Sáng 21-2, Ban Biên tập và Công đoàn Báo Người Lao Động lên đường về Long An để động viên, an ủi mẹ và hai con gái nhà báo Hoàng Hùng. Trong rối bời cảm xúc lẫn âu lo, chúng tôi chưa hình dung hết hậu quả nặng nề, khốc liệt do cái ác để lại, cho đến khi gặp họ - người thân của vợ chồng anh Hoàng Hùng.
Tha thứ, sẻ chia nhưng nỗi đớn đau vẫn hằn lên gương mặt của hai đấng sinh thành. Ảnh: TẤN THẠNH
Đớn đau lòng mẹ, tủi hổ lòng cha
Vẫn như sau khi vụ án xảy ra, căn nhà anh Hoàng Hùng hôm nay lại đóng kín cửa. Phải chờ một lát, cháu Lê Hồng Nhung, con gái lớn của anh, từ nhà của bà Trần Thúy Nga (dì Hai của cháu) mới về tới.
Cùng lúc, bà Nguyễn Thị Kim Nga, mẹ Hoàng Hùng, và các em anh cũng đến đây. Chúng tôi không ai nói với ai lời nào, lẳng lặng theo bà Nga vào nhà thắp nhang cho anh. “Hùng ơi, đồng nghiệp của con đến nè, con về đi...” - bà Nga nghẹn ngào khấn vái.
Thay chén nước trên bàn thờ anh Hoàng Hùng xong, bà Nga lặng lẽ ngồi ở góc phòng nhìn di ảnh con trai, nức nở: “Vừa mới đứt ruột, máu vẫn chưa thôi chảy, giờ lại thêm chuyện này... Tôi đau đến không còn nước mắt để khóc. Từ khi xảy ra chuyện đến nay, ngày nào, tôi cũng cầu xin sao cho cái chết của Hùng không phải do người thân gây nên. Vậy mà... Tối qua (20-2), mấy đứa nhỏ không biết coi ở đâu về nói: “Bác Hai đi đầu thú rồi!”. Tôi nghe mà lỗ tai lùng bùng không hiểu chuyện gì. Một lát bình tĩnh lại, tôi gọi điện cho bé Nhung. Nghe nó xác nhận, tôi chết lặng người. Sao hung thủ lại là con dâu tôi? Suốt đêm, tôi không chợp mắt được, mong trời mau sáng để xuống xem hai đứa nhỏ ra sao...”.
Bà Nga thắp hương trên bàn thờ con. Ảnh: T.Thạnh
Ngồi chết lặng trước những lời tâm sự đớn đau của người mẹ mất con, bỗng dưng ông Trần Văn Mến, cha bà Trần Thúy Liễu, bước khỏi ghế, quỳ sụp xuống đất lạy bà Nga: “Xin chị tha thứ... Tôi đã không dạy được con, để nó làm tội tày đình như vậy...”.
Bà Nga cuống cuồng bước đến đỡ ông Mến dậy, vừa khóc vừa bảo: “Anh sui đừng làm vậy mà tôi đau lòng. Tôi đã mất đi con trai, không muốn mất luôn cả con dâu. Cha mẹ sinh con đâu sinh lòng. Anh sui đâu có xúi biểu nó làm vậy... Bây giờ, tôi rót chén nước trà này thay rượu, tôi uống một nửa, mời anh sui một nửa, giữa hai nhà chúng ta bắt tay, không có chuyện thù hận gì, cố gắng lo cho con tụi nó. Tôi nghèo, phải nhờ bên ngoại chăm sóc hai đứa nhỏ, tôi đội ơn anh không hết”. Nói đoạn, bà rót trà, hớp một ngụm và trao qua cho ông Mến, để rồi sau đó, bà ngồi vật xuống, ôm lấy đầu...
Những chị em gái của bà Liễu bật khóc. Chúng tôi cũng không ai cầm được nước mắt. Trong bi kịch này, hai đấng sinh thành đều đau khổ như nhau. Khác chăng là, nỗi đau mất con như đứt từng đoạn ruột của bà Nga được dư luận sẻ chia, an ủi và bà có quyền ngẩng cao đầu tự hào về con trai mình.
