181 lao động Việt Nam đầu tiên đã về đến Việt Nam sau một hành trình đầy gian nan. Hiện còn 5.000 lao động Việt Nam vẫn ở Libya
4 giờ ngày 26-2, trên chuyến chuyên cơ mang số hiệu SHJ 5 K241 của Bồ Đào Nha chở 176 lao động của Công ty Vinaconex MEC JSC và 5 người của Công ty Glo-tech JSC đáp xuống sân bay Nội Bài.
Những lao động này được đưa ra khỏi Libya bằng đường hàng không từ sân bay quốc tế Tripoli để sang Malta, sau đó qua Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) rồi về Việt Nam.
Về quê hương bình yên
Do có ít thông tin chính xác về chuyến bay nên rất ít thân nhân ra đón lao động. Xúc động nhất phải kể đến hình ảnh cô gái Đỗ Thị Thu Huyền (ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã ở sân bay Nội Bài 2 ngày qua để đón anh trai từ Libya trở về. Vừa bước ra khỏi khu vực làm thủ tục, anh Đỗ Văn Tin (30 tuổi) đã ôm chầm em gái trong niềm vui khôn tả. “Anh đã bình an trở về”, Huyền nói với anh trong tiếng nấc.
Chị Đỗ Thị Thu Huyền vui mừng đón anh trai Đỗ Văn Tin từ Libya trở về
Hai anh em Ly Seo Sáng và Ly Seo Trang, ở Simacai, Lào Cai, đều là những công nhân Vinaconex vừa trở về, giãi bày: “Chúng tôi không tưởng tượng lại đến một vùng đất nguy hiểm đến thế. Giờ đây tôi mới thật sự thấy yên bình”. Sáng và Trang vừa cười rất hồn nhiên dù phải vay ngân hàng 20 triệu đồng để lo chi phí sang Libya. Họ cho biết thêm, máy bay cất cánh ở Libya lúc 17 giờ ngày 24-2 và phải đến sáng 26 -2 mới về đến Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đào Công Hải, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB- XH, khẳng định tất cả những công dân Việt Nam về nước đầu tiên đều bảo đảm điều kiện về sức khỏe và được đón tiếp chu đáo.
Hãi hùng đường trở về
Trong giây phút ngắn ngủi tại sân bay, anh Tin đã kịp cho biết: Tình hình ở Libya rất phức tạp. Anh may mắn được làm việc cho chủ là người Bồ Đào Nha nên việc ăn ở được hỗ trợ kịp thời. Tại sân bay Tripoli có hàng ngàn người đang nằm, ngồi vạ vật, nhiều người còn bị đánh đập, xô đẩy. Sân bay đã quá tải vì lượng người di tản quá lớn.
Lao động Việt Nam đến sân bay Tripoli lúc 5 giờ song tới tận 16 giờ cùng ngày, mới vào được sân bay Tripoli để lên máy bay sang Malta. Tại đây, cảnh sát ở sân bay Tripoli buộc phải vứt hết những đồ đạc nặng mới cho vào sân bay, có người chỉ xách theo được một túi quần áo, đến giấy tờ tùy thân cũng không có để về. Sang đến Malta, lao động lại phải chờ thêm 12 giờ. Sau khi sang Dubai phải chờ thêm 8 giờ mới được bay. “Mỗi ngày, chúng tôi chỉ được ăn một bữa do tình hình lương thực khó khăn” - anh Tin cho biết thêm.
Niềm vui đoàn tụ của anh Vũ Văn Lợi (lao động Việt Nam tại Libya)
và cô con gái Vũ Thị Nga tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều tối 26 - 2. Ảnh: Duy Quốc
Còn anh Nguyễn Bá Kiều (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại những ngày người dân Libya xuống đường biểu tình. Công ty của anh cách thủ đô Tripoli khoảng 15 km nên khi làn sóng biểu tình dâng cao, toàn bộ nhà máy trong thủ đô đã buộc phải đóng cửa. Tất cả công nhân trong công ty nơi anh làm việc phải ở tại công ty, ăn bánh mì cầm hơi.
“Có chỗ đoàn biểu tình còn đập phá, xông vào trong xí nghiệp. Những lúc như thế, công nhân Việt Nam chỉ biết ngồi co dúm lại”, anh Kiều kể. Một số lao động cho hay hơn một tuần nay lao động Việt Nam ở Libya đã ngừng sản xuất và tập kết về những nơi an toàn. Hầu như không có ai dám ra ngoài đường phố.
Niềm vui đoàn tụ
Tối 26-2, phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt tại gia đình anh Trần Văn Tuyến và Phạm Xuân Bảo ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để chia sẻ niềm vui của hai gia đình sau chuyến trở về của các anh từ Libya.
Anh Tuyến sang làm việc ở thủ đô Tripoli – Libya đã gần 1 năm rưỡi, công việc chính của anh là điều hành máy lu cho Công ty AG Brazil.
Khi biểu tình bắt đầu nổ ra ở Benghazi, công ty của anh đã đóng cửa và không cho bất kỳ lao động nào rời khỏi công ty để tránh rủi ro.
Công ty của anh đã bị đập phá và cướp hết máy móc, phương tiện và tài sản. Anh Tuyến cho hay công ty đối xử rất tốt với công nhân, thuê hẳn một chuyến bay của Bồ Đào Nha nên anh mới may mắn về được.
Anh Phạm Xuân Bảo đi gần được một năm, nợ nần chưa trả hết. Hiện anh còn 5 người thân ở Libya chưa biết khi nào về được.
Ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, hơn 20 gia đình có người thân kẹt ở Libya, đang lo lắng chưa biết khi nào trở về.
K. Trình |
308 lao động đã về nước
Lập trung tâm điều hành di tản tại Tunisia
Ngày 26-2, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì cuộc họp bàn việc bảo đảm an toàn, kịp thời di chuyển lao động Việt Nam ra khỏi Libya.
Các thành viên ban chỉ đạo nhất trí việc lập một trung tâm Điều hành tại Tunisia do một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách; cử 5 tổ công tác đến các nước Hy Lạp, Malta, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia để trợ giúp các đại sứ quán hỗ trợ lao động Việt Nam về nước.
Tổ công tác đi Thổ Nhĩ Kỳ lên đường vào tối 26-2. Tối 28-2 sẽ có một chuyến chuyên cơ, tiếp tế 10 tấn lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm cần thiết cho lao động Việt Nam tại Libya và đón thêm 300 lao động về nước.
Hiện còn khoảng 5.000 lao động Việt Nam vẫn ở Libya, hơn 1.400 người tại Thổ Nhĩ Kỳ, 700 người ở Hy Lạp, Tunisia có 600 người và đảo Cyprus có 139 người.
. Tính đến 22 giờ 30 phút ngày 26-2, đã có 308 lao động Việt Nam tại Libya được đưa về nước an toàn.
Trong số này, có 21 lao động của Công ty Sona, 5 lao động của Công ty Glo-Tech, 176 lao động của Công ty Vinaconex Mec và 106 lao động của Lilama 10.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, dự kiến sáng nay, sẽ có thêm 85 lao động của Sona từ Ai Cập về đến Việt Nam.
Quyến-Quốc |
Bình luận (0)