Ở đâu cũng có danh thắng
Hầu như địa phương nào ở Nam Trung Bộ cũng có danh thắng như Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), núi Ấn - sông Trà (Quảng Ngãi), gành Ráng, bãi đá Trứng, đầm Thị Nại (Bình Định), gành Đá Đĩa, Bãi Môn - mũi Điện (Phú Yên), suối bùn khoáng Tháp Bà (Nha Trang)... Nam Trung Bộ cũng có nhiều bãi tắm rất đẹp với đặc điểm cấu tạo, tính chất bãi cát, chất lượng nước biển, địa hình, chế độ hải văn... đủ điều kiện thuận lợi để khai thác phục vụ du lịch, như các bãi tắm Non Nước, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Đại Lãnh, Văn Phong, Nha Trang, Ninh Chữ, Cà Ná, Mũi Né...

Thạc sĩ Trần Mai Phượng, giảng viên Đại học Huế, cho rằng: “Du lịch biển Nam Trung Bộ vẫn chưa thực sự là một thương hiệu gây ấn tượng và tạo được niềm tin trong lòng du khách”.
Tại Phú Yên, có các danh thắng như gành Đá Đĩa, mũi Điện nhưng lại thiếu sản phẩm du lịch khác phục vụ du khách, ngoài sự hoang sơ. Anh Huỳnh Hữu Túc, một doanh nhân đến từ TPHCM, sau khi trở về từ gành Đá Đĩa, nhận xét: “Vượt một chặng đường thật dài, tôi đến đó chỉ để... chụp ảnh lưu niệm rồi về vì ở khu vực này không có điểm lưu trú, không có nơi nghỉ ngơi. Thật tiếc khi cạnh gành Đá Đĩa là những bãi cát dài, đẹp có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng, thư giãn, tắm biển cho du khách”.
Không chỉ “phung phí” tài nguyên du lịch biển, Nam Trung Bộ còn chưa khai thác đúng mức tài nguyên đặc sắc về du lịch văn hóa với hàng loạt di chỉ khảo cổ học như Sa Huỳnh, Chămpa… rải đều khắp vùng. Nhiều lễ hội độc đáo của các dân tộc cũng không được khai thác hiệu quả. Theo nhà nghiên cứu Trần Quý Thịnh (Viện Khảo cổ học): “Nhìn dưới khía cạnh du lịch, ngay cả những người làm khảo cổ như tôi cũng không thấy thú vị với các địa điểm khảo cổ lớn ở Nam Trung Bộ. Chúng ta hầu như chưa làm gì để những di chỉ này hấp dẫn du khách”.
Chỉ quảng bá là chưa đủ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thừa nhận: “Nam Trung Bộ là vùng có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là du lịch biển, song việc khai thác chưa mang lại hiệu quả cao. Ngoài Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận) và Đà Nẵng bước đầu khai thác tốt, các địa phương còn lại trong khu vực hầu như chưa khai thác xứng đáng với tiềm năng này”.
Trong khi đó, cuộc hội thảo chủ đề “Di sản văn hóa Nam Trung Bộ với sự phát triển du lịch trong hội nhập quốc tế” vừa được tổ chức tại Phú Yên, nhiều đại biểu đã chỉ ra những yếu kém, hạn chế trong khai thác du lịch biển, du lịch văn hóa ở Nam Trung Bộ.
Du khách và thu nhập giảm
Năm 2008, lượng du khách quốc tế đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ là 2.159.000 lượt (bằng 16,7% so với cả nước); năm 2009 là 2.081.000 lượt (bằng 15,2% so với cả nước). Cùng các thời điểm, khách nội địa đến khu vực này là 6.443.000 lượt (bằng 10,7%) và 7.072.000 lượt (bằng 10,2%). Doanh thu từ du lịch toàn vùng năm 2008 chỉ chiếm 8,5% so với toàn quốc, năm 2009 giảm còn 8,3%.
(Số liệu thống kê của PGS-TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch) |
Bình luận (0)