Đã hơn 2 năm qua, cứ đêm đêm, người dân xã Phủ Lý, huyện Vĩnh Cửu - tỉnh Đồng Nai lại phải đốt lửa, mắc võng trên chòi để canh chừng và xua đuổi “ông Bồ”- cách gọi của người địa phương để chỉ voi rừng. Tuy nhiên, xua đuổi thì ít, chính dân làng lại luôn phải tìm cách chạy tránh voi.
Một đêm canh voi
Chập choạng tối 6-4, trong lúc câu chuyện của chúng tôi với ông Đặng Văn Nhơn (trưởng ấp 2, xã Phủ Lý) về đàn voi đang dang dở thì bất ngờ nghe tiếng người chạy thình thịch, tiếng gọi nhau í ới rồi điện thoại cầm tay của ông réo vang. Ông Nhơn hối hả: “Các anh có dịp được trực tiếp chứng kiến “ông Bồ” vào làng rồi đấy!”.
Đàn ông xã Phủ Lý trong một đêm canh “ông Bồ”
Ông Nhơn chạy ù vào góc nhà vơ vội cây đèn pin để sẵn, lốp cao su để làm đuốc cùng mớ gậy gộc rồi huy động nhiều người cưỡi xe máy chạy về phía người canh voi ở nương vừa gọi điện báo về. 15 phút sau, chúng tôi cùng cánh đàn ông trong làng đến nơi. Tuy nhiên, cả ba “ông Bồ” và “đám con cháu” đang lững thững quay đầu vào lại trong rừng.
Lúc này, trong bóng tối chập choạng, trên gương mặt của những trai làng vẫn còn nét sợ hãi xen lẫn vẻ tôn nghiêm. “Mấy ổng đi rồi, chưa biết đêm nay có quay lại không!”- một thanh niên trên tay còn cầm ống khí đá dùng để dọa đuổi voi nói.
Ống khí đá được gò hàn trông như ống thuốc lào. Cách đây vài năm, từ khi voi hay về làng, người dân nghĩ ra cách dùng dụng cụ này để dọa chúng.
Trong làng, hầu như nhà nào cũng có một ống như vậy. Mỗi lần đàn voi kéo đến, người ta đem ống ra, nhét những viên khí đá vào nén thành hơi rồi châm lửa, một tiếng nổ lớn sẽ vang xa. Với cách này, những chú voi táo tợn nhất cũng sẽ giật mình và bỏ chạy.
“Ông Bồ” thường về làng theo đàn như thế này
Đàn voi rút đi nhưng những thanh niên trong làng vẫn chưa về. Họ gom củi đốt những đống lửa to để canh chừng. Thỉnh thoảng một vài tiếng nổ vang từ ống khí đá nghe như tiếng súng.
Một người đàn ông đứng tuổi nói: “Canh giữ thế này chứ còn đến đêm hoặc gần sáng mà các ổng quay lại thì cũng đành chịu!”. Theo người dân xã Phủ Lý, đàn voi có khoảng gần 10 con, có khi chỉ đi vài ba con và thường xuất hiện bất ngờ.
Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, kế hoạch di dời 1.334 hộ dân ra khỏi Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu, tránh tình trạng xung đột giữa người và voi đã bắt đầu được triển khai. Kế hoạch kéo dài từ nay đến năm 2020, toàn bộ kinh phí di dời, ổn định cuộc sống cho người dân khoảng 900 tỉ đồng. |
Với địa bàn hoạt động rộng, trong một đêm chúng có thể đi khắp vùng thuộc Khu Bảo tồn Vĩnh Cửu rộng cả ngàn hecta.
Vì vậy, cứ đêm đến, mỗi nhà lại cắt cử một người mắc võng trên chòi canh, nếu “ông” về thì cùng gọi báo cho nhau, xua “ông” đi để bảo vệ tài sản, mùa màng của mình.
Thiệt hại nặng nề
Tiếng khua chiêng gõ mõ, những dụng cụ tự chế phát ra tiếng nổ để dọa voi dường như không còn tác dụng do đàn voi đã quá quen.
Thế là, nhiều khi sáng thức dậy, nhiều người tá hỏa khi thấy vườn cây trái sắp đến mùa thu hoạch đã tan hoang. Thậm chí, nếu ai dám chọc giận “ông Bồ” có khi còn phải trả giá bằng tính mạng.
Những vườn cây trái ở Vĩnh Cửu mùa này sắp đến ngày thu hoạch, xoài bắt đầu ửng vàng đầu chóp trái, điều rụng đầy gốc và mít tỏa mùi hương thơm khắp vùng. Tuy nhiên, những người dân nơi đây không được hưởng niềm vui trọn vẹn mà trái lại, luôn phải phập phồng âu lo. Khi chúng tôi về làng, chị Trần Thị Muỗi (ấp 2, xã Phủ Lý) dùng xe máy dẫn đến tận bìa rừng.
Cuối con đường bụi đỏ ngoằn ngoèo, khu vườn của gia đình chị cùng với nương rẫy của nhiều người khác rộng bao la. Tuy nhiên, đập vào mắt là một cảnh tượng khá đau lòng: hàng chục gốc xoài nằm ngả nghiêng, một số cây bị bẻ gãy ngang, trong vườn la liệt những quả xoài non rụng vẫn chưa nhặt hết.
Chị Muỗi chỉ vào những gốc xoài vừa bị đàn voi đẩy ngã, nói như mếu: “Dăm bữa nửa tháng lại bị một trận thế này, đau lòng lắm…!”.
Dùng hàng rào điện tử để ngăn voi
Ông Trần Văn Mùi cho biết thời gian gần đây, voi càng “nổi giận” và sự xung đột giữa voi với người dân cũng gia tăng. Điển hình như những vụ “ngoài sức tưởng tượng” voi quật chết người hay việc 6 con voi bỗng lăn đùng ra chết mà đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân không khỏi khiến nhiều người nghi ngại.
Theo ông Mùi, trước khi có giải pháp cụ thể để tránh voi, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ, “nhường nhịn” đàn voi hơn nữa. Vườn tược, hoa màu hư hại còn có thể đền bù, chứ đàn voi thì không thể xâm phạm. Riêng về trách nhiệm của khu bảo tồn, ông Mùi cho biết trước mắt, khi việc di dời dân chưa thể dứt điểm, ban giám đốc đang đề xuất phương án dùng hàng rào điện tử để ngăn thú hoang. Hàng rào điện tử là hệ thống dây thép sử dụng năng lượng mặt trời, dài khoảng 40 km, có tác dụng tích lượng điện nhỏ đủ đánh bật đàn voi khi đến gần. |
Nhiều gia đình trong làng và những vùng lân cận cũng thường xuyên lâm vào cảnh dở khóc dở cười, nhiều lúc chứng kiến tận mắt những voi mẹ, voi con giẫm nát cả góc vườn nhà mình mà không thể làm gì được.
Anh Đoàn Văn Đức (ấp 2, xã Mã Đà) chỉ tay vào góc bếp nhà mình kể: “Cách đây vài ngày, mấy “ổng” về, đám voi con quậy nát vườn xoài, còn con đầu đàn vươn vòi vào tận trong bếp tìm gạo, muối, khua cả vào chuồng gà khiến gà bay nháo nhác. Thế nhưng, vợ chồng tôi và con cái cũng chỉ dám đứng từ xa mà nhìn chứ không hề dám phản ứng lại. “Ổng” về mình đứng ở xa xua đuổi thì được chứ nếu xúc phạm mà “ổng” nổi giận thì khốn”.
Dời làng
Để bảo vệ tài sản, sinh mạng người dân, dự án di dời dân ra khỏi vùng “đất dữ” đang được các cơ quan chức năng xúc tiến.
Tâm trạng người dân nơi đây vui buồn lẫn lộn bởi vùng đất này đã quá gắn bó với họ, cơ ngơi có được phải mất bao nhiêu công sức để gầy dựng.
Anh Hồ Sỹ Thủy (xã Mã Đà) từ Thanh Hóa vào đây sinh sống từ những năm 1980.
Theo anh, hồi đó vùng đất này còn là rừng thiêng nước độc. Khai khẩn lần hồi, bây giờ với gần 4 ha xoài, mỗi năm cũng đem lại thu nhập cho gia đình anh cả trăm triệu đồng. Giờ nếu di dời, tất nhiên có tiền hỗ trợ của Nhà nước nhưng anh chẳng biết sẽ bắt đầu lại như thế nào.
“Từ lâu, thỉnh thoảng vẫn chạy voi nhưng sắp tới phải bỏ chạy luôn thật rồi!”- anh Thủy thiểu não. Tuy nhiên, chị Lê Thị Thu (xã Phủ Lý) lại có suy nghĩ thoáng hơn. Chị và gia đình đã chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng “chạy” để trả lại môi trường cho việc bảo tồn động vật, sinh thái.
“Quá trình khai khẩn làm ăn, chính chúng ta đã xâm phạm lãnh địa của “ông Bồ” chứ không phải “ổng” cố tình làm hại con người!”- chị Thu bày tỏ.
Theo ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Di tích Vĩnh Cửu, dự án di dời dân ra khỏi khu bảo tồn đã được phê duyệt nhưng ông chưa nắm cụ thể. Tuy nhiên, ông Mùi cho biết theo kế hoạch, không phải tất cả các xóm, ấp trong khu vực đều phải di dời mà chỉ một số vùng ở lõi rừng thuộc diện phải chuyển đi mà thôi.
“Bà con có thể sẽ đi khỏi làng nhưng rồi sẽ đến vùng đất mới và lại có làng mới, điều quan trọng là chúng ta đã góp phần vào việc bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường”- ông Đặng Văn Nhơn lạc quan.
Bình luận (0)