Những thông điệp về chính sách thắt chặt tiền tệ cho thấy các ngân hàng thương mại (NHTM) năm nay sẽ khó đạt lợi nhuận như kỳ vọng.
Lãi suất cao, khách hàng không mặn mà vay, ngân hàng khó tăng cao lợi nhuận. Ảnh: Hồng Thúy
Cắt giảm chiếc “bánh ngon”
Lợi nhuận của các NHTM chủ yếu dựa vào lãi tín dụng – tức là chênh lệch giữa đồng vốn huy động và cho vay – còn các dịch vụ khác như: thanh toán thương mại, kinh doanh vàng, ngoại tệ, thanh toán tiền điện, nước… chiếm phần nhỏ. Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang định hướng mục tiêu tín dụng năm nay chỉ tăng 20% so với năm ngoái, giảm mạnh so với những năm trước. Đặc biệt, miếng “bánh ngon” là tín dụng phi sản xuất, kinh doanh (SXKD) đến cuối năm chỉ được phép chiếm tỉ trọng 16% trong tổng dư nợ (hiện nay khoảng 26%). Loại hình tín dụng này tuy chiếm tỉ trọng thấp trong cơ cấu cho vay nhưng là nguồn thu nhập lớn cho các NHTM.
Tín dụng phục vụ SXKD vì mang tính ưu đãi nên có mức lãi suất vừa phải (hiện từ 15% - 17%), trong khi mặt bằng lãi suất huy động có kỳ hạn đang ở mức trung bình 14%/năm nên sau khi phải trích dự trữ bắt buộc, trích dự trữ thanh khoản thì còn lãi rất ít, thậm chí bị lỗ. Đối với tín dụng phi SXKD, các NHTM áp dụng lãi suất thỏa thuận, với mức rất cao, khoảng từ 19% - 21%/năm.
Do có chênh lệch đầu vào và đầu ra lớn nên trong thời gian qua, nhiều NH tăng tốc loại hình tín dụng này để kiếm lãi “khủng”. Đặc biệt, các NH quy mô nhỏ vì phải chạy đua để tăng lợi nhuận khi vốn điều lệ tăng lên 3.000 tỉ đồng đã bất chấp rủi ro, cố gắng tối đa để đưa tín dụng phi SXKD lên cao. Tại nhiều đơn vị, tỉ trọng loại tín dụng phi SXKD lên tới 35% - 40%/tổng dư nợ. Trong điều kiện SXKD khó khăn, lãi suất cao, khách hàng không mặn mà vay vốn, càng làm cho khả năng thu nhập của các NHTM năm nay sẽ khó khăn hơn trước.
Chuyển sang giám sát tỉ lệ an toàn vốn?
Theo lộ trình gia hạn lần thứ nhất, đến cuối năm nay, mỗi NHTM phải có vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỉ đồng. Mặc dù kế hoạch này đã đưa ra từ 5 năm trước nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều NHTM chưa đạt được. Theo nhiều chuyên gia, vì phải tăng mạnh vốn nên để có lợi nhuận tăng tương xứng, nhiều NH nhỏ đã châm ngòi cho những đợt chạy đua cạnh tranh huy động vốn và gia tăng cho vay phi SXKD. Chính điều này góp phần làm cho lãi suất NH bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo một số chuyên gia tài chính, thời kỳ NH thu lợi nhuận “vàng” không còn nữa nên sẽ khó tái hiện việc đua thành lập NH. Vì vậy nên xóa bỏ quy định tăng vốn nói trên và chuyển qua giám sát tỉ lệ an toàn vốn (theo quy định hiện tại, vốn tự có phải bảo đảm tối thiểu bằng 9%/tổng tài sản có rủi ro). Như vậy, những đơn vị có vốn tự có thấp buộc phải huy động vốn thấp, từ đó sẽ giảm cạnh tranh huy động vốn không lành mạnh của các NH nhỏ, góp phần kéo lãi suất xuống thấp, giúp hạ nhiệt chỉ số lạm phát.
Bình luận (0)