xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kiệt quệ nguồn sống

Quốc Dũng - Ca Linh

Ngay cả khi đập Xayaburi chưa được xây dựng, những năm qua, ĐBSCL đã chịu tổn thất nghiêm trọng bởi hàng chục công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông

Theo số liệu của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, hiện toàn lưu vực sông Mê Kông có tới 6.000 công trình lớn nhỏ gồm hồ chứa nước, công trình thủy lợi..., gây nhiều tác động tiêu cực đến sự ổn định của con nước phía hạ nguồn.
 
Thiếu nước, mất phù sa, bị xâm nhập mặn...
 
Thống kê sơ bộ cho thấy hằng năm, các đập thủy điện trên sông Mê Kông giữ lại khoảng 150 tỉ m3 nước. Điều này không chỉ gây ra nạn thiếu nước ảo cho phía hạ nguồn vào mùa lũ mà còn đẩy vùng hạ lưu sông Mê Kông vào tình thế nguy hiểm và tình trạng khan hiếm nước trong mùa kiệt, không đủ nước cho sản xuất nông nghiệp.
 

Theo báo cáo của Ủy hội Sông Mê Kông, chưa tính đến các loài cá đen và cá biển, có đến 340.000 tấn cá bị thiệt hại mỗi năm do xây dựng đập thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông. Như vậy, ĐBSCL là điểm thấp nhất ở hạ lưu nên chịu thiệt nhiều nhất.

Theo báo cáo của nhóm chuyên gia đánh giá môi trường chiến lược thuộc Ủy hội Sông Mê Kông (MRC), tổng lợi nhuận 12 nhà máy thủy điện dự kiến xây trên dòng chính sông Mê Kông (trong đó có Xayaburi) mang lại cho các quốc gia thuộc lưu vực con sông này vào khoảng 3,3 - 3,7 tỉ USD/năm nhưng lợi ích mà Việt Nam được hưởng là rất nhỏ so với những mất mát chúng ta phải gánh chịu, đặc biệt là ĐBSCL sẽ bị thiệt hại nặng nề.
 
Cụ thể, tổng lượng phù sa của sông Mê Kông (khoảng 165 triệu tấn/năm) sẽ bị giữ lại 50% do các hồ của Trung Quốc và 25% do các đập thủy điện hạ lưu, làm giảm độ phì nhiêu và dinh dưỡng của khoảng 2,3 - 2,8 triệu ha đất nông nghiệp (chủ yếu của Campuchia và Việt Nam).
 
Lượng phù sa về ĐBSCL hiện nay vào khoảng 26 triệu tấn/năm sẽ giảm còn 7 triệu tấn/năm. Ngoài ra, ĐBSCL sẽ mất từ 220.000 - 440.000 tấn cá trắng di cư mỗi năm, tương đương 0,5 - 1 tỉ USD. Chỉ riêng tổn thất này đã lớn hơn lợi ích do thủy điện mang lại.
 
Mặt khác, chế độ dòng chảy thay đổi làm giảm lượng cá biển, sẽ đẩy giá thức ăn công nghiệp tăng cao (vì thức ăn công nghiệp dựa vào cám và bột cá biển). Điều này làm thủy sản nuôi cũng khó đứng vững và hàng loạt tác động khác như đất đai bị chai, mất cân bằng hệ sinh thái, nước ngọt bị xâm nhập mặn, nông dân ly hương...
 
img
 Nguồn lợi thủy sản ở sông Hậu thuộc ĐBSCL những năm qua suy giảm do nguồn nước bị ô nhiễm, quy trình lũ biến đổi…
bởi tác động bất lợi từ các công trình thủy điện dày đặctrên dòng chính sông Mê Kông. Ảnh: Ngọc Trinh
 
Chênh vênh mùa nước nổi
 
Theo quy luật, mỗi năm có một mùa nước lũ đổ về từ thượng nguồn sông Mê Kông, người dân ĐBSCL quen gọi là mùa nước nổi. Mùa nước nổi ở ĐBSCL thường bắt đầu từ đầu tháng 7 đến hết tháng 10 hằng năm.
 
Trước đây, lũ đi kèm sự tàn phá, là nỗi lo đối với người dân nhưng bằng sự năng động, người dân ĐBSCL đã sống chung với lũ và khai thác tốt lợi thế từ lũ để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
 
Nhưng khi người dân ĐBSCL bắt đầu sống chung được với lũ lớn thì lũ lại không về hoặc về rất ít, người dân vùng rốn lũ lại lao đao vì tình trạng lũ bất thường khiến tôm cá chẳng còn bao nhiêu, kéo theo hàng triệu dân nghèo lâm vào khốn khó, nợ nần.
 
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết sản lượng khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên của tỉnh liên tục sụt giảm kể từ năm 2000 đến nay.
 
“Mỗi năm, sản lượng giảm từ 3% - 5%, riêng mùa lũ năm 2010 vừa qua chỉ khai thác được khoảng 40.000 tấn các loại, giảm khoảng 15%” - ông Thạnh nói.
 
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đồng Tháp, khẳng định nguồn lợi thủy sản tự nhiên đã sụt giảm liên tục trong những năm qua. “Chỉ riêng sản lượng cá linh trong năm nay sụt giảm từ 30% - 40%; còn các loại cá sông như cá bông lau, cá ngát, cá lăng, cá chạch lấu... còn rất ít” - ông Quốc quả quyết.
 
Bí kế sinh nhai
 
Chỉ tay về xó gác, dưới sàn nhà, nơi những đống chài, lưới đang đắp chiếu từ mùa lũ năm ngoái đến nay, ông Năm Giáo, ngư dân hơn 70 tuổi ở làng chài Xóm Đình, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp, cứ thở vắn than dài vì đang bị nợ nần vây bám.
 
Theo ông Năm Giáo, mọi năm qua rằm tháng 7 “nước nhảy khỏi bờ” là đã vô mùa đánh bắt, quăng một chài dính cá thấy mà ham, kéo quằn cả tay, nặng trĩu. Mùa lũ rồi, đợi mãi đến tháng 8, tháng 9 mà nước không về. Những cánh đồng nước bạn Campuchia gần biên giới cũng thấy đìu hiu, đồng cạn queo. Từ đó, bao nhiêu chài lưới, lọp lờ, ghe thuyền đều xếp xó.
 
Ông Trần Văn Ngởi, cũng ở làng chài Xóm Đình, tặc lưỡi bảo cả xóm chài một năm chỉ trông chờ vào mùa lũ để làm ăn. Vậy mà mấy năm gần đây, nước lũ ít dần, tôm cá khan hiếm, làm không đủ ăn lấy đâu ra để bán.
 
“Tụi nhỏ đi học, cặp sách, áo quần, rồi cơm, gạo, chợ búa đều từ chài lưới mà ra. 40 mái chòi nghèo rách nát không đất sản xuất, quanh năm chỉ biết bám vào sông nước để sống, giờ thì...” - ông Ngởi buồn thiu, bỏ dở câu nói.
 

Kỳ tới: Tiếp sức vùng châu thổ

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo