Hợp tác bảo vệ dòng sông
Sông Hồng là dòng sông mẹ của miền Bắc, mỗi năm mang đến cho vùng đồng bằng Bắc Bộ trung bình khoảng 100 triệu tấn phù sa và trên 83,5 tỉ m³ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Qua quan sát, trên địa bàn Lào Cai không có nhà máy, xí nghiệp nào thải chất thải và nước thải độc hại ra sông Hồng.
Để kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm cho sông Hồng, cần xây dựng một chương trình hợp tác với phía Trung Quốc để có biện pháp bảo vệ môi trường cho dòng sông. |
Trao đổi với chúng tôi, bà Nông Bích Thủy, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai, cho biết mùa mưa lũ năm 2010 ở tỉnh Lào Cai kết thúc khá sớm, hiện mực nước sông Hồng giảm thấp, lưu lượng nước ít, lòng sông hẹp, tốc độ dòng chảy chậm.
Do vậy, hiện tượng phú dưỡng gia tăng gây biến màu nước. Bên cạnh đó, hệ thống nước thải sinh hoạt ở hai bên bờ sông không được xử lý thải thẳng ra sông.
Vì tốc độ dòng chảy chậm nên nước sông không kịp đẩy trôi các chất cặn bã đã gây hiện tượng ứ đọng và có mùi hôi tanh.
Đặc biệt, vào tháng 2-2011, mức độ ô nhiễm của nước sông càng nặng hơn. Khi nước sông giảm thấp, bằng mắt thường, mọi người đều quan sát được hai bên bờ sông xuất hiện các dải váng vàng đến vàng đỏ đậm màu bám trên triền sông.
Đây là biểu hiện của sự nhiễm bẩn chua phèn ở mức cao, lớp bùn dưới đáy sông gần bờ bị nhuộm thành màu đen, mùi hôi thối rất nặng. Ngày 15-2, Trạm Thủy văn Lào Cai lấy mẫu nước sông phân tích, đo được độ pH lên tới 8, chứng tỏ nước sông có tính ba-dơ (kiềm) khá cao.
Trong các tháng trước, khi phân tích mẫu nước, độ pH ghi nhận được chỉ dao động từ 7,0-7,5. Nguyên nhân làm cho sông Hồng bị ô nhiễm hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra khảo sát.
Đi tìm “thủ phạm”
Những ngày cuối tháng 2-2011, nhóm phóng viên chúng tôi có dịp cùng với đoàn công tác của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lào Cai đi dọc 80 km thượng nguồn để khảo sát, lấy mẫu nước xác định nguyên nhân gây ô nhiễm sông Hồng.
Tại vị trí thứ nhất thuộc thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát - Lào Cai, chúng tôi sững người khi nhìn thấy nước sông trắng đục như nước vo gạo, mùi hôi nồng nặc. Ven bờ sông, các bãi cát đều nhuốm vàng nhưng chỗ nhô cao vẫn phủ một lớp bột trắng và cũng bốc mùi rất hôi thối.
Theo phán đoán của các cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lào Cai, đó là bột sắn. Một bộ đội biên phòng tại trạm A Mú Sung cho biết cách Lũng Pô 20km phía bên kia biên giới có một nhà máy sản xuất tinh bột sắn. Nhà máy này đổ nước thải ra sông nên có thể đã gây ra hiện tượng trên.
Tiếp tục hành trình xuôi sông Hồng về TP Lào Cai, qua các xã Trịnh Tường, Bản Vược, nước sông vẫn cùng tình trạng như trên. Đặc biệt, đối diện với xã Trịnh Tường, phía bên kia biên giới có hai nhà máy nằm ven sông. Người dân cho biết đó là nhà máy tuyển quặng đồng và sản xuất cồn, rượu.
Ông Lưu Đức Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường tỉnh Lào Cai, khẳng định tình trạng nước sông Hồng bị ô nhiễm là do nước thải và chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp và từ các khu dân cư ở thượng nguồn thải ra.
Bình luận (0)