Donald Trump: “Giấy chứng tử đâu?”. Ảnh: AP
Không hình ảnh,không giấy chứng tử
Theo hãng tin AP, trong một bài trả lời phỏng vấn qua điện thoại của Fox & Friends, ông Trump chia sẻ: “Tôi hy vọng tổng thống (Obama) sẽ trưng ra giấy chứng tử để chúng ta biết chắc ông ta đã giết được ai. Cho tới bây giờ, như mọi người đều biết, không có đơn vị quân đội nào kiểm tra lại xem có thật Bin Laden đã bị bắn hạ và cũng không có tấm ảnh nào làm bằng chứng”.
“Chúng ta cũng không thấy thi thể bởi vì nó đã bị dìm xuống biển. Nếu quả thật Tổng thống Obama có được thông tin tình báo tuyệt vời về Bin Laden để có thể truy nã hắn từ Afghanistan đến Pakistan thì tại sao ông ấy không thể trưng ra giấy chứng tử cho thấy thi thể kia thật sự là của ai ?”.
Như mọi người đều biết, cuối cùng Tổng thống Obama đã quyết định không công bố hình ảnh chụp thi thể của Bin Laden. Mike Rogers, hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa, giải thích: “Hãy thử hình dung người dân Mỹ sẽ phản ứng như thế nào khi Al-Qaeda giết chết một trong những người lính của chúng ta và phát tán hình ảnh thi thể trên internet. Thi thể của Bin Laden không phải là một chiến lợi phẩm. Giờ thì hắn đã chết rồi. Chúng ta nên tập trung vào việc tiếp tục chiến đấu chống Al-Qaeda”.
Ý nghĩa của con số 99,9%
Hình ảnh không, giấy chứng tử cũng không, những câu hỏi mang tính nghi vấn chung quanh cái chết của cha đẻ tổ chức khủng bố Al-Qaeda ngày càng rộ lên.
Chính quyền Mỹ khẳng định rằng các chuyên gia tình báo Mỹ đã nhận diện được người chết chính là Bin Laden bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng kết quả xét nghiệm phân tích ADN (cấu tử cơ bản của tế bào di truyền) là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, do Nhà Trắng từ chối công khai ảnh chụp thi thể của Bin Laden, những người hoài nghi về cái chết của Bin Laden (báo chí Mỹ gọi là Deather) được dịp thắc mắc về tốc độ tiến hành xét nghiệm và tính chính xác của nó.
Tuy nhiên, ngoài chuyện tốc độ có thể tạm chấp nhận được như ông Brennan trình bày, còn có tính chính xác mà nhiều nhà khoa học thấy chưa ổn.
Dan Krane, một chuyên gia về ADN giảng dạy môn di truyền học tại Trường Đại học Wright State ở Ohio và William Thompson, giáo sư tội phạm học Trường Đại học California, một chuyên gia về giám định pháp y ADN, lưu ý rằng con số 99,9% mà ông Brennan đưa ra dễ gây hiểu lầm.
Giáo sư Thompson giải thích: “Kết quả xét nghiệm so sánh ADN giữa người bị bắn chết ở Pakistan và thành viên của gia đình Bin Laden chỉ thể hiện tỉ lệ hợp lẽ, như người chết là cha hay anh, em của người được so sánh”.
ADN của ai?
Trong trường hợp này, rắc rối là ở chỗ Bin Laden không có anh em ruột (tay trùm khủng bố này là con trai thứ 17 của ông Mohammed Bin Laden, trong khi ông này lại có đến 22 bà vợ và 54 người con) và mẫu ADN đem ra so sánh không rõ thật sự là của ai, ông Brennan chỉ nói chung chung chứ không đi vào chi tiết.
Theo nhiều nguồn thông tin khác nhau, các chuyên gia tình báo Mỹ đã dùng ADN của một người em gái cùng cha khác mẹ của Bin Laden chết vì bệnh ung thư não tại một bệnh viện ở Boston thuộc Trường Đại học Harvard. Thế nhưng, bệnh viện này nói họ không thể xác nhận các nguồn tin vừa kể.
Theo giáo sư Thompson, ngay cả trong trường hợp trên thì kết quả xét nghiệm chỉ có thể xác định người chết có chung tổ tiên chứ không thể nói chính xác 100% đó là Bin Laden.
Steven Laken, Giám đốc điều hành Công ty Phân tích ADN Cephos, cho biết thêm trong dòng họ Bin Laden có nhiều hôn nhân cùng huyết thống và điều này càng khiến vấn đề thêm phức tạp. Người chết có thể là một trong 54 người con của ông Mohammed Bin Laden nhưng không chắc là Osama Bin Laden.
Kỳ tới: Tại sao không bắt sống?
Bình luận (0)