Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế xây dựng với những quy định chặt chẽ được kỳ vọng là công cụ đủ mạnh để Việt Nam hạn chế số người hút thuốc.
Làm từ từ
Cũng theo ông Quang, dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đang được lấy ý kiến sẽ nghiêm cấm sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi, phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc bán thuốc lá khi người đó chưa đủ 18 tuổi, hoặc thuê hay sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá cũng sẽ bị nghiêm cấm. Cùng đó, các địa điểm công cộng sẽ cấm hút thuốc lá hoàn toàn như: khu vực làm việc trong nhà, khu vực sản xuất, dịch vụ trong nhà; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; trong khuôn viên của cơ sở y tế; cơ sở giáo dục mầm non…
Ngoài các điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, dự thảo luật cũng quy định các địa điểm công cộng có những khu vực riêng dành cho người hút thuốc. Việc dùng luật để bắt người dân bỏ một thói quen đã có nhiều năm không phải đơn giản, thậm chí là không thể. Vì thế nên làm từ từ, tác động trực tiếp đến hành vi, nhận thức của từng người.
Tăng quyền, tăng tiền xử phạt
Điểm nổi bật của dự thảo là người đứng đầu các địa điểm công cộng có quy định cấm hút thuốc lá chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm do mình quản lý, điều hành. Ông Lý Ngọc Kính, chuyên gia cao cấp văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết hiện tại người có thẩm quyền xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng là lực lượng thanh tra chuyên ngành về y tế và chủ tịch UBND các cấp. Tuy nhiên, thực tế lực lượng có thẩm quyền xử phạt quá “mỏng”, trong khi những người ở xung quanh người hút thuốc lá dù không thích nhưng cũng chẳng ai nhắc nhở vì ngại phiền phức.
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ trao quyền xử phạt cho giám đốc bệnh viện, hiệu trưởng trường học, giám đốc rạp chiếu phim, rạp hát, giám đốc nhà văn hóa… Lãnh đạo các đơn vị này có thể ủy quyền để cấp dưới xử phạt những người vi phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp người đứng đầu các điểm công cộng không làm đúng quy định, nếu thanh tra phát hiện tại điểm cấm hút thuốc vẫn còn hiện tượng hút thuốc thì sẽ phạt chủ cơ sở đó. Lúc này mức phạt có thể lên tới cả chục triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, một trong những điểm mới của dự thảo luật là lần đầu tiên quy định trên bao thuốc phải ghi rõ hàm lượng hắc ín và nicotine trong một điếu thuốc. Dự luật cũng đưa ra lộ trình từ ngày 1-1-2013, cảnh báo tác hại của thuốc lá phải chiếm ít nhất 40% diện tích của mỗi mặt chính trước và sau trên tất cả các bao bì thuốc lá và từ ngày 1-1-2016, diện tích đó ít nhất là 50%.
Tuy nhiên, ông Kính cho rằng việc đưa ra lộ trình cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc như dự thảo là quá dài. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh với những cảnh báo gây “sốc” thể hiện những tổn thất về sức khỏe do thuốc lá gây ra có tác động rất lớn khiến người ta từ bỏ và hạn chế hút thuốc lá.
Một năm, cả nước mới phạt 10 người hút thuốc! Ông Lý Ngọc Kính cho biết sau hơn một năm thực hiện quyết định cấm hút thuốc lá nơi công cộng của Thủ tướng Chính phủ, đến nay mới chỉ có khoảng 10 trường hợp bị xử phạt vì vi phạm quy định hút thuốc lá nơi công cộng.
Ngoài lý do không đủ lực lượng thanh tra chuyên ngành để xử phạt thì một nguyên nhân khác theo ông Kính là chế tài xử phạt chưa đủ mạnh (50.000- 100.000 đồng/lần), chưa có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm liên quan đến chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá. |
Bình luận (0)