Thông tin sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đang được dư luận đặc biệt quan tâm vì từ thời điểm Bộ Tài chính bắt tay xây dựng luật này đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng hơn 50%. Do đó, mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng đã nhanh chóng lạc hậu sau hơn 2 năm thi hành luật.
Dựa vào lương tối thiểu
Một chuyên gia trong ngành thuế tham gia soạn thảo Luật Thuế TNCN trình Quốc hội năm 2007 cho biết quan điểm xây dựng Luật Thuế TNCN là không đề cập vấn đề trượt giá để về lâu dài, mọi người dân có thu nhập đều được đóng thuế.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, quan điểm cho rằng nên đánh thuế TNCN với tất cả mọi người có thu nhập để bảo đảm công bằng chỉ đúng với xã hội có mức thu nhập bình quân cao. Việt Nam mới bước qua ngưỡng thu nhập 1.000 USD/người/năm, chưa nên mở rộng diện đóng thuế. Trong bối cảnh lạm phát ở Việt Nam cao liên tục trong nhiều năm gần đây, cộng với mức lương cơ bản được điều chỉnh hằng năm, thuế TNCN chắc chắn phải điều chỉnh vì tiếp tục giữ như hiện nay sẽ rất vô lý. “Tôi mong Quốc hội điều chỉnh lại luật thuế này với cách tính mức khởi điểm chịu thuế theo lương tối thiểu, cụ thể là gấp 10 lần” – bà Lan nói.
Hướng dẫn kê khai thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cho rằng mức khởi điểm chịu thuế tính bằng 10 lần lương tối thiểu là hợp lý. Theo đó, lương tăng đến đâu, thuế tự động nâng lên đến đó. Theo ông Phong, Bộ Tài chính cũng cần xem xét những bất cập khác như cách thu thuế và giảm trừ gia cảnh.
Hiện nay, các khoản thu nhập từ 500.000 đồng trở lên đều phải chịu khấu trừ 10% tại nguồn và giữ lại chưa nộp ngân sách ngay. “Đây là lạm thu vì người nộp vẫn bị khấu trừ mà Nhà nước chưa thu ngay được” - ông Phong nhận định. TS Nguyễn Minh Phong còn cho rằng quy định về giảm trừ gia cảnh cũng rất dễ trở thành kẽ hở gây thất thu thuế vì có thể có trường hợp một người ăn theo nhiều người nhưng không bị phát hiện nếu sự phối hợp giữa ngành thuế và chính quyền địa phương không tốt.
Xóa bỏ bất cập, thiếu công bằng
Theo TS Nguyễn Minh Phong, hiện nay, bậc thuế TNCN cao nhất của Việt Nam là 35%, nếu so sánh về con số thì không cao so với các nước. Ở nhiều quốc gia khác, thuế TNCN có thể lên tới 40%, 50% hoặc 60%. Tuy nhiên, mức thuế phải tùy theo điều kiện từng nước, muốn thu thuế cao phải phát triển an sinh xã hội tốt. Trong điều kiện của Việt Nam, không chỉ sửa thuế theo hướng tính toán lại mức khởi điểm mà cần xem xét bậc thuế cho phù hợp.
Theo các chuyên gia về thuế, việc triển khai Luật Thuế TNCN hiện còn một số bất cập, nhất là trong vấn đề kê khai thuế.
Theo quy định, người nộp thuế tự kê khai các khoản thu nhập, trên cơ sở đó, ngành thuế sẽ tính thuế. Nếu người nộp thuế có thu nhập từ một nơi thì không có gì đáng bàn nhưng với những người có thu nhập từ nhiều nơi mà không kê khai hoặc kê khai không đủ, cơ quan thuế không thể biết được. Trong khi đó, phần mềm quản lý thuế vẫn đang trong giai đoạn nhập dữ liệu và còn lâu lắm mới có thể khai thác được.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ tồn tại sự bất công giữa những người nộp thuế và gánh nặng nộp thuế đè nặng lên những người làm công ăn lương, có thu nhập tại một nơi; còn người có thu nhập từ nhiều nơi hoặc nhiều nguồn khác nhau thì dễ dàng “lách” qua các kẽ hở để đóng thuế ít nhất.
Bình luận (0)