Thủ tướng Úc Julia Gillard
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Sky, Thủ tướng Úc Julia Gillard nhấn mạnh đây là một loạt hành động quân sự nhằm bảo vệ người dân Libya. Mọi tuyên bố của ông Gaddafi đều cho thấy ông có ý định tiến hành ngày càng nhiều hoạt động vũ lực hơn nữa.
Bà Gillard cũng cho rằng Hội đồng Bảo an LHQ cần họp lại để thảo luận hơn nữa nếu cần thiết phải huy động lực lượng trên bộ tại Libya.
Tổng thống Venezuela Hugo Chavez
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez khẳng định: “Venezuela lên án các cuộc không kích trên. Mỹ cùng các đồng minh Châu Âu đã tấn công quốc gia Bắc Phi này để chiếm dầu mỏ”.
Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro đã nêu lên quan ngại tương tự, trong khi giới lãnh đạo cánh tả ở Bolivia và Nicaragoa cũng cáo buộc sự can thiệp của các cường quốc thế giới là chỉ nhằm vào dầu mỏ của Libya.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho hay: "Các đơn vị không quân của một số nước đã bắt đầu các hành động quân sự ở Libya trong ngày 19-3. Moscow lấy làm tiếc về hành động quân sự này".
Ông Lukashevich nhấn mạnh: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi tất cả các bên ở Libya cũng như những nước tham gia chiến dịch quân sự làm mọi việc có thể để không gây đau khổ cho dân lành vô tội, cũng như nhanh chóng chấm dứt bắn giết và bạo lực. Chúng tôi yêu cầu áp dụng những biện pháp cấp bách nhằm để bảo đảm an toàn cho các phái đoàn ngoại giao nước ngoài và nhân viên. Chúng tôi đặc biệt yêu cầu không được đụng đến đại sứ quán Nga tại Tripoli và công dân Nga ở Libya. Chúng tôi tin tưởng rằng để giải quyết xung đột ở Libya vì lợi ích của tương lai nền dân chủ ở nước này, cần phải mau chóng ngăn chặn tình trạng đổ máu và khởi xướng cuộc đàm phán giữa chính những người Libya với nhau”.
Hôm 18-3, Nga đã bác bỏ việc tham gia bất kỳ chiến dịch quân sự nào chống chính quyền của ông Gaddafi.
Đảng Cộng sản Hy Lạp phản đối
Đảng Cộng sản Hy Lạp, thế lực chính trị đứng hàng thứ ba ở nước này, kêu gọi mọi công dân Hy Lạp chống lại sự can thiệp quân sự của một loạt quốc gia ở Libya. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hy Lạp Aleka Papariga đã tuyên bố như trên vào tối 19-3 (giờ địa phương).
Tổng Bí thư Papariga nhấn mạnh: “Nhân dân Hy Lạp phải đoàn kết và chống lại cuộc tấn công quân sự dơ bẩn này vốn đang mở đường cho chiến tranh trong khu vực”. Chính khách này muốn nói đến sự can thiệp mang tính đế quốc mà chính phủ Hy Lạp đã ủng hộ.
Tuy Hy Lạp không trực tiếp tham gia vào chiến dịch quân sự ở Libya nhưng Thủ tướng nước này đã tuyên bố ông ủng hộ sự can thiệp của nước ngoài với mục đích buộc chế độ Libya thực thi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Vị thủ lĩnh của những người cộng sản Hy Lạp khẳng định: “Chính phủ Hy Lạp tích cực tham gia vào chiến dịch đế quốc này với một mục đích: nhận được một mẩu bánh mì và một ít dầu mỏ”.
Kim Hồng (Theo RIA Novosti)
|
Trong ngày 19-3, hãng ITAR-TASS dẫn một nguồn thạo tin với Điện Kremlin cho biết Nga đã cách chức Đại sứ nước này tại Libya - ông Vladimir Chamov -song không cho biết lý do. Theo báo "Moskovskiye Novosti", quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ trước khi tiến hành cuộc bỏ phiếu về bản nghị quyết của LHQ cho phép sử dụng vũ lực đối phó với lực lượng của ông Gaddafi.
Một nhà ngoại giao cho biết Qatar cùng một số quốc gia Châu Âu, trong đó có Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy, ngày 19-3 đã khẳng định sẵn sàng tham gia chiến dịch can thiệp quân sự tại Libya.
Hãng tin ANSA cùng ngày dẫn tuyên bố của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi khẳng định rằng nước này hiện chỉ mới cung cấp căn cứ cho chiến dịch cầu hàng không nhằm đối phó với Libya song Roma có thể tham gia các cuộc tấn công nếu cần thiết.
Trong khi đó, kênh truyền hình BBC News dẫn lời Thủ tướng Hà Lan ngay sau khi hội nghị cấp cao tại Paris kết thúc cho biết các cuộc tấn công quân sự nhằm vào chính quyền của ông Gaddafi là mở đầu trước khi NATO tiến hành các chiến dịch quy mô lớn hơn.
Thủ tướng Anh David Cameron
Cũng trong ngày 19-3, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ông Gaddafi đã phá vỡ lệnh ngừng bắn và giờ đây cần phải có hành động khẩn cấp để ngăn cảnh dân thường thiệt mạng cho dù chiến tranh sẽ mang lại nhiều rủi ro.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ lấy làm tiếc trước các cuộc tấn công quân sự này, đồng thời hy vọng cuộc xung đột sẽ không leo thang và gây tổn thất nặng nề đối với cuộc sống người dân.
Cùng ngày, Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc tấn công của liên quân phương Tây nhằm vào quân đội của ông Gaddafi, đồng thời lên án chính quyền Libya vẫn còn sử dụng bạo lực với người dân nước này.
Theo Báo "Washington Post", các vệ tinh do thám của phương Tây đang giám sát chặt chẽ một gara nhỏ tại một địa điểm xa xôi trên sa mạc ở Libya sau khi Mỹ và các đồng minh Châu Âu tiến hành không kích nước này.
Theo báo này, Chính phủ Libya trữ khoảng 10 tấn khí mù tạc trong khoảng 6 thùng lớn tại gara nằm ở phía Nam thành phố Sirte. Giới chức phương Tây lo ngại ông Gaddafi có thể sử dụng chất hóa học cay trên khi cần thiết.
Bình luận (0)