
Củng cố đà khôi phục
Tại hội nghị, ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch ADB, khẳng định chính phủ phải tham gia mạnh mẽ vào quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, phải là “chân đế của một ngọn tháp” nhằm cải thiện đời sống cho người nghèo và tạo nguồn thị trường mới cho phát triển bền vững.
Vị lãnh đạo của ADB đánh giá cao sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong việc đóng góp vào những thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Việt Nam. “Sau một thập kỷ phát triển nhanh, Việt Nam đã tạo được những thành tựu ấn tượng trong xóa đói giảm nghèo cho người dân. Qua đó, Việt Nam tiêu biểu cho một bài học thành công trong phát triển và là tấm gương cho các nước phát triển khác trên toàn thế giới. Cùng với các nước đang phát triển khác ở châu Á, Việt Nam đang củng cố đà khôi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu” – ông Kuroda nói.
Ông Kuroda cho rằng Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác ở châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển. Vì vậy, ADB đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với những tác động xấu có thể xảy ra như xây dựng giao thông đô thị theo hướng giảm khí phát thải thông qua việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân sang sử dụng hệ thống giao thông công cộng. Bên cạnh đó, ADB còn hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng nông thôn và tăng cường khả năng chống chọi với thiên tai của người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Điểm nghẽn nguồn nhân lực
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Việt Nam đang thiếu lao động có kỹ năng cao và quản lý tốt mặc dù ở “giai đoạn cơ cấu dân số vàng” với 86 triệu dân, trong đó tỉ lệ người ở độ tuổi lao động là 65%. “Nếu không làm tốt quá trình đào tạo nguồn nhân lực, Việt Nam không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực, sự bắt kịp và vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình.
Bài toán cho các giải pháp kiềm chế lạm phát ở Việt Nam cũng được các đại biểu đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước đề cập. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng các chỉ tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% được Quốc hội khóa XII thông qua có trước khi xảy ra những biến động trên thế giới như các cuộc nổi dậy ở Bắc Phi và Trung Đông, sóng thần ở Nhật Bản nên rất khó đạt được các chỉ tiêu đề ra ban đầu.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam từ nay cho đến hết năm. “Chính phủ đạt mục tiêu giữ ở mức khoảng 11,75% mà không ưu tiên tăng trưởng nóng, chỉ ở mức 6,5% - thấp hơn so với năm 2010 và thấp hơn mục tiêu đề ra trong năm nay là hơn 7%” – ông Phúc nói.
Vượt thách thức “trần thủy tinh”
Trong bài tham luận về Vượt “bẫy” thu nhập trung bình và tăng trưởng bền vững, GS Kenichi Ohno, chuyên gia ADB, cho rằng tuy Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2008 (GDP bình quân đầu người đạt 1.200 USD năm 2010) nhưng lại chưa xây dựng được những chính sách cải thiện “vốn con người”. Ông khẳng định Việt Nam cần học hỏi nhiều hơn từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực để tránh rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình. “Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm từ các nước một cách có hệ thống chứ không phải sao chép nguyên xi mô hình thành công của họ. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore thành công cũng phải tự xoay xở bằng các nỗ lực của chính mình qua những lần thử nghiệm và thất bại. Với các nước đi sau, học hỏi là một việc nên làm chứ không nên cho rằng mình là một nước đặc biệt mà không cần học hỏi” - GS Ohno nói.
GS Ohno cũng cảnh báo tăng trưởng không thể dựa mãi vào FDI, ODA, tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… mà nguồn lực thực sự do tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra. “Việt Nam sẽ gặp thách thức “trần thủy tinh”, nghĩa là đi từ lao động đơn giản dưới sự chỉ dẫn của nước ngoài lên một giai đoạn có công nghiệp phụ trợ nhưng vẫn chịu tác động của các nguồn vốn nước ngoài. Thực tế cho thấy các nước Thái Lan, Malaysia đã gặp phải vấn đề này. Không tạo được giá trị trong nước, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải “bẫy” thu nhập trung bình” - GS Ohno nhận định.
Nhiều hội thảo chuyên đề
Ngày 3-5, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra nhiều hoạt động trong khuôn khổ hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB. Theo TTXVN, đó là các hội thảo “Nối liền khoảng cách: Đẩy mạnh sử dụng vốn tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng”; hội thảo với chủ đề “Rủi ro biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó: Bảo đảm tương lai của khu vực”; cuộc họp của Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN + 3 (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc ); phiên thảo luận nhóm thứ nhất Các tổ chức Xã hội Dân sự CSO/NGO về chủ đề “Bảo đảm an sinh xã hội tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhìn nhận dưới giác độ người lao động, thanh niên và người cao tuổi”. T.Bình |
Bình luận (0)