xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nghiệp đẻ mướn: Cảnh báo từ Thái Lan

THẢO HƯƠNG

Cục Điều tra đặc biệt (DSI) Thái Lan đã yêu cầu Bộ Thông tin và Công nghệ Thông tin đóng cửa trang web Baby-101 của công ty Đài Loan cung cấp dịch vụ đẻ mướn trái phép đồng thời lừa đảo và bóc lột phụ nữ Việt Nam

Theo nhật báo Anh ngữ Bangkok Post, xuất bản tại Thái Lan,  hôm nay, 28-2,  đại diện DSI, Cục Xuất nhập cảnh,  Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Y tế Thái Lan, Trường Đại học Phụ sản Hoàng gia Thái Lan và  Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẽ họp bàn việc đưa 14 phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của Công ty Baby - 101 trở về nước. Tuy nhiên việc này sẽ rất phức tạp, đặc biệt để xác định chắc chắn đứa bé không phải là con ruột của người mẹ cần phải xét nghiệm ADN.

img

Các nạn nhân người Việt đang khai báo với nhà chức trách Thái. Ảnh: B.P

 
Bị lừa
 
Những người phụ nữ Việt Nam (đều là người đồng bằng sông Cửu Long) nói trên bao gồm 13 người bị nhốt  trong ngôi nhà Thararom nằm trên đường Ramkhamhaeng, huyện Saphan Sung, vùng ven Bangkok, được cảnh sát Thái Lan giải cứu  hôm 23-2.  Ngày 24-2, cảnh sát phát hiện thêm 1 người Việt Nam nữa cũng là nạn nhân của Công ty Baby - 101 vừa hạ sinh một đứa bé hôm 21-2 tại một nhà  bảo sanh tư ở huyện Min Buri.
 
Siang Lung Lor, một phụ nữ Đài Loan 35 tuổi, giám đốc Công ty Baby - 101 Bangkok, đã bị bắt về  tội cung cấp dịch vụ đẻ mướn có thu phí cho người nước ngoài trái với quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, bà Lor còn bị cáo buộc chứa chấp người nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu người và thuê mướn lao động nhập cư bất hợp pháp.
 
 Theo hãng tin AFP, ngoài bà Lor, nhà chức trách Thái còn tạm giữ 4 nhân viên công ty, trong đó có 1 người Hoa và 3 người Myanmar.
 
Nguồn tin cảnh sát Thái Lan cho biết cuộc giải cứu đã được tiến hành sau khi 4 phụ nữ Việt gửi thư điện tử (e-mail) đến tòa đại sứ Việt Nam tại Thái Lan để cầu cứu. Tòa đại sứ Việt Nam sau đó đã yêu cầu DSI can thiệp và giải cứu các nạn nhân người Việt.
 
Theo nguồn tin cảnh sát Thái, có 9 nạn nhân  khai  rằng công ty hứa hẹn đưa họ  đến Thái Lan đẻ mướn với mức thù lao 165.000 baht (5.500 USD)/lần. Tuy nhiên, có 4  người nói họ bị lừa và ép đẻ mướn. Sau khi đến Bangkok, công ty tịch thu hộ chiếu và buộc họ đẻ mướn theo đơn đặt hàng qua e-mail của khách hàng nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan, với giá 1,5 triệu baht.
 
Nhật báo Anh ngữ The Nation của Thái Lan dẫn lời  bác sĩ Passakorn Chaivanichsiri, Giám đốc Bệnh viện Nopparat Rajathanee, nơi kiểm tra sức khỏe các nạn nhân người Việt, cho biết có 7 người tuổi từ 20 đến 30 đang mang thai từ 12 tuần đến 20 tuần, trong đó có 2 người mang song thai. Các xét nghiệm cho thấy sức khỏe các thai phụ khá tốt, tuy nhiên họ có vẻ lo lắng nhiều cho tương lai các đứa con.
 
Bình luận về vụ án nói trên, ông Jurin Laksanawisit, Bộ trưởng Y tế Thái Lan, tuyên bố: "Đây là một vụ (kinh doanh) bất hợp pháp và vô nhân đạo. Trong một số trường hợp có vẻ như họ bị cưỡng hiếp đến mang thai".
img
Khám xét văn phòng Công ty Baby-101 Bangkok. Ảnh: BBC
 
Lợi dụng lỗ hổng pháp luật
 
Trang web của Baby - 101 chi nhánh Bangkok (công ty vốn 100% Đài Loan)  quảng cáo bằng ba thứ tiếng Hoa, Anh và Nhật, đã từng bị một nhật báo Hồng Kông vạch mặt hồi tháng 8-2009. Trang web này đăng số điện thoại của công ty ở Bangkok - Thái Lan và Phnom Penh - Campuchia.
 
Một phóng viên của nhật báo Apple Daily đóng vai khách hàng Đài Loan đến trụ sở Công ty Baby - 101 ở Bangkok dọ hỏi. Công ty bảo chi phí tối thiểu cho một ca đẻ mướn là 50.000 USD.
 
Phóng viên này cho biết những người đẻ mướn là người Việt Nam sống trong một khu nhà tập thể nằm cách thủ đô Bangkok khoảng 20 phút chạy xe. Như vậy, đường dây đưa phụ nữ từ Việt Nam đến Bangkok để đẻ mướn đã có từ hơn một năm nay.
 
Bà Ngô Tú Anh, ủy viên Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, cho phóng viên này biết Công ty Baby  - 101 được lập ra ở Thái Lan chủ yếu nhằm thu hút khách hàng Đài Loan. Do có nhiều gia đình ở Đài Loan không thể sinh con (trung bình  1/7 gia đình), công ty này hy vọng kiếm được nhiều lợi nhuận.
 
Đài Loan kiểm soát khá gắt gao tình trạng ra nước ngoài thuê mướn người sinh hộ trái phép bởi tại lãnh thổ này, thuê người đẻ mướn là bất hợp pháp. Theo bà Tú Anh, các bác sĩ Đài Loan nào giới thiệu bệnh nhân đến Thái Lan thuê người đẻ mướn sẽ bị rút giấy phép hành nghề và bị phạt đến 250.000 đài tệ (7.500 USD).
 
 Nhật báo Thái Lan The Nation số ra ngày 24-8-2009 cũng cho biết Công ty Baby - 101 đã lợi dụng tình trạng Thái Lan chưa có luật đẻ mướn để hoạt động. Hội đồng Y tế Thái Lan xác nhận chưa có quy định cho phép (hoặc cấm) công ty tư nhân kinh doanh đẻ mướn và thuê người đẻ mướn. Chỉ có quy định của Bộ Y tế cho phép những cặp vợ chồng vô sinh nhờ người thân mang thai hộ không lấy tiền. Do đó, đã có một số công ty tư nhân, trong đó có Baby-101 Đài Loan,  lợi dụng lỗ hổng của luật pháp Thái Lan để kiếm ăn.
 
Cũng theo The Nation, lúc đó, Bộ Phát triển Xã hội và An ninh Con người mới dự thảo luật đẻ mướn chờ Hội đồng Y tế xem xét trước khi trình lên quốc hội. Hơn một năm đã trôi qua, dự luật này vẫn chưa được thông qua.
 
Tờ Bangkok Post số ra ngày 25-2-2011 dẫn lời bác sĩ Somboon Kunatikom, Hiệu trưởng Trường Đại học Phụ sản Hoàng gia, xác nhận dự luật nói trên vẫn đang chờ quốc hội Thái Lan thông qua. Theo dự luật này, kẻ phạm luật có thể lãnh đến 10 năm tù và bị phạt 200.000 baht. Kẻ môi giới cũng bị phạt 5 năm tù và 100.000 baht.
 
Kỳ tới: Đẻ mướn ở Trung Quốc
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo