xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Học cách Đà Nẵng cầu hiền

Kim Ngân

Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã thực hiện chính sách chiêu hiền đãi sĩ để tìm người tài cho bộ máy quản lý. Trong lĩnh vực này, Đà Nẵng thành công hơn cả qua việc tiên phong thi tuyển cán bộ lãnh đạo

Sau 4 năm triển khai thực hiện việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, đến nay, TP Đà Nẵng đã có 19 lượt sở, ban, ngành, UBND quận, huyện tổ chức thi tuyển với 207 ứng viên, tuyển chọn được 68 cán bộ, công chức, viên chức có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, phù hợp với quy hoạch cán bộ của các ngành, địa phương để bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý các cơ quan, đơn vị. Trong số đó, cơ quan hành chính có 9 người, đơn vị sự nghiệp 59 người. Mỗi chức danh có bình quân 3 người dự thi.

 
Hình thành lớp lãnh đạo trẻ
 
TP Đà Nẵng là nơi đầu tiên trong cả nước dựa vào tình hình thực tế của địa phương để từng bước triển khai thực hiện, hoàn thiện và nâng dần mức độ thi tuyển cán bộ lãnh đạo. Năm 2006, đề án thực hiện thí điểm việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo TP Đà Nẵng ra đời. Đây cũng là “Năm công tác cán bộ và cải cách thủ tục hành chính” của TP nhằm tạo bước đột phá và đổi mới trong công tác cán bộ, cũng là giải pháp quan trọng trong định hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP Đà Nẵng trong thời kỳ đổi mới.
 
Cũng trong năm này, Trường THPT Phan Châu Trinh là đơn vị đầu tiên thí điểm thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng. Kỳ thi đã thành công tốt đẹp, được các cấp, ngành và dư luận xã hội khen ngợi, cổ vũ. Năm 2007, Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức thi tuyển hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên; Sở GTVT thi tuyển cán bộ quản lý các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
 
Năm 2008, Đà Nẵng mở rộng phạm vi và đối tượng thi tuyển đến các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, đối tượng đăng ký dự thi là cán bộ công chức, viên chức trong biên chế hoặc hợp đồng lao động đang làm việc tại những cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong và ngoài địa phương.
 
Kết quả thi tuyển cán bộ lãnh đạo 4 năm qua cho thấy nhờ việc thi tuyển được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, khách quan, công bằng, công khai và cạnh tranh, TP đã tuyển chọn được những người giỏi, đạo đức tốt để bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại nhiều cơ quan, đơn vị. Đây là giải pháp tích cực để Đà Nẵng đổi mới công tác cán bộ, nhất là đổi mới cơ chế đề bạt, bổ nhiệm cán bộ mang tính truyền thống lâu nay.

img

Cán bộ qua thi tuyển được phân công về làm việc tại UBND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG KIẾM

Nhiều cán bộ trẻ đã được đề bạt, bổ nhiệm qua hình thức này với tuổi đời trung bình từ 30 đến 35. Người được đề bạt trẻ nhất mới 25 tuổi, chức vụ phó trưởng Phòng Kinh tế quận Cẩm Lệ. 100% cán bộ lãnh đạo nhận xét năng lực của những người trúng tuyển thông qua thi tuyển vừa qua là tốt. Nhiều cán bộ được bổ nhiệm sau khi thi tuyển đã thăng tiến trong nghề nghiệp và là nguồn phát triển cán bộ lãnh đạo của TP.
 
Điển hình là trường hợp ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD - ĐT TP Đà Nẵng. Năm 2007, ông Chinh dự thi và trúng tuyển chức danh hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên. Tháng 7-2009, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở GD - ĐT TP Đà Nẵng kiêm hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Năm 2010, ông trúng Thành ủy viên và giữ chức vụ Giám đốc Sở GD - ĐT TP Đà Nẵng.
 
Không lo thiếu người tài
 
Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, kết quả rõ nhất của việc thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo của các đơn vị sự nghiệp là đòi hỏi người tham gia dự thi phải thâm nhập thực tế để nghiên cứu, tìm hiểu tình hình hoạt động của đơn vị; qua đó đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, yếu kém và định hướng phát triển đơn vị một cách khoa học và hợp lý.
 

Hai tiêu chí thi tuyển

Ứng viên tham gia thi tuyển chức danh lãnh đạo phải đáp ứng 2 nhóm tiêu chí:

- Nhóm tiêu chí cơ bản, chiếm 40% số điểm, gồm thành tích công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia các hoạt động phong trào, thể hiện rõ phẩm chất đạo đức...

- Ứng viên phải thể hiện tốt phần thi tài năng và kiến thức. Trong đó thi viết (60 phút), ứng viên trình bày những nội dung liên quan đến công việc mà ứng viên đăng ký dự thi sau khi đã thâm nhập thực tế 2 tháng tại lĩnh vực mà chức danh thi tuyển phụ trách. Hai phần thi còn lại là bảo vệ đề án (20 phút) và trả lời câu hỏi của ban giám khảo cuộc thi…

Đây là cách làm mới nhằm giúp người trúng tuyển ngay sau khi nhận nhiệm vụ có thể làm tốt công việc của mình. 97% người trúng tuyển cho biết họ được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện phát huy năng lực, lãnh đạo quản lý sau khi được bổ nhiệm.
 
Việc thi tuyển cũng góp phần chủ động tạo nguồn cán bộ dự phòng. Người trúng tuyển được bổ nhiệm chức vụ theo phân cấp quản lý cán bộ. Đồng thời, những người xếp thứ 2 được bảo lưu kết quả thi tuyển trong một năm để có thể xem xét bổ nhiệm chức vụ ở các đơn vị khác, có chức năng, nhiệm vụ gần giống với đơn vị tổ chức thi tuyển, khi có nhu cầu bổ sung, tăng cường cán bộ.
 
Ông Đặng Công Chúc, Trưởng Phòng Công chức - Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết đối với một số thí sinh trúng tuyển khi tuổi đời còn trẻ (dưới 35), khó khăn nhất sau khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo là kỹ năng điều hành, quản lý công việc, điều kiện môi trường làm việc chưa tốt. Gần 70% của số này mong muốn được bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo quản lý và tiếp tục được lãnh đạo và đồng nghiệp quan tâm, hỗ trợ.
 
Năm 2011, TP Đà Nẵng tiếp tục thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý các bệnh viện chuyên khoa, các sở, ban, ngành, quận, huyện. Riêng ngành giáo dục tiếp tục tổ chức thi tuyển hiệu trưởng các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Đặc biệt, năm nay, đề án mở rộng việc thi tuyển lãnh đạo ở các đơn vị trực thuộc Thành ủy Đà Nẵng, đó là thi tuyển chức danh phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội và phó giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cũng đang gấp rút hoàn thành quy chế thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để trình UBND TP phê duyệt và sớm ban hành, giúp các đơn vị và cá nhân chủ động hơn trong việc tổ chức và tham gia thi tuyển hằng năm.
 
Tính đến cuối năm 2010, TP Đà  Nẵng có hơn 14.000 cán bộ công chức, viên chức trong biên chế, trong đó có hơn 20 tiến sĩ, hơn 700 thạc sĩ, gần 8.000 cử nhân đại học… đang công tác tại 20 cơ quan hành chính và 381 đơn vị sự nghiệp. Hằng năm, TP tiếp nhận khoảng 60 - 70 người tốt nghiệp đại học loại giỏi và sau đại học về công tác. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách trải thảm đỏ, TP đã tiếp nhận 771 nhân tài.

Sẽ thi tuyển ở các cấp cao hơn

. Phóng viên: Thưa ông, việc thi tuyển lãnh đạo vừa qua có vấn đề gì tồn tại sắp tới cần điều chỉnh?

 
img
- Ông Đặng Công Ngữ,
Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng: Đà Nẵng thực hiện thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo khi chưa hề có tiền lệ. Vì thế, chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
 
Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức khảo sát và đánh giá kết quả thực hiện để làm tốt hơn. Bốn năm thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo, điều chúng tôi trăn trở là việc mở rộng phạm vi thi tuyển ra nhiều đối tượng hơn và ở cấp cao hơn.
 
Các vị trí thi tuyển phải là vị trí hấp dẫn, có nhiều người tham gia thi để tăng tính cạnh tranh và tạo sức hút cho việc thi tuyển. Việc này phải làm từng bước.
 
Qua các đợt thi tuyển cho thấy nhiều ứng viên có chuyên môn nghiệp vụ giỏi nhưng lại thiếu kỹ năng quản lý.
 
Việc chuẩn bị tâm lý cho các đơn vị và ứng viên đăng ký tham gia thi tuyển cũng cần phải làm tốt hơn vì không ít đơn vị vẫn còn ngại tổ chức thi tuyển. Ứng viên ở một số đơn vị cũng còn tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn đăng ký dự thi…
 
. Khi việc thi tuyển lãnh đạo được hoàn thiện sẽ thay thế cách bổ nhiệm cán bộ truyền thống?
 
- Trước khi có cơ chế thi tuyển cán bộ lãnh đạo, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo - quản lý còn nhiều hạn chế, như khép kín trong từng đơn vị dẫn đến cục bộ, nể nang, “sống lâu lên lão làng”, phần nào kìm hãm sự phát triển của đơn vị.
 
Ngược lại, cách thi tuyển cán bộ lãnh đạo tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ kế cận, dự nguồn có cơ hội điều kiện phát triển, khuyến khích người có tài năng, tâm huyết tham gia công tác quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị Nhà nước.
 
Tuy nhiên, thi tuyển chức danh lãnh đạo được thực hiện đúng theo quy trình về bổ nhiệm cán bộ như hiện nay, trừ khâu lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện thông qua thi tuyển. Hai hình thức này sẽ tồn tại song song và bổ sung cho nhau.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo