Trong tương lai rất gần, Việt Nam phải đối mặt với diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Theo đó, an ninh lương thực bị đe dọa, nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành công nghiệp sẽ bị động… Vì vậy, cây trồng biến đổi gien là một giải pháp mà ngành nông nghiệp đang hướng đến.
Bắp biến đổi gien có chất lượng cao hơn (ảnh trái) so với giống bắp thông thường (ảnh phải). Ảnh do Viện Di truyền nông nghiệp cung cấp
Bắp kháng sâu, lúa chống hạn, chống mặn…
TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN - PTNT), bày tỏ để bảo đảm an ninh lương thực, nông nghiệp của Việt Nam buộc sản xuất phải hiệu quả hơn. Để đạt được mục tiêu này, TS Lê Huy Hàm nhận định cây biến đổi gien không đặt nặng vấn đề tăng năng suất mà tập trung vào nâng cao chất lượng cây trồng và hiệu quả kinh tế. TS Hàm dẫn chứng về lợi ích của biến đổi gien khi tạo ra các giống bắp kháng sâu, kháng hạn, kháng nấm… Hay bắp biến đổi gien để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ cho bò, heo, gà... lớn nhanh; bắp biến đổi gien kháng thuốc diệt cỏ sẽ giảm chi phí canh tác.
Cũng theo TS Hàm, Viện Di truyền nông nghiệp đã có giống lúa biến đổi gien có thể chịu úng 15 ngày trong lũ, sau khi lũ rút, lúa lại phát triển bình thường; trong khi các giống lúa thông thường không có khả năng này. Ngoài ra, viện còn có giống lúa chịu mặn để ứng phó với xâm nhập mặn… Đặc biệt, hiện nay khoa học có thể tạo ra giống lúa giàu vitamin, giàu nguyên tố vi lượng như sắt, kẽm… tăng dinh dưỡng cho người sử dụng. “Hiệu quả kinh tế từ cây trồng biến đổi gien tốt hơn nhiều so với cây bình thường” – TS Lê Huy Hàm khẳng định.
Khảo nghiệm trên diện rộng vào năm 2012
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”. Trước mắt, chương trình sẽ tập trung vào bắp, bông và đậu nành. Đến năm 2020, diện tích trồng các giống cây trồng biến đổi gien sẽ chiếm 30% -50% tổng diện tích canh tác cả nước. |
Để triển khai đại trà, Viện Di truyền nông nghiệp đã hoàn tất việc trồng khảo nghiệm 2 vụ bắp biến đổi gien kháng thuốc diệt cỏ, kháng sâu trên diện hẹp tại cơ sở của viện ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và ở Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Kết thúc khảo nghiệm, Hội đồng An toàn sinh học của Bộ NN-PTNT kết luận bắp biến đổi gien không khác đáng kể so với bắp thường từ sự đa dạng sinh học, đa dạng côn trùng, đa dạng sinh vật đất… nhưng lại có khả năng kháng sâu, kháng thuốc diệt cỏ.
Theo quy trình khảo nghiệm, việc khảo nghiệm trên diện rộng một vụ sẽ thực hiện vào đầu mùa hè 2011 ở cả Bắc, Trung và Nam Bộ gồm các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Sơn La, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và một số tỉnh Tây Nguyên, nơi có vùng trồng bắp lớn (mỗi nơi sẽ khảo nghiệm trên diện tích 2-3 ha). Sau đó, kết quả khảo nghiệm sẽ trình lên Hội đồng An toàn sinh học quốc gia để xem xét và đánh giá. Nếu được Hội đồng An toàn sinh học quốc gia thông qua, bắp kháng sâu, kháng thuốc diệt cỏ sẽ được đưa vào sản xuất trên diện rộng từ năm 2012.
Chương trình khảo nghiệm cây trồng biến đổi gien do Viện Di truyền nông nghiệp thực hiện và kinh phí do các doanh nghiệp đầu tư. Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, nhiều doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh diện tích cây trồng biến đổi gien vì hiệu quả kinh tế cao.
TS Lê Huy Hàm phân tích đến nay, trên thế giới chưa có khẳng định cây biến đổi gien có hại cho sức khỏe con người nên người dân có thể yên tâm.
Bèo chống cúm H5N1ở gia cầm
Theo TS Lê Huy Hàm, khoa học nông nghiệp có thể tạo ra giống cây có khả năng hấp thụ kim loại nặng để làm sạch môi trường. Hiện một số quốc gia đã thử nghiệm loại biến đổi gien này ở cây dưới nước như cây bèo.
Viện Di truyền nông nghiệp đang nghiên cứu đưa gien kháng virus cúm H5N1 vào cây bèo. Hiện viện đang phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam để đánh giá kết quả nghiên cứu trên gà. Dự kiến, cuối năm 2011 sẽ có kết quả. Nếu thành công, sau khi ăn loại bèo này, gia cầm (gà, vịt…) có khả năng miễn dịch với virus H5N1 và không phải tiêm vắc-xin. |
Bình luận (0)