Ngày 21-4, giá vàng thế giới vẫn đứng ở mức 1.506 USD/ounce (lúc 15 giờ). Giá vàng trong nước tăng thêm hơn 100.000 đồng/ lượng, bán ra 37,7 triệu đồng/lượng. Tuy tiếp tục thấp hơn giá vàng thế giới 300.000 đồng/lượng nhưng giao dịch vàng ở Việt Nam vẫn tẻ nhạt.
Cho phép mua - bán vàng miếng
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, dự thảo nghị định về quản lý vàng vẫn cho phép mua - bán vàng miếng. Trong khi đó, lãnh đạo của nhiều ngân hàng (NH) thương mại cho hay nhiều khả năng NH Nhà nước sẽ ban hành quy định ngừng huy động và cho vay vàng trong vài ngày tới. Như thế, số vàng nhàn rỗi (ước tính 500 tấn) ngày càng chôn chặt trong nhà riêng của người dân.
Để biến vàng thành nguồn vốn, nhiều NH cho rằng NH Nhà nước đứng ra mua vàng của dân rồi bán lại cho dân. Tuy nhiên, do giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới, tỉ giá ngoại tệ tự do và cung - cầu nên điều mà người dân quan tâm là giá mua – bán phải đúng giá thị trường.
Để giá vàng phản ánh đúng thị trường, một số chuyên gia đề xuất NH Nhà nước thành lập một công ty trực thuộc, do NH Nhà nước điều hành và quản lý có sự góp vốn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Gom vàng về một đầu mối quản lý sẽ hạn chế được nhiều phát sinh tiêu cực.
Trong ảnh: Mua bán vàng nữ trang tại một tiệm vàng ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Từ đó, NH Nhà nước cũng kiểm soát được số vàng đang lưu thông, theo dõi sát sao cung - cầu của thị trường để tính toán điều hành xuất - nhập khẩu vàng hợp lý. Giả sử giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước, người dân ồ ạt bán vàng, thông qua công ty trực thuộc, NH Nhà nước thu mua rồi bán vàng cho nước ngoài thu về ngoại tệ.
Như thế, vàng trong dân đã chuyển thành vốn và có sinh lời. Nếu sức mua của người dân tăng đột biến làm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, có thể dẫn đến hiện tượng thu gom USD để nhập lậu vàng, đẩy tỉ giá lên cao ảnh hưởng đến lạm phát thì NH Nhà nước nhập khẩu vàng. Thị trường vàng và tỉ giá sẽ bình ổn.
Hạn chế đầu cơ, lũng đoạn thị trường
TS Lê Xuân Nghĩa còn cho biết: Hướng tới, có thể Chính phủ sẽ quy định chỉ NH Nhà nước mới được sản xuất vàng miếng. Như vậy, sẽ có một công ty trực thuộc cơ quan này in đúc, dập vàng chuẩn, sau đó sẽ có những đại lý được cấp phép thực hiện mua - bán vàng miếng. Lãnh đạo NH Xuất Nhập khẩu Việt Nam cho rằng nếu quy định trên trở thành hiện thực thì Nhà nước sẽ hạn chế phát sinh tiêu cực, lợi dụng chức năng, quyền hạn… làm rối loạn thị trường so với đề xuất chỉ cho phép một số doanh nghiệp kinh doanh vàng hàng đầu sản xuất vàng miếng.
Nhiều ý kiến khác cũng ủng hộ việc sản xuất vàng miếng theo hướng tập trung một đầu mối, dưới sự quản lý của NH Nhà nước. Khi đó, các công ty kinh doanh vàng không còn dựa vào “chiêu” sản xuất nữ trang để xin quota nhập khẩu vàng nhưng sau đó dùng số vàng này để gia công vàng miếng. Các NH thương mại không còn là chỗ dựa của các nhà đầu cơ vàng lũng đoạn thị trường.
Cầu cao hơn cung
Theo ông Phí Đăng Minh, nguyên phó vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NH Nhà nước), hiện nay, tổng số vàng vật chất trên toàn thế giới khoảng 163.000 tấn.
Năm 2010, nhu cầu về vàng của thế giới lên đến 3.812 tấn, tăng 9% so với năm 2009. Trong khi đó, sản lượng khai thác vàng của thế giới chỉ khoảng 2.600 tấn/năm, thấp hơn nhiều so với nhu cầu về vàng.
Giám đốc Hội đồng Vàng khu vực Viễn Đông Zheng Liang Hao cũng cho biết: Nhu cầu đầu tư vàng của Trung Quốc năm 2010 lên tới 179,9 tấn, tăng 70% so với năm 2009.
Do nhu cầu của Ấn Độ, Trung Quốc chưa giảm, cộng thêm khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu, tình hình chính trị của các nước khu vực Trung Đông, Bắc Phi chưa được cải thiện nên nhu cầu vàng của các nước năm 2011 sẽ tiếp tục tăng.
Không loại trừ khả năng một số nước sẽ mua thêm vàng nhằm đa dạng hóa việc dự trữ ngoại hối, giảm bớt rủi ro khi nắm giữ quá nhiều USD. |
Bình luận (0)