệp của nhà báo Hoàng Hùng đã dành nhiều thời gian tâm sự, chia sẻ, tìm cách sớm ổn định tâm lý cũng như cuộc sống hai cháu, vì vậy các cháu cũng yên tâm phần nào.
Sáng cùng ngày, Châu vẫn đi học và không nói gì về chuyện của gia đình. “Tội nghiệp, cháu chịu nhiều áp lực nhưng vẫn cố gắng đi học”- bà Nga thổ lộ.
Theo cô Thanh Tuyền, giáo viên chủ nhiệm của Châu, việc học của cháu thời gian gần đây có phần sao nhãng.
“Tôi bảo với em: Bây giờ, ở trường, cô là mẹ; ở nhà, dì là mẹ. Vì vậy, có bất kỳ gút mắc gì, em hãy tâm sự với cô và dì, không nên để trong lòng. Cô sẽ cố gắng hết sức để giải quyết giúp em. Vẫn biết mất mát của hai chị em là rất lớn nhưng em hãy nén đau thương... Cố gắng học hành là nhiệm vụ duy nhất của em trong lúc này. Châu cho biết em vẫn bình thường và sẽ cố gắng vượt qua...” - cô Tuyền cho biết.
Thông tin này đã giúp chúng tôi bớt đi phần nào nỗi âu lo. Trong hoạn nạn, các cháu đã nhận được tình yêu thương, đùm bọc của gia đình hai bên nội - ngoại, thầy cô giáo, bạn bè và nhất là sự chung tay giúp sức của nhiều tấm lòng nhân ái, hảo tâm trong xã hội...
Vì vậy, chúng tôi càng thấm thía một điều rằng: Tình thương, sự cảm thông sẽ là điểm tựa giúp các cháu đứng vững và vượt qua dông tố cuộc đời.
Bình luận (0)