Còn ông Mến, suốt cả tháng nay không đêm nào có thể chợp mắt. Thấy bà Liễu bị công an mời lên làm việc liên tục, ông sinh nghi, gặng hỏi mãi không được đành khuyên con nếu có làm thì nhận tội nhưng trong thâm tâm vẫn cầu mong điều đó không phải là sự thật. Để rồi từ khi biết con làm một việc không thể thứ tha, ông không dám ngẩng đầu nhìn ai nữa.
"Chén nước trà này thay rượu, tôi uống một nửa, mời anh sui một nửa, giữa hai nhà chúng ta không có chuyện thù hận gì,
cố gắng lo cho con tụi nó" - Bà Nga chia sẻ với ông Mến. Ảnh: T.Thạnh
Cây non trước bão
Sáng 21-2, bé Lê Hồng Châu vẫn đến lớp vì sợ lại bị mất bài. “Châu buồn vì bạn bè trong trường nói ra nói vào. Hôm bữa Châu về hỏi con: “Mấy đứa hỏi mẹ nhận “mấy cuốn” là sao hả chị?”. Nó còn nhỏ, không hiểu người ta muốn hỏi mẹ ở tù bao lâu...” – Lê Hồng Nhung tâm sự.
Khi được Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, ông Đỗ Danh Phương, động viên tiếp tục đi học vì đó là mong muốn lớn nhất của ba Hùng, Nhung gật đầu rưng rưng nước mắt: “Chắc con nghỉ học năm nay, sang năm con sẽ cố gắng học lại. Con cũng sẽ khuyên em Châu tiếp tục học. Từ bây giờ, chị em con sẽ về sống ở nhà dì Hai...”.
Nghe Nhung thu xếp cho tương lai của hai chị em mà xót xa. Không còn nhỏ nhưng cũng chưa đủ lớn để có thể nhắm mắt, bịt tai vượt lên dư luận mà sống, các cháu như những cây non đang oằn mình trước bão táp, phong ba của cuộc đời nhưng lại không lường hết sự khốc liệt của nó.
Ông Đỗ Danh Phương động viên em Lê Hồng Nhung
Cô chủ nhiệm của lớp Châu cho biết cháu là học sinh khá giỏi, ít nói, trầm tính. Từ khi gia đình Châu có sự cố, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cũng như bạn bè cùng lớp cố gắng động viên cháu. Các bạn trong lớp không ai xa lánh Châu, sẵn sàng chép bài cho Châu những ngày cháu nghỉ học.
Tâm sự với chúng tôi, bà Trần Thúy Nga sụt sùi: “Điều tôi lo nhất là hai đứa nhỏ sẽ ra sao khi người ta xầm xì bàn tán. Cha mất, mẹ đi tù, mọi điều tiếng dồn lên hai đứa nhỏ... Tôi cũng cố gắng khuyên chúng: “Bây giờ các chú, các bác đồng nghiệp là ba của các con; các cô, các dì đồng nghiệp là mẹ của các con, các con phải nghe lời, ráng học hành, đừng phụ lòng tốt của bao người”. Hai đứa cũng hứa sẽ cố gắng nhưng những ngày sắp tới, liệu chúng có vượt qua được dư luận không? Người làm sai đã có pháp luật trừng trị, xin hãy để cho hai cháu tôi được yên, đừng bình phẩm gì thêm nữa...”.
Báo Người Lao Động trao đổi với cô giáo chủ nhiệm em Lê Hồng Châu (áo dài xanh). Ảnh: T.Thạnh
t
Nỗi đau của người ở lại thật nặng nề, dai dẳng. Phải chăng vì vậy mà nhà báo Hoàng Hùng cương quyết một mình ôm lấy sầu khổ xuống mồ, không hé lộ điều gì, để giữ lại một chút bình yên cho hai con gái mà anh hết mực thương yêu?
Bình luận (0)