Liên quan đến vụ anh Nguyễn Công Nhựt (SN 1981, nguyên trưởng Phòng Quản lý sản phẩm Công ty Kumho - chuyên sản xuất lốp ô tô) chết tại trụ sở Công an huyện Bến Cát – Bình Dương (Báo Người Lao Động đã liên tục thông tin), ngày 3-5, PV Báo Người Lao Động đã ghi lại lời tường thuật của những người liên quan để làm sáng tỏ những tình tiết quanh lá thư được cho là thư tuyệt mệnh của anh.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ anh Nhựt, cho biết người nhận “thư tuyệt mệnh” là Nguyễn Đắc Phước, anh trai chị. Ngày 3-5, trao đổi với PV Báo Người Lao Động, anh Phước nói gia đình rất khó khăn mới lấy được lá thư này.
Bút tích của anh Nhựt (trái) và lá "thư tuyệt mệnh" (phải)
Anh Phước kể: Sáng 26-4, người nhà tới trụ sở Công an huyện Bến Cát. Lúc này, công an cho biết thi thể anh Nhựt đã chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Một người ở trụ sở công an huyện nói mọi việc gia đình nên liên hệ với công an tỉnh; lúc này gia đình bức xúc thì được mời vào phòng họp.
Theo anh Phước, người dẫn gia đình anh vào phòng họp tên là Tâm. Khoảng 45 phút sau, một người khác xuất hiện xưng tên là Khiêm, Phó Công an huyện Bến Cát, kêu gọi gia đình bình tĩnh. “Ông Khiêm diễn giải cái chết của Nhựt là do thắt cổ, bằng chứng là lá thư tuyệt mệnh. Chúng tôi phẫn nộ đòi lấy thư tuyệt mệnh thì cuộc họp hoãn” – anh Phước nhớ lại.
Khoảng 20 phút sau, ông Tâm bước vào phòng họp, tay cầm xấp giấy được cho là “thư tuyệt mệnh” và anh Phước tới lấy.
Sau khi nhận thư, anh Phước hỏi ông Khiêm vì sao anh Nhựt chết thì được cho biết: Vào khoảng 24 giờ 30 phút ngày 24-4, tổ điều tra đem mấy chục lốp xe về để trước mặt Nhựt. Nhựt biết mình phạm tội nên thừa lúc không ai để ý đã thắt cổ (?). Nhật được phát hiện chết vào khoảng 4 giờ ngày 25-4.
Theo anh Phước, công an nói dây Nhựt dùng thắt cổ là dây kết nối với camera chứ không phải là sạc điện thoại như nhiều thông tin trước đó. Khi anh Phước chất vấn: “Thời gian đâu mà Nhựt viết thư tuyệt mệnh?” thì được công an giải thích: “Việc này còn nhiều bí ẩn”!
Chị Tuyền cho rằng trong 2 “thư tuyệt mệnh” nhận ở trụ sở công an, lá gửi vợ không giống nét chữ Nhựt, trong khi lá gửi cán bộ điều tra thì chữ anh và chữ ai đó xen nhau.
Nhiều người thân anh Nhựt đọc "thư tuyệt mệnh"
Về nội dung “thư gửi vợ”, đầu thư viết: “Theo công văn công ty lốp Kumho tố cáo mất 6000-7000 lốp trong kho thành phẩm. Trách nhiệm chính là thuộc về phòng quản lý sản phẩm, đứng đầu là Nguyễn Công Nhựt đây. Theo điều tra ban đầu từ năm 2008 đến nay, máy tính của Nhựt có ban hành lệnh xuất khoảng 1.000 cái…”.
Đoạn này, theo chị Tuyền, giọng điệu khác với khi anh Nhựt nói với vợ. “Anh Nhựt không bao giờ xưng với tôi là Nhựt mà chỉ xưng là chồng, hoặc anh Hai” - chị nói. Theo chị, nếu là thư tuyệt mệnh thì Nhựt phải nhắn nhủ chị giữ gìn sức khỏe vì anh biết chị đang bị đau bao tử. Ngoài ra, Nhựt phải nói qua về những dự định từ trước của hai người như chuyện đưa em út và ba mẹ anh lên ăn ở chung.
Chị Tuyền nghi vấn Nhựt không rành luật tại sao lại biết mình có thể bị phạt tù từ “15 đến 20 năm” như trong thư? Thêm nữa, gia đình Nhựt ở Tiền Giang nghèo trong khi gia đình chị Tuyền ngoài Quảng Ngãi khá giả hơn nhưng anh không nhắc gì đến việc chăm lo cho gia đình mình mà lại viết: “Quê nhà mình nghèo, hãy giúp ba má ngoài quê”!
"Thư tuyệt mệnh" có đoạn: “33 tuổi của đời người mà chưa làm được việc lại phải khiến cho nhiều người nhà mình đau khổ, đây là tội tày trời… Kiểm lại từ đầu năm 2010 đến nay, trong người vướng bao nhiêu căn bệnh khi bắt đầu năm? Viêm tiết… mãn tính, viêm phế quản (bệnh này do làm việc tại Kumho) tiếp theo là viêm dạ dày tá tràng, rồi gần đây là bị sỏi thận… Một năm qua vợ đã vất vả nuôi bệnh cho chồng, kể xem từ 30-9 đến nay nhập viện cấp cứu 6 lần, đến tháng 10 phát hiện bị virus HP, đến khi diệt nó được 3 tuần thì vô Bệnh viện tỉnh Bình Dương khám phát hiện nhiễm trùng tuyết niệu, cứ thế 2 tuần một lần khám. Sau Tết… chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy đến nay vẫn chưa hết bệnh mà bệnh cứ nặng thêm”.
Tuyền khẳng định chính chị đưa chồng đi chữa bệnh, chị còn không nhớ số lần đi thì anh làm sao nhớ chính xác thời gian, số lần và bệnh tích như vậy được.
Riêng về lá thư được cho là gửi cán bộ điều tra có nhiều đoạn dùng thuật ngữ liên quan đến công việc của Nhựt, PV đã nhờ một người từng làm việc chung với anh tại công ty lý giải. Người này cho biết: “Nội dung viết có nhiều điều khó hiểu, tôi nghĩ người viết chỉ biết tập hợp những thông tin có được mà hoàn toàn không hiểu chính xác về những báo cáo và mối liên hệ của nó với nhau”.
Ông Trần Đình Triển- luật sư của gia đình nạn nhân, phân tích thế nào về những lá thư này? Mời bạn đọc đón xem trên Báo Người Lao Động số ra ngày mai, 4-5.
Bình luận (0)