Năm 2010 đã qua nhưng đối với người dân làm muối tại miền Trung thì đó là năm “muối đắng” nhất trong vài chục năm gần đây, người dân lại lao đao vì mùa muối thất bát.
Vẫn chuyện được mùa thì mất giá và ngược lại. Năm nay, những ngày cuối tháng 4-2011, chúng tôi trở lại các đồng muối ở xã Trí Hải, huyện Ninh Hải – “thủ phủ muối” của Ninh Thuận và vẫn thấy không khí thật buồn tẻ.
Đầu vụ đã thấy nản!
Mới đầu mùa muối nhưng cái nắng ở Ninh Thuận đã rất gắt, nhiệt độ tăng từng ngày. Thời tiết này là điều kiện thuận lợi cho các diêm dân ra đồng làm muối nhưng những ngày này, trên các cánh đồng muối ấy lại thưa thớt người.
Chị Lê Thị Hải, một diêm dân ở Trí Hải, cho biết: “Mới đầu vụ nhưng diêm dân đã thấy nản vì giá muối rất thấp, hiện chỉ có 300 đồng/kg, cao lắm thì được 350 đồng/kg. Với giá này, diêm dân chỉ có sản xuất cầm chừng chứ chẳng có lãi. Nếu vào chính vụ, lượng muối sản xuất nhiều, giá muối sẽ rớt thê thảm hơn. Hiện nay, do không biết làm gì, hàng ngàn diêm dân vẫn cắn răng bám víu hạt muối”.
Năm trước, giá muối quá thấp, diêm dân lại không bán được muối. Do đó, vào vụ mới, diêm dân chẳng hào hứng gì với chuyện sản xuất và cũng chẳng có tiền tái đầu tư.
Nhiều người đã bỏ xứ đi làm thuê cho các lò hấp cá, làm công theo thời vụ..., kiếm cơm qua ngày. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Ninh Thuận có khoảng 1.500 ha muối.
Tại Khánh Hòa, theo một lãnh đạo phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, hiện toàn phường tồn khoảng 1.000 tấn muối. Giá hiện nay chưa tới 400 đồng/kg nên bà con lo khi vào vụ giá còn tiếp tục xuống thấp và sẽ lỗ nặng hơn.
Năm 2010, Ninh Diêm không bán được tấn muối nào theo chương trình mua muối tạm trữ của Chính phủ, đời sống diêm dân hiện rất khó khăn.
“Chính quyền địa phương đang lo năm nay diêm dân sẽ sản xuất muối ra sao khi tiền tái đầu tư không có” – vị này băn khoăn.
Đã vào vụ muối nhưng một số đồng muối tại miền Trung thưa bóng diêm dân
Theo phản ánh của diêm dân, ngoài nghề muối, ít người có nghề khác. Khi toàn bộ diện tích đất đã trở thành các ruộng muối, đất đã nhiễm mặn thì không thể chuyển đổi sang nghề khác, ngoài nuôi tôm.
Trước đây, sau nhiều vụ muối thất thu, nhiều diêm dân đã chuyển sang nuôi tôm nhưng cũng thất bại, họ lại quay về nghề cũ. Cứ thế, vòng luẩn quẩn đó cứ bám riết diêm dân mà chưa có cách tháo gỡ.
Cũng như diêm dân ở các vùng muối miền Trung, vụ muối mới đã bắt đầu nhưng toàn thị xã Ninh Hòa tồn đọng trên 3.000 tấn từ năm cũ.
Khoảng 600 hộ dân sản xuất muối đang lâm vào cảnh làm cũng không có lãi. Để diêm dân có lãi, tính ra trung bình mỗi ký muối phải đạt giá 800 - 900 đồng. Do đó, diêm dân đang rất lúng túng vì muối cũ bán chưa hết, muối mới sản xuất lo bán không ai mua.
Theo thống kê của UBND thị xã Ninh Hòa, đa số diêm dân ở đây còn sản xuất muối theo phương pháp thủ công nên chất lượng muối còn thấp, khó bán và thường bị ép giá.
Tuy nhiên, nếu sản xuất muối theo công nghệ phủ bạt để nâng cao chất lượng thì diêm dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Mặt khác, sản xuất muối theo công nghệ phủ bạt đòi hỏi ruộng phải có diện tích rộng.
Khổ vì dự án muối “hoành tráng”
Có chiều dài bờ biển hơn 3.000km, lại hội tụ các yếu tố thuận lợi để làm muối nhưng mỗi năm, chúng ta phải nhập khẩu muối (dự kiến, năm nay Việt Nam phải nhập khẩu 182.000 tấn).
Vì thế, nhiều dự án phát triển muối đã được triển khai. Trong đó, dự án muối Quán Thẻ ở huyện Thuận Nam - Ninh Thuận là điển hình nhưng khi triển khai đến đâu, dân lại kêu trời đến đó.
Dự án Khu Kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ được triển khai từ năm 2000, do Tổng Công ty Muối - Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư, có quy mô lớn nhất nước với tổng diện tích 2.500 ha, công suất 300.000 tấn muối công nghiệp/năm.
Sau nhiều chuyện lùm xùm, đến tháng 2-2008, dự án được giao cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long - BIM Group. Tháng 7-2008, dự án được tăng quy mô diện tích thêm 800 ha. Đến ngày 16-8-2009, Công ty Hạ Long xuất mẻ muối đầu tiên.
Trong số diện tích đất dự án, xã Phước Minh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Toàn xã có trên 99% trong số 4.000 dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, đất ở để xây dựng đồng muối Quán Thẻ. Cùng với việc dự án được phê duyệt, đất trong vùng dự án nhanh chóng bị “niêm phong”.
Số diện tích trong vùng bị quy hoạch, dù chưa triển khai dự án nhưng người dân không được phép canh tác. Phước Minh như xã “trắng” về nông nghiệp kể từ đó.
Vườn tược của người dân Phước Minh chỉ còn cây cối cháy khô vì nhiễm mặn
Theo mục đích ban đầu, dự án dựng lên không chỉ cung ứng một sản lượng muối rất lớn cho cả nước và xuất khẩu mà còn tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, đến nay, dự án này chỉ mang lại việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thực tế, ông Đinh Văn Dư, trưởng thôn Quán Thẻ 1, xã Phước Minh, khẳng định: “Nếu chú đi cả thôn, tìm ra một nắm rau xanh nấu canh đủ cho hai người ăn là tôi đi đầu xuống đất”.
Chúng tôi len lỏi khắp các ngõ ngách, vườn tược của người dân trong làng. Đến đâu, tôi cũng mỏi mắt tìm mà chẳng thấy luống rau xanh nào. Tất cả đất đai trong vườn đều là những bãi đất trống, lênh láng nước mặn, cây cối chết sạch chỉ còn trơ lại những cành khô.
Bà Hoàng Thị Ngọ, ngụ thôn Quán Thẻ 1, nói như mếu: “Ba năm nay, gia đình tôi mất trắng cả trăm triệu đồng vì nước mặn đã làm chết sạch vườn trái cây rộng hơn 2.000 m2”.
Trong quá trình thực hiện khu sản xuất muối công nghiệp Quán Thẻ, Tổng Công ty Muối Việt Nam đã xây dựng khu tái định cư phía Tây thôn Quán Thẻ 2 để di dời gần 200 hộ dân trong thôn.
Tuy dự án đã có 10 năm nay nhưng hiện chỉ có khoảng một nửa số hộ vào đây dựng nhà; số còn lại vẫn chưa chịu vào vì các hạng mục công trình vẫn còn trên giấy.
Bức xúc hơn, trong quá trình tái định cư, cán bộ ban quản lý dự án muối Quán Thẻ đã thu tiền sử dụng đất của dân nhưng dân lại chưa được giao đất hay cấp quyền sử dụng đất.
“Hiện nay, nếu vào sinh sống tại khu tái định cư, để được sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, người dân phải chịu cái giá đắt gấp 12 lần so với trước. Đã có nhiều cuộc họp bàn giữa lãnh đạo huyện, xã về vấn đề này nhưng chưa giải quyết xong. Có lần, khi huyện kiến nghị cho dân “nợ” lại số tiền sử dụng đất phát sinh theo giá mới, dân phản ứng gay gắt vì đó không phải lỗi do họ, lỗi thuộc lãnh đạo ban quản lý dự án muối. Theo tôi, nên xóa số tiền sử dụng đất phát sinh cho người dân” – ông Trần Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Phước Minh, cho biết.
Hơn 10 năm khu tái định cư dự án muối Quán Thẻ được triển khai, ngoài vài chục căn nhà mọc lên giữa bãi đất cằn cỗi thì chẳng có gì đáng gọi là khu tái định cư. Mọi việc dang dở khi ban quản lý muối Quán Thẻ tan rã, dự án nhường lại cho Công ty Muối Hạ Long.
Theo thống kê của xã Phước Minh, giai đoạn năm 2004-2007, toàn xã có 5% hộ nghèo theo tiêu chuẩn cũ, đến năm 2008 tăng lên 9%.
Năm 2010, số hộ nghèo (theo tiêu chuẩn mới) của xã là 15% và dự kiến năm nay sẽ tăng lên 18%-19%. Con số đó chứng tỏ đời sống kinh tế người dân xã Phước Minh đang đi thụt lùi.
Trong thời gian tới, nếu không có giải pháp nào khắc phục hậu quả nhiễm mặn, dân tiếp tục không có đất sản xuất thì tỉ lệ hộ nghèo chắc chắn lại tăng lên.
Ngay ngáy lo nhiễm mặn
Theo ông Trần Quốc Hoàn, bên cạnh việc gấp rút bồi thường, hỗ trợ những hộ dân có đất nhiễm mặn sớm ổn định cuộc sống, trước mắt là ngừng ngay việc tích nước mặn tại các hồ chứa đang triển khai trên diện tích hơn 90 ha tại đồng muối phía Đông thôn Quán Thẻ 1 và Quán Thẻ 2. Vì hiện nay, việc xây dựng các hồ chứa nước mặn chưa đúng kỹ thuật, gây nhiễm mặn nghiêm trọng. Về lâu dài, tốt nhất là chủ đầu tư nên ngừng hoàn toàn việc sử dụng khoảng 90 ha đất khu vực này, so với dự án có quy mô hơn 3.000 ha.
Tuy nhiên, đó chỉ là ước muốn của người dân, còn chủ đầu tư và cơ quan chức năng có đồng ý hay không chắc phải chờ một thời gian dài. Đồng muối Quán Thẻ chỉ mới đưa vào sử dụng một phần rất nhỏ diện tích nằm trong quy mô dự án.
Thế nhưng tác hại của nó đã để lại là quá rõ ràng. Khi dự án gần 3.000 ha này đồng loạt được khởi động, mức độ ô nhiễm cho dân vùng dự án sẽ rất cao. |
Bình luận (0)