Chỉ cần một cú điện thoại, mỗi ngày có hàng chục ký vàng thỏi từ Phnom Penh vượt biên giới xâm nhập vào thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang rồi tuồn về TPHCM, thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất Việt Nam. Sau hơn một năm tập trung điều tra của cơ quan công an, cuối tuần qua, VKSND tỉnh Tiền Giang đã ra quyết định truy tố 7 bị can trong đường dây mua bán vàng lớn nhất từ trước đến nay.
Phi vụ lúc 0 giờ
0 giờ 30 phút ngày 4-2-2010, trên tuyến đường nối với đường cao tốc TPHCM-Trung Lương thuộc địa phận xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, tổ CSGT kiểm tra chiếc ô tô hiệu Ford Everest, biển số 67M-2029 do tài xế Trần Phi Toàn (30 tuổi, ngụ xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) điều khiển, phát hiện trên xe có tổng cộng 92 thỏi vàng. Mỗi thỏi cân nặng 1 kg được giấu dưới ghế ngồi, trong các hộc đựng hàng hóa và trong người của Lê Văn Don, Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi (tất cả cùng ngụ tỉnh An Giang).
Tại cơ quan điều tra, những người có liên quan không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc số vàng trên. Họ khai chỉ là người vận chuyển thuê cho “ông trùm” Nguyễn Ngọc Luân (53 tuổi) và “bà trùm” Nguyễn Thị Tuyết Vân (còn gọi là Út Vân, 45 tuổi, cả hai cùng ở phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Hồng Đức Sanh, người được ông Luân và bà Vân thuê vận chuyển vàng lậu
Làm việc với cơ quan công an, Luân và Vân khai mua của một đầu nậu người Campuchia, tên Kỵ, theo phương thức: Kỵ thuê người mang vàng vượt biên giới sang Việt Nam và đến giao tận nhà. Nhận vàng xong, Vân thuê Hồng Đức Sanh và Nguyễn Văn Lợi bỏ 30 kg vàng vào ruột tượng rồi đai vào người, đi “bỏ mối” lại cho các chủ tiệm vàng tại TPHCM, như Phạm Tùng Nguyên (90 Đỗ Ngọc Thạnh, quận 5) 20 kg và Trịnh Thị Hồng Vân (khu dân cư Bình Tiên, quận 6) 10 kg, với giá sỉ 35.020 USD/kg. Tương tự, Luân thuê Lê Văn Don đai vàng về TPHCM bán lại cho Phạm Tùng Nguyên 32 kg và Tiêu Khai Phến (28 Nguyễn Thị Nhỏ, quận 5) 30 kg, với giá 35.050 USD/kg.
Buôn vàng như buôn… củi
Sau khi hay tin phi vụ vàng bị “bể” tại Tiền Giang, do đã tạm ứng trước cho Vân và Luân 2.873.500 USD để mua 82 trong tổng số 92 kg vàng, ngay lập tức hai “ông trùm” tiêu thụ vàng là Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến điện thoại yêu cầu bằng mọi cách phải giao đủ cho họ 82 kg vàng đúng theo hợp đồng.
Vì lẽ ấy, bất kể vừa bị bắt 30 kg vàng, ngay trong ngày 4-2-2010, Nguyễn Thị Tuyết Vân tiếp tục liên hệ với “đầu nậu” Kỵ ở Campuchia để mua tiếp 20 kg vàng khác. Sau đó, Vân thuê Hồng Chí Quang (em ruột Hồng Đức Sanh) mang 20 kg vàng lên xe đò về TPHCM để thực hiện đúng giao kèo với Phạm Tùng Nguyên. Còn Nguyễn Ngọc Luân, sau khi hay tin xe chở vàng bị bắt đã lập tức điện thoại cho người giúp việc nhà ở đường Lý Tự Trọng, quận 1-TPHCM mở tủ sắt lấy 10 kg vàng dự trữ đem giao cho Tiêu Khai Phến ngay trong buổi sáng hôm đó.
Mặt khác, Luân gọi cho “đầu nậu” Kỵ tiếp tục đặt mua thêm 52 kg vàng. Tối 5-2-2010, Luân cho người đóng gói 10 kg vàng rồi mang đến trạm xe khách Kim Ngân ở thị xã Châu Đốc gửi về TPHCM rồi điện thoại báo cho Phạm Tùng Nguyên đến trạm xe khách ở đường Bà Hom, quận 6 để nhận. Số vàng còn lại, Luân thuê Lê Hữu Hiếu mang 22 kg đi xe đò về TPHCM trực tiếp giao cho Phạm Tùng Nguyên. Hôm sau, Luân tiếp tục giao cho Trịnh Đồng Gắng 10 kg vàng đem đến trạm xe khách Kim Ngân để gửi cho Tiêu Khai Phến. Riêng 10 kg vàng còn lại, từ TPHCM, Phến đã trực tiếp về nhà Luân tại thị xã Châu Đốc để nhận.
Sau khi chiếc xe chở 92 kg vàng bị bắt, để đối phó với cơ quan điều tra, Nguyễn Ngọc Luân đã nhờ Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến làm 2 hợp đồng phân kim với nội dung Nguyên và Phến thuê Luân phân kim 843,88 lượng vàng nữ trang 95%, tương đương số vàng phân kim xong là 800 lượng, nhằm hợp thức hóa số vàng bị bắt giữ. Theo trưng cầu của cơ quan điều tra, ngày 12-5-2010, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã giám định 92 thỏi vàng nói trên có hàm lượng vàng 99,99%, với tổng trọng lượng là 24.533,99 chỉ, tương đương 92 kg.
Mặc dù mua bán vàng được tính bằng ký nhưng Nguyễn Ngọc Luân và Nguyễn Thị Tuyết Vân đều không có giấy phép kinh doanh vàng theo quy định. Vân khai giữa năm 2009, trong một lần đến nhờ Vân đổi tiền VNĐ, Kỵ cho Vân một sim điện thoại Campuchia và nhiều số điện thoại của Kỵ để Vân liên lạc khi mua bán vàng qua biên giới. Theo thỏa thuận, việc giao dịch mua bán giữa Kỵ và Vân thực hiện từ 9 giờ đến 10 giờ.
Sau đó, Kỵ cho người vận chuyển vàng vượt biên giới sang Việt Nam và giao tận nhà cho Vân trong thời gian từ 18 giờ đến 19 giờ. Ngay sau khi nhận được vàng, Vân đóng gói thành cục, ghi ký hiệu bên ngoài rồi thuê Hồng Đức Sanh, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Chí Thành và Hồng Thanh Quang mang lên TPHCM giao cho các tiệm vàng đầu mối. Nếu số lượng vàng dưới 5 kg thì công vận chuyển 600.000 đồng/người. Nhiều hơn 5 kg thì Vân thuê ô tô cho những người này đi, đồng thời trả công vận chuyển 700.000 đồng/người. Còn Nguyễn Ngọc Luân trả công cho người vận chuyển 1,2 triệu đồng/chuyến từ 5-10 kg. Nếu số lượng trên 10 kg thì Luân thuê ô tô chở đi.
Thất thu thuế hàng trăm triệu đồng
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Tiền Giang, trong vụ buôn lậu vàng xuyên quốc gia này, Nguyễn Ngọc Luân giữ vai trò chính và là người trực tiếp thực hiện. Chỉ trong hơn một tháng, Luân cùng các đồng phạm đã mua bán 201 kg vàng nhập lậu qua biên giới. Trong đó, số bị bắt quả tang là 62 kg, gây thất thu thuế nhập khẩu 389,8 triệu đồng. Nguyễn Thị Tuyết Vân cũng là bị can giữ vai trò chính đồng thời trực tiếp thực hiện tội phạm. Từ tháng 10-2009 đến ngày 6-2-2010, Vân cùng các đồng phạm mua bán tổng cộng 126 kg vàng lậu qua biên giới, trong đó bị bắt giữ 30 kg, gây thất thu thuế nhập khẩu 188,6 triệu đồng. Riêng hai “ông trùm” tiêu thụ là Phạm Tùng Nguyên và Tiêu Khai Phến, chỉ hơn một tháng đã mua của Luân và Vân tổng cộng 326 kg vàng nhập lậu.
VKSND tỉnh Tiền Giang đã quyết định truy tố các bị can Nguyễn Ngọc Luân, Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phạm Tùng Nguyên, Tiêu Khai Phến, Hồng Đức Sanh, Lê Văn Don và Nguyễn Văn Lợi ra trước tòa về tội buôn lậu. |
Bình luận (0)