xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trường Sa- Một phần máu thịt: Lính Dê-ka

Bài và ảnh: Hồng Kỳ

Lính Dê-ka (nhà giàn DK 1, Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam) là những chiến sĩ quả cảm tại nơi khó khăn và hiểm nguy bậc nhất.

LTS: “Không xa đâu Trường Sa ơi/Không xa đâu Trường Sa ơi/Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”. Đi, đến và thấy cuộc sống của người lính, người dân Trường Sa mới cảm nhận đầy đủ rằng biển đảo và con người nơi đây luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.
 
Không ai kìm được nước mắt khi ca sĩ Bích Mận của Đoàn Nghệ thuật Đam San hòa nhịp cùng sóng gió đại dương cất lên những câu ca đầy da diết trong bài hát Gần lắm Trường Sa trên nhà giàn DK 1/8 ở bãi ngầm Phúc Tần. 
 
img
Ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận món quà biển của lính nhà giàn
 
Ranh giới sống-chết

Sự rắn rỏi, sạm nắng gió đại dương của đại úy Nguyễn Đăng Hùng, quyền chỉ huy trưởng nhà giàn DK 1/8, toát lên vẻ cương nghị của người lính nhiều năm bám trụ giữ biển.
 
Mười năm là lính Trường Sa và nhà giàn DK 1 thì đại úy Nguyễn Đăng Hùng đã có 8 năm ăn Tết giữa biển. Mỗi chuyến ra biển là một kỷ niệm khó quên đối với người chỉ huy trẻ nhất ở nhà giàn DK 1.

Trong một lần nhận nhiệm vụ ra nhà giàn DK 1 vào tháng 3-2009, tàu chở đại úy Nguyễn Đăng Hùng tới nơi thì gió rít giật trên cấp 8, sóng biển ầm ầm đánh văng lên gần ca-bin.
 
Con tàu không thể neo lại để đưa anh vào nhà giàn vì thả xuống là đứt neo ngay. Không đắn đo, Nguyễn Đăng Hùng xin phép chỉ huy được nhảy xuống biển để bơi vào nhà giàn.
 
Nhìn Nguyễn Đăng Hùng mất hút trong những con sóng cao lừng lững, ai cũng thấy thắt tim lo lắng. Vừa bám được vào tầng thứ nhất của nhà giàn thì một cơn sóng lớn ập tới, hất văng Nguyễn Đăng Hùng lên hơn 4 m rồi lại vùi xuống đáy nhà giàn.
 
Chìm nghỉm hồi lâu trong làn sóng dữ, Nguyễn Đăng Hùng lại trồi lên, bám lấy chân nhà giàn và leo lên mặc những con hà sắc lẹm khứa sâu vào thân thể. Phải mất cả tháng sau vết thương mới lành hẳn.
 
“Chuyện của tôi là rất bình thường với lính nhà giàn. Lên nhà giàn là sẵn sàng đối mặt với sống, chết” - đại úy Nguyễn Đăng Hùng nói.

Người lính già “trẻ thơ”

Thiếu tá Đậu Đình Phú đã có gần 20 năm làm lính nhà giàn. Anh từng làm nhiệm vụ trên gần chục nhà giàn như DK 1/6, DK 1/8, DK 1/14, DK 1/12, DK 1/7, DK 1/2... và từng nếm trải những giây phút không thể nào quên khi chiếc nhà giàn lệch nghiêng trước những con sóng khổng lồ cao cả chục mét trong trận bão hồi tháng 10-1990.

Lính nhà giàn cứ gọi đùa thiếu tá Đậu Đình Phú là “trẻ thơ” vì đã gần 50 tuổi đời và hơn 20 năm quân ngũ nhưng anh vẫn “tắm chậu”. “Đừng đùa, tắm chậu cũng phải có kỹ thuật đấy nhé” - thiếu tá Phú cười nói.
 
Theo thiếu tá Phú, đó là ngồi vào một chậu nhỏ và lấy chiếc ca nhỏ cẩn thận dội lên đầu sao cho những giọt nước ít ỏi ngấm đều từ đầu xuống thân, xà phòng thì dùng ít thôi vì còn lấy nước tắm xong để tưới rau…
 
“Nước ngọt đối với lính nhà giàn được chia như khẩu phần ăn hằng ngày. Mùa mưa còn đỡ chứ mùa khô chỉ được 2-3 lít mỗi lần tắm và mỗi tuần cũng chỉ tắm 2 lần” - thiếu tá Đậu Đình Phú cho biết.
 
Cái khó ló cái khôn, lính nhà giàn nghĩ ra cách “tắm chay”. Đó là chạy tại chỗ cật lực cho toát mồ hôi để... kỳ cọ cho dễ, tóc thì cắt thật ngắn để ít tốn nước khi gội đầu.

Ở nhà giàn, rau xanh cũng quý như nước ngọt. Loại rau mà đất liền có thể chở ra nhà giàn nhiều nhất là bí xanh và bí đỏ vì có thể để hàng tháng.
 
Dẫn chúng tôi tới bên chậu rau trên nóc nhà giàn, thiếu tá Phú nâng niu từng chiếc lá xanh mởn nói: “Ngoài thiếu nước thì sợ nhất là gió. Gió ở đây mạnh lắm, không che đậy kỹ càng là nó đánh nát chậu rau ngay”.
 
Theo thiếu tá Phú, lính nhà giàn còn khó khăn nhưng cũng được cải thiện rất nhiều. Hiện dự án năng lượng sạch đã cung cấp đủ điện sinh hoạt và chiếu sáng trên tất cả các nhà giàn ở DK 1. Màn đêm buông xuống là nhà giàn lại trở thành một cột mốc chủ quyền rực sáng trên biển.
 
Chấp nhận hy sinh

Cơn bão số 10 tháng 12-1990 với những con sóng cao 14-15 m đã đánh đổ một nhà giàn trên bãi Phúc Tần và cuốn 5 cán bộ, chiến sĩ hải quân xuống biển.
 
Dù được các tàu khẩn trương cứu hộ nhưng do sóng gió quá dữ dội, 3 cán bộ và chiến sĩ nhà giàn đã anh dũng hy sinh. Đó là trung úy Nguyễn Hữu Quảng, Trạm phó Chính trị; trung úy Trần Văn Là, quân y sĩ và hạ sĩ Hồ Văn Hiền, nhân viên cơ điện.

“Mỗi nhà giàn là một cột mốc chủ quyền của nước ta trên thềm lục địa phía Nam. Cán bộ và chiến sĩ hải quân sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giữ vững chủ quyền thiêng liêng ấy của Tổ quốc” - đại tá Nguyễn Văn Tương, Phó Chủ nhiệm Chính trị - Cục Chính trị (Quân chủng Hải quân), nói.

Kỳ tới: Hoa của biển
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo