xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cướp cạn lộng hành ở ĐBSCL

Bài và ảnh: DUY NHÂN

Mỗi khi đến mùa thu hoạch, người nuôi tôm ở ĐBSCL lại nơm nớp lo trộm cướp hoành hành. Dù đã chi nhiều tiền cho việc chống trộm và phải thức trắng đêm canh trộm nhưng hễ sơ sẩy là mất ngay

Con lộ tráng nhựa chạy dài ra đê biển Đông là đường phân chia ranh giới giữa hai vùng ven biển Sóc Trăng và Bạc Liêu. Nơi đây luôn là điểm nóng của tội phạm trộm, cướp tôm hoành hành hơn 10 năm nay ở ĐBSCL. Hai bên con lộ nhỏ là những đầm tôm bao la hun hút tầm nhìn, được khoanh thành những ô vuông như bàn cờ. Bao bọc quanh từng ô là những dãy hàng rào lưới kẽm B40 và dây thép gai cao khỏi đầu người, chủ yếu là để ngăn kẻ trộm đột nhập.

Nóng vùng giáp ranh

Theo những người nuôi tôm ở vùng giáp ranh này, bọn trộm tôm thường tụ tập thành nhóm, có khi hơn 20 người, trang bị chài, lưới… và cả lú bát quái dài hàng chục mét để vây bắt tôm; có nhóm còn trang bị cả dao, mã tấu để chống trả và khống chế khi bị chủ tôm phát hiện.
Anh Nguyễn Đại Hải, một người quê Bình Thuận thuê đất ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nuôi tôm đã được 3 năm nay, cho biết: “Dường như mùa nào tôi cũng khổ vì bị bọn trộm tôm hoành hành. Mới đầu, chúng lén lút trộm vào nửa đêm nhưng riết rồi chuyển qua bắt trộm giữa ban ngày”. 
Anh Hải nhớ lại: “Vụ tôm trước, tôi vừa thu hoạch xong thì xuất hiện một băng trộm hàng chục tên xông vào vuông. Không còn tôm để bắt, chúng kéo đến chòi canh hù dọa sẽ “làm thịt” tôi. Sợ quá, tôi rời chòi canh đến nhà người quen lánh nạn qua đêm. Chẳng ngờ, đêm đó, bọn đạo tặc hốt hết máy móc và dụng cụ nuôi tôm trị giá hàng chục triệu đồng. Sau đó, bọn chúng sang vuông tôm của ông Tâm bên xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, lấy 4 cái mô-tơ (mỗi cái khoảng 10 triệu đồng).

img

Người nuôi tôm ở vùng giáp ranh Bạc Liêu – Sóc Trăng dùng rào bao bọc vuông tôm
cẩn thận và thuê nhiều người canh giữ nhưng vẫn chưa an toàn trước nạn trộm cướp tôm

Công an xã Vĩnh Trạch Đông đã xuống hiện trường điều tra, tuy không xác định được thủ phạm nhưng tìm được một số dụng cụ bị mất trong một cửa hàng chuyên thu mua nông cụ cũ tại phường 5, TP Bạc Liêu. Sau đó, chủ cửa hàng đã đồng ý trả lại đồ cho người bị mất nhưng nói không nhớ mặt kẻ mang đồ gian đến bán”.

Ông Năm Chụp, người nuôi tôm ở xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, kể: “Có lần bọn trộm đột nhập vuông tôm giữa trưa gỡ lấy mô-tơ chạy quạt nước, tôi phát hiện được liền giữ chân chúng lại, báo trưởng khóm và công an xã. Nhưng khi lực lượng chức năng tới, có 5-6 thanh niên, kẻ lận dao, người lận búa chạy đến giải vây”.

Canh giữ không xuể

Mới đây, kẻ gian đã đột nhập vuông tôm của ông Nguyễn Hoàng Quân ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu lấy trộm. Vụ việc được trình báo chính quyền địa phương nhưng do không bắt được quả tang, không thể định lượng được tài sản mất trộm nên đành “chào thua”. Từ đó, nhiều người nuôi tôm khi bị mất trộm không muốn trình báo, chỉ lặng lẽ tự đề phòng”.

Mỗi khi tôm nuôi được 3 tháng tuổi, ông Nguyễn Văn Thắng (ở xã Vĩnh Trạch Đông) phải túc trực ở vuông tôm suốt 24/24 giờ. Đêm xuống, ông phải đi tuần đến sáng. “Đi tới, đi lui đến mòn bờ vuông để canh trộm nhưng chỉ cần lơ là 15 phút là bị trộm ngay. Bọn trộm rình, đợi đến khi mình mỏi mòn chợp mắt hoặc ăn cơm trưa, cơm chiều là đột nhập. Vụ tôm vừa rồi, tôi bị trộm “ghé thăm” tới 3 lần, mất hàng trăm ký tôm sú, thiệt hại mấy chục triệu đồng” - ông Thắng kể.
Còn ông Quách Thành Mộc (ở phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) tổ chức canh trộm hết sức bài bản. Ông có 1,5 ha nuôi tôm công nghiệp. Sợ tôm bị thất thoát, ông làm hàng rào lưới kẽm B40 xung quanh và mướn 4 nhân công canh giữ theo ca, 2 người thức canh đến 24 giờ và 2 người canh tới sáng. “Vậy mà không biết bằng cách nào, bọn trộm vẫn vào được. Thấy chúng vác tôm của mình chạy đi, tức anh ách nhưng không tài nào đuổi kịp” - ông Mộc nói.
Ông Nguyễn Văn Thống (ở xã Vĩnh Hậu) đầu tư gần 200 triệu đồng để hạ thế điện thắp sáng vuông tôm, xung quanh bờ bao được kéo lưới kẽm B40 giăng kín và thuê bảo vệ túc trực 24/24 giờ. Đặc biệt, dưới ao còn giăng dây kẽm gai để phòng kẻ trộm chài tôm. Nhưng theo ông Thống, dù đã dùng đủ cách nhưng vẫn thường xuyên bị trộm “ghé thăm”.

Một kiểu cướp tôm hy hữu

Ngoài nỗi lo bị trộm cướp tôm nuôi, khi đem tôm vào vựa bán, người nuôi lại đối mặt với nguy cơ bị cướp tôm. Cuối năm 2009, TAND huyện Vĩnh Châu - Sóc Trăng đã đưa ra xét xử một vụ cướp tôm có một không hai. Dù các bị cáo đã bị phạt từ một năm rưỡi đến 3 năm tù và buộc bồi thường cho bị hại 50 triệu đồng, song dư luận địa phương đến giờ vẫn cho rằng bản án còn khá nhẹ nhàng.

Ông Lâm Văn Đức, một nạn nhân ở xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu, kể: “Hôm đó là ngày 22-7-2009, tôi đem 1 tấn tôm sú đến cơ sở thu mua Minh Hải (xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu) bán. Khi mới cân được 7 giỏ, tôi phát hiện ngay tại chỗ thu mua của cơ sở này có 2 vách ngăn thông nhau được ngụy trang bằng hai tấm ván lớn gắn bản lề.
Quá trình cân tôm, thấy khách hàng sao nhãng, chúng lùa tôm qua vách ngăn, phía bên trong có người chờ sẵn để đón nhận. Tôi đã báo ngay cho chính quyền địa phương vạch mặt bọn chúng”.

Kỳ tới: “Nông tặc” tác quái

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo