xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm đủ cách để tiết kiệm

Nhóm phóng viên CĐ

Rà soát lại các khoản chi tiêu để cắt giảm những thứ không cần thiết, tiết kiệm điện, nước... để giảm bớt khó khăn

17 giờ ngày 11-4, khu chợ nằm trên đường Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12 - TPHCM ngập tràn màu áo xanh công nhân (CN). Ghé vào sạp bán rau ven đường, sau một hồi “săm soi”, nữ CN Trần Thị Bích Chi, Công ty TNHH May Trần Thành Công, quyết định “mua sỉ” 5 bó rau với giá 15.000 đồng. Treo bọc rau đủ loại lên chiếc xe máy cọc cạch, Chi quay sang tôi cười giải thích:  “Chịu khó lựa vẫn có rau ngon. Mình mua nhiều, người ta giảm giá nên tiết kiệm được chút ít”. Dứt lời, Chi lại ghé qua quầy thịt heo mua thêm một lạng thịt giá 12.000 đồng để kết thúc việc đi chợ nấu bữa tối cho cả phòng trọ gồm 4 thành viên với tổng chi phí 27.000 đồng.

img
Công nhân mua hàng giảm giá tại một phiên chợ bình ổn giá do UBND TPHCM tổ chức trong KCX Linh Trung 2. Ảnh: THANH NHÀN
 
Tiết kiệm hơn 200.000 đồng/tháng
 
Tôi theo Chi về khu nhà trọ nằm trong một con hẻm thuộc khu Ấp Doi (phường 15, quận Gò Vấp - TPHCM). Đó là một căn phòng rộng chưa đến 15 m2, song đồ đạc được bày biện khá ngăn nắp. Sau gần nửa giờ “chế biến”, một bữa ăn tối khá tươm tất được bày ra gồm một đĩa rau muống luộc, bát canh mồng tơi thịt băm và đĩa thịt kho.
 
Trước đây, sau giờ tan ca, các thành viên trong phòng đều tự lo bữa tối cho mình, chủ yếu là ghé quán cơm bình dân cạnh khu nhà trọ, mất khoảng 15.000 đồng/phần. Gần đây, khi giá cả sinh hoạt đắt đỏ, Chi và các bạn bàn nhau nấu cơm chung để tiết giảm chi tiêu. Cơm tối được nấu nhiều hơn để còn cơm nguội cho bữa sáng. Cũng với suy nghĩ tiết giảm tối đa chi phí sinh hoạt, các thành viên trong phòng cũng thay bóng đèn nê-ông bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện. Chưa hết, nước giặt áo quần được cả phòng trữ lại dùng để lau rửa nhà vệ sinh, thay vì đổ đi như trước đây. “Tụi mình cũng thay phiên chở nhau đi làm để tiết kiệm xăng. Sau một tháng áp dụng thử, mỗi đứa tiết kiệm được từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng”- Chi cười rất tươi khi “khoe” thành tích của cả phòng.
 
Đồng vợ đồng chồng…
 
“CN độc thân mà còn chủ trương tiết kiệm thì những người đã lập gia đình như tôi càng phải siêu… tiết kiệm. Chúng tôi đã rà soát lại các khoản chi tiêu, phát hiện cái nào bất hợp lý thì mạnh dạn cắt ngay”- chị Nguyễn Thị Linh, CN Công ty May Việt Vương (quận 12), cho biết như vậy. Vợ chồng chị đều làm CN với thu nhập hằng tháng khoảng 6 triệu đồng. Tiền gửi con ở nhà trẻ hơn 1 triệu đồng; tiền nhà trọ, điện, nước khoảng 1,5 triệu đồng, xem như mất hết phân nửa thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng. Gánh nặng chi tiêu buộc họ phải thắt lưng buộc bụng. Chọn thức ăn rẻ khi đi chợ, tính toán mua vừa đủ ăn là cách chị Linh tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Chồng chị cũng bớt khoản cà phê, thuốc lá và bù khú với bạn bè xóm trọ ngày cuối tuần.
 
Những gia đình CN có ý thức tiết kiệm như vợ chồng chị Linh ngày càng nhiều. Anh Nguyễn Quang Hào, CN Công ty CP Vinanomex, làm ở quận 9 - TPHCM, còn vợ anh làm ở quận Thủ Đức - TPHCM. Anh ưu tiên thuê nhà trọ ở gần chỗ vợ làm để chị tiện đi bộ; còn mình thì chịu khó đạp xe dù từ nhà trọ đến chỗ làm gần chục cây số. Để có thêm thu nhập, anh Hào còn đăng ký làm ca đêm để có thêm 50.000 đồng và một khoản phụ cấp nho nhỏ mà theo Hào sẽ giúp anh “chia lửa” với bà xã trong lúc khó khăn.
 
Tương tự là vợ chồng anh Hồ Văn Dũng, CN Công ty May Đại Lâm (huyện Hóc Môn - TPHCM). Do làm cùng công ty, cách đây một tháng, hai vợ chồng quyết định bán xe máy để chuyển sang đi xe đạp. Dũng nói vui: “Từ hồi chở nhau bằng xe đạp, mỗi tháng, vợ chồng tôi tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng tiền xăng; tình cảm vợ chồng cũng khắng khít hơn”.
 
Không ỷ lại
 
Để chia sẻ khó khăn với CN, từ đầu năm đến nay, TPHCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, như vận động chủ nhà trọ không tăng giá phòng, vận động các điểm giữ trẻ không tăng giá; tổ chức nhiều đợt bán hàng giảm giá ở các KCX-KCN. Điều đáng quý là trước sự quan tâm, sẻ chia ấy của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đại bộ phận CN không có tư tưởng ỷ lại, trái lại còn chủ động vượt khó.
 
Hẻm 37 đường số 9, khu phố 5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, có gần 10 dãy nhà trọ mà chủ nhà trọ đã đăng ký không tăng giá phòng và cam kết bán điện đúng giá cho CN. Anh Phan Văn Lấn, CN ở khu nhà trọ số 37/3, cho biết: “Ở đây, CN được bán điện với giá rất rẻ, chỉ 1.000 đồng/KWh. Nhưng không vì thế mà chúng tôi xài phí. Phòng tôi chỉ xài một bóng đèn giữa phòng và một bóng trong nhà vệ sinh. Bóng trong nhà vệ sinh không dùng là tắt. Bóng giữa phòng dứt khoát 21 giờ là tắt, cả nhà đi ngủ”.
 
Bà Lê Thị Thanh Hoa, chủ khu nhà trọ, nói: “Tháng rồi, có phòng CN đi làm suốt, về lại tắt đèn ngủ sớm nên tiền điện chỉ hơn 10.000 đồng và được nêu gương tiết kiệm điện cho những phòng khác”.

Vui vì công nhân có ý thức tiết kiệm

 
Nói về ý thức tiết kiệm của CN ở trọ, ông Trần Xuân Vinh, chủ nhà trọ ở khu phố 3, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, nhận xét: “Từ khi được chủ nhà trọ thông báo không tăng giá phòng, tôi thấy ý thức tiết kiệm của CN có chuyển biến hơn. CN ở các phòng trọ biết nhắc nhở nhau ngủ sớm, tắt bớt các thiết bị điện khi không cần thiết. Thấy các em có ý thức như vậy, tôi rất vui”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo