xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ chết người ở trụ sở công an: Truy tìm kẻ "gạ tình"

QUẢNG NHÂN – MINH SƠN

Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt.

Chiều 29-4, theo đề nghị của thượng tá Phạm Xuân Trường, quyền Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, các phóng viên Báo Người Lao Động đã có buổi làm việc với ông và một tổ điều tra do đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, đứng đầu.

Dựa vào băng ghi âm để tìm người “gạ tình”

Thượng tá Phạm Xuân Trường cho biết liên quan đến cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt, nguyên trưởng Phòng Quản lý sản phẩm Công ty Kumho, tại trụ sở Công an huyện Bến Cát (Báo Người Lao Động ngày 27, 28 và 29-4 đã thông tin), giám đốc công an tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng cơ quan CSĐT tỉnh độc lập điều tra, làm rõ nguyên nhân.
img
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (phải) đến trình bày sự việc về cái chết của chồng tại Báo Người Lao Động sáng 29-4. Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Theo thượng tá Trường, cơ quan CSĐT tỉnh sẽ thu thập các chứng cứ và tiếp xúc với nhiều người trong cuộc để có kết quả điều tra khách quan và sẽ công bố cho báo chí.
Đại tá Nguyễn Tiến Dũng đề nghị phóng viên Báo Người Lao Động cung cấp cho tổ điều tra hai đoạn băng ghi âm mà người tự xưng tên Phú đã gạ gẫm chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (vợ anh Nhựt). Sau đó, hai đoạn băng ghi âm được niêm phong để làm thủ tục giám định âm, truy tìm lai lịch người tự xưng tên Phú.
Trước thông tin cho rằng kẻ “gạ tình” vợ nạn nhân là điều tra viên, thượng tá Trường khẳng định bất cứ cá nhân hay tập thể nào sai phạm cũng sẽ bị xử lý. Đại tá Dũng cũng khẳng định sau khi điều tra làm rõ, công an tỉnh sẽ trả lời chính thức nhân vật trong đoạn ghi âm tên gì, làm gì, công tác ở đâu.

Đề nghị giám định chữ viết trong thư tuyệt mệnh

Một diễn biến khác, sáng cùng ngày, chị Tuyền đã chính thức có đơn khiếu nại gửi Viện trưởng VKSND, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng về nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Nhựt.
Chị Tuyền cũng nhờ Báo Người Lao Động chuyển đơn khiếu nại này đến tận tay đại tá Nguyễn Tiến Dũng. Theo đó, chị Tuyền đề nghị cơ quan công an giám định chữ viết trên thư tuyệt mệnh mà Công an huyện Bến Cát cho rằng anh Nhựt viết để lại trước khi chết. Chị Tuyền cũng đề nghị cơ quan điều tra trả lời kết quả giám định pháp y đối với cái chết của chồng mình.
img
Phóng viên Báo Người Lao Động làm việc với thượng tá Phạm Xuân Trường, quyền Chánh Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, chiều 29-4. Ảnh: TRÚC LY

Trong đơn khiếu nại, chị Tuyền đặt ra nhiều câu hỏi, như: “nếu trường hợp có lý do tạm giữ chồng tôi, tại sao không có quyết định tạm giữ của cơ quan công an theo quy định của pháp luật?”; “Tại sao thân thể của chồng tôi có nhiều vết bầm từ bụng dưới, hai bên háng và đùi, móng tay tím đen, chân có nhiều vết bầm li ti…”; “Sau khi chồng tôi chết, sao không báo liền mà bắt tôi chờ từ 8 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút mới cho hay?”…

Thượng tá Trường cho hay việc giám định chữ viết trên “thư tuyệt mệnh của anh Nhựt”, công an sẽ xem xét, nếu đúng với quy định của pháp luật thì thực hiện. “Riêng kết quả giám định pháp y của anh Nhựt, cơ quan công an sẽ công bố khi có kết quả xác minh cái chết của anh” - thượng tá Trường khẳng định.
Chúng tôi đặt vấn đề anh Nhựt bị cơ quan công an “câu lưu” hay bị tạm giữ; tạm giam... có lệnh hay không và có tống đạt lệnh này đến cơ quan hay gia đình anh không, thượng tá Trường nói: “Sẽ kiểm tra lại và thông báo cho Báo Người Lao Động biết cụ thể”. Tuy nhiên, theo thượng tá Trường, việc cơ quan điều tra tạm giữ anh Nhựt nhiều ngày tất nhiên là phải có lệnh và tống đạt lệnh này cho công ty của anh.
Nhiều nghi vấn cần làm rõ
- Về việc tạm giữ anh Nguyễn Công Nhựt để điều tra: Cơ quan điều tra phải làm rõ để trả lời về việc căn cứ nào để tạm giữ, câu lưu anh Nhựt. Anh Nhựt có phải là nghi phạm trong vụ mất trộm hay không? Tạm giữ chỉ có hai trường hợp: Tạm giữ hành chính và tạm giữ hình sự.
Tạm giữ hành chính tối đa chỉ được 3 ngày tại phòng tạm giữ hành chính; còn tạm giữ hình sự thì chỉ áp dụng trong các trường hợp bắt quả tang, bắt khẩn cấp, bắt truy nã hay đầu thú, tự thú.
- Về khám nghiệm tử thi: Các đặc điểm lưỡi anh Nhựt thè ra, hậu môn có ít phân là dấu hiệu của việc chết ngạt do treo cổ. Tuy nhiên, còn nhiều dấu hiệu nữa mà qua khám nghiệm, cơ quan pháp y có trách nhiệm trả lời.Vấn đề cần phải được yêu cầu làm rõ ở đây là những dấu vết bầm tụ máu ở hai bàn tay, cổ tay, hai bắp đùi, tinh hoàn và dương vật cũng như ở đầu và ở môi nạn nhân, tất cả có phải là do bị ngoại lực tác động gây ra không?
Nếu là do ngoại lực gây ra thì nhiều khả năng anh Nhựt đã bị dùng nhục hình trong quá trình điều tra, làm rõ vụ trộm. Ai có hành vi này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội dùng nhục hình”.

- Về khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi: Phải do cơ quan điều tra cấp tỉnh chủ trì, cơ quan pháp y phải là cơ quan của ngành y tế thực hiện khám và giải phẫu tử thi (nếu bác sĩ pháp y của cơ quan công an thực hiện sẽ không khách quan), đồng thời phải có người chứng kiến là thân nhân của anh Nhựt.

Luật sư Hà Ngọc Tuyền

“Không ai có quyền tước đoạt sinh mệnh một con người. Anh Nhựt chết đã để lại nỗi đau lớn cho cha mẹ, vợ anh và bạn bè. Cơ quan điều tra kiên quyết làm sáng tỏ. Nếu Nhựt có “tự chết” thì cơ quan điều tra cũng sẽ chứng minh vì sao anh chết”- đại tá Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo