Phe nổi dậy ở Libya cho biết họ đã cho nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi 72 giờ để từ chức hoặc có nguy cơ bị đối xử như một tội phạm. Báo The Washington Post đưa tin ông Mustafa Abdel Jalil, thủ lĩnh Hội đồng Quốc gia Libya, tuyên bố thời hạn trên sẽ không kéo dài.
Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi (trái) trả lời phỏng vấn của đài truyền hình TRT. Ảnh: REUTERS
Ông Jalil nói: “Nếu như ông ta rời Libya trong vòng 72 giờ và ngừng bắn phá, chúng tôi sẽ rút lại việc xử ông ta vì các tội ác. Điều kiện chúng tôi đưa ra trước hết là ông ta ngừng tất cả mọi trận đánh ở các mặt trận; thứ hai, thời hạn của ông ta là 72 giờ; thứ ba, chúng tôi có thể từ bỏ quyền truy tố về những tội ác của ông ta”.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn của cả hai bên, thông tin ông Gaddafi đang thỏa thuận với phe nổi dậy về việc từ chức là không có thực.
Libya đang chìm sâu vào xung đột giữa phe nổi dậy và các lực lượng chính phủ. Đất nước này đang lao vào cuộc nội chiến. Theo hãng tin UPI, con số tử vong ước tính đã lên đến khoảng từ hơn 1.000 đến 2.000 người. Ngoài ra, hàng chục ngàn người đã rời khỏi nước này.
Trong khi đó, NATO vẫn đang nhắm đến kế hoạch về một khu vực cấm bay. Các bộ trưởng khối này sẽ họp tại Brussels vào ngày 10-3 để bàn luận về vấn đề này. Trong một cuộc họp báo ở Tripoli, Ngoại trưởng Libya Musa Kusa đã buộc tội Mỹ và Anh mong mỏi về một kỷ nguyên thực dân và cố gắng chia rẽ đất nước này.
Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình TRT của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9-3, nhà lãnh đạo Gaddafi khẳng định Libya sẽ chiến đấu nếu các nước phương Tây áp đặt khu vực cấm bay.
Ông cho rằng các nước này lộ rõ ý định chiếm hữu dầu mỏ của Libya. Ông cũng đã phản ứng trước kế hoạch can thiệp vào Libya của Mỹ và Anh, trong đó có khu vực cấm bay để ngăn chặn các máy bay chiến đấu không kích phe nổi dậy.
Ông Gaddafi quả quyết rằng động thái như vậy sẽ khiến người dân Libya hiểu mục đích của người nước ngoài là muốn chiếm hữu dầu mỏ và lấy đi sự tự do của họ. Ông tuyên bố nếu như điều đó xảy ra, người Libya sẽ cầm lấy vũ khí và chiến đấu.
Theo hãng tin AP, ông Gaddafi đã kêu gọi người dân Libya ở miền Đông do quân nổi dậy chiếm giữ hãy giành lại quyền kiểm soát từ tay các thủ lĩnh nổi dậy.
Phát biểu trước giới trẻ ở thị trấn Zintan, cách Tripoli 120 km, ông Gaddafi lại đổ lỗi cho các thành viên Al-Qaeda từ Ai Cập, Algeria, Afghanistan và lãnh thổ Palestine đã gây ra tình trạng bạo loạn từ ngày 15-2.
Chính quyền ngăn cản người nhập cư rời Libya
Khoảng 30.000 người lao động nhập cư đã bị nhóm binh lính trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi ngăn chặn tại biên giới, không cho họ lánh nạn sang Tunisia và buộc họ trở lại Tripoli. Hãng tin AP dẫn lời quan chức của Liên hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) Ibrahim Osman thông báo như trên hôm 8-3.
Chuyên gia kinh tế người Sudan Ibrahim Osman – người vừa từ chức phó tổng thư ký IFRC và hiện phụ trách giám sát công tác nhân đạo của tổ chức này tại Bắc Phi – cho biết khoảng 30.000 người lao động gốc Bangladesh, Ai Cập và các nước vùng Hạ Sahara đã đến gần cửa ngõ biên giới dẫn sang Tunisia là Ras Ajdir để chờ đi qua nhưng có thể đã bị binh lính trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi buộc họ trở lại Tripoli làm việc. Ông khẳng định nhóm người này không sang biên giới nhưng sau đó đã biến mất. Các cơ quan cứu trợ yêu cầu tìm kiếm nhóm người này bằng các thiết bị ghi hình từ vệ tinh nhưng vẫn không tìm thấy. Do đó, nhiều khả năng những người này đã bị buộc trở về Tripoli, nơi nguồn hàng cứu trợ đang cạn kiệt.
Ông Osman cũng cho rằng còn có hàng ngàn người khác đang chạy trốn vào vùng đất không dân cư thuộc khu vực biên giới Libya giáp Tunisia, Ai Cập, Algeria, Niger, Chad và Sudan. Trong khi đó, Tổ chức Di dân Quốc tế ghi nhận đã có 224.661 người nhập cư đến vùng biên giới Libya giáp Tunisia, Ai Cập và Niger từ ngày 20-2 đến nay.
L.Nguyễn |
Bình luận (0)