xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điều dưỡng viên: Thiếu cả lượng và chất

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

Hiện chỉ khoảng 30% điều dưỡng viên có trình độ cao đẳng và đại học, còn lại 70% điều dưỡng viên có trình độ trung cấp và sơ cấp, không ít điều dưỡng viên mới ra trường chưa biết cách tiêm

Theo quy định tại Thông tư 07 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ ngày 1-3-2011), việc chăm sóc, theo dõi người bệnh là nhiệm vụ của bệnh viện (BV), các hoạt động chăm sóc điều dưỡng, theo dõi do điều dưỡng viên, hộ sinh viên thực hiện và chịu trách nhiệm. Thế nhưng thực tế, việc chăm sóc người bệnh hầu như được “khoán” cho người nhà bệnh nhân, kể cả những phần việc chuyên môn như thay chai truyền dịch, bóp bóng ôxy, cho ăn qua ống thông, vận chuyển người bệnh nặng… 

Bận làm hành chính hơn làm chuyên môn

Lý giải chuyện này, thạc sĩ Nguyễn Bích Lưu, Trưởng Phòng Điều dưỡng, Tiết chế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế,  thừa nhận do các BV đang thiếu nguồn điều dưỡng viên trầm trọng nên họ không thể kham nổi công việc chăm sóc người bệnh. Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết hiện 20% nhân lực điều dưỡng đang làm nhiệm vụ chăm sóc gián tiếp như làm công tác hành chính, sổ sách, giấy tờ, viện phí. Ở nhiều BV, những công việc này chiếm gần nửa thời gian của điều dưỡng viên.

img

Với những bệnh nhân nặng, việc chăm sóc vệ sinh cá nhân sẽ do các điều dưỡng viên đảm nhiệm

Vì thiếu sự theo dõi của điều dưỡng viên nên có thể xảy ra những biến đổi đột ngột tác động trực tiếp đến tính mạng người bệnh như băng huyết, chảy máu sau phẫu thuật, khó thở hoặc ngừng thở, hạ đường huyết, tăng giảm huyết áp. Thậm chí là các sự cố như ngã, sặc, phản ứng thuốc, tự tử ở người bệnh trầm cảm, tuột dây máy thở…

Theo kết quả khảo sát tại nhiều BV tuyến Trung ương, trung bình một điều dưỡng viên phải chăm sóc trực tiếp 6,5 người bệnh vào ban ngày và 23,8 người bệnh vào ban đêm. Tỉ lệ này cao nhất là BV Mắt Trung ương (85,5 bệnh nhân/điều dưỡng viên), BV Nội tiết (77/1), BV Châm cứu (70/1), BV K (54/1), BV BV Bạch Mai (30/1)…

Cũng theo Thông tư 07, các điều dưỡng viên, hộ sinh viên sẽ phối hợp với bác sĩ điều trị để đánh giá, phân cấp chăm sóc và thực hiện chăm sóc, theo dõi phù hợp cho từng người bệnh. Thế nhưng ở nhiều BV hiện nay, các điều dưỡng viên vẫn làm việc một cách thụ động. Họ chỉ biết làm theo y lệnh của bác sĩ, công việc thường lặp đi lặp lại như tiêm chích, truyền dịch, thay băng, rửa vết thương, ghi chép… Việc dành thời gian đi thăm hỏi, động viên tinh thần và tư vấn hướng dẫn điều trị bệnh cho bệnh nhân rất hiếm thấy ở các điều dưỡng viên.

Nâng thời gian đào tạo, rèn thêm kỹ năng

Khảo sát của Bộ Y tế cho biết hiện chỉ khoảng 30% điều dưỡng viên có trình độ cao đẳng và đại học, còn lại 70% điều dưỡng viên có trình độ trung cấp và sơ cấp. Do đó, Bộ Y tế đặt mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ này. Chẳng hạn, điều dưỡng viên trung cấp chỉ làm những công việc thông thường tại giường bệnh, việc chăm sóc toàn diện người bệnh thuộc về những điều dưỡng viên có tay nghề và năng lực cao hơn.

Không chỉ hạn chế về chất lượng mà số lượng điều dưỡng viên ở nước ta cũng rất thấp. Theo yêu cầu trung bình cứ 1 bác sĩ phải có 3- 3,5 điều dưỡng viên nhưng ở Việt Nam tỉ lệ này mới chỉ là 1 bác sĩ/2 điều dưỡng viên. Trong đào tạo điều dưỡng viên, chất lượng đầu ra không đồng đều, nhất là ở các trường dân lập, học sinh ít có cơ hội thực hành và tay nghề chuyên môn thấp.
GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương, đánh giá: Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là quá nhiều trường tham gia đào tạo, trong khi điều kiện để thực hành lại rất ít. Ngay cả kiến thức cơ bản thế nào là tiêm bắp, tiêm dưới da và tiêm tĩnh mạch hay thuốc nào thì được tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch…, nhiều điều dưỡng viên cũng không nắm được, nói gì đến những kỹ thuật phức tạp hơn.

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm đề nghị nên nâng thời gian đào tạo điều dưỡng viên lên 3 năm thay vì 2 năm như hiện nay. Trong khi chờ đợi chất lượng đầu ra của ngành điều dưỡng nâng lên, các BV “tự cứu” bằng cách mở các lớp đào tạo thực hành nâng cao cho các điều dưỡng viên. Tại BV Nhi Trung ương, các điều dưỡng viên mới ra trường được học trong thời gian 6 tháng để rèn các kỹ năng chăm sóc bệnh nhân, nhất là với bệnh nhi, đòi hỏi các kỹ năng khó và phức tạp hơn bệnh nhân lớn tuổi. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo