Lãi suất cho vay tiêu dùng tăng cao khiến nhiều người vay lo lắng. Ảnh: Hồng Thúy
“Khóc ròng” vì lãi tăng
“Cứ nghĩ số tiền đóng mỗi tháng gần 7 triệu đồng nằm trong khả năng chi trả của mình nên tôi mạnh dạn vay. Thế nhưng từ tháng 8-2010 đến nay, cứ 3 tháng lại có thông báo điều chỉnh lãi vay, đến nay lãi suất là 21,5%/năm và khoản nợ vẫn còn đến 256 triệu đồng” – chị Mai Phương cho biết.
Tương tự, anh Nguyên Vĩnh, làm việc tại một doanh nghiệp ở TPHCM, cũng đang phải đau đầu với khoản tiền vay mua ô tô từ tháng 6-2010. Anh kể, mấy tháng đầu phải đóng tiền gốc và lãi hơn 9 triệu đồng/tháng. Sau đó, do nợ gốc giảm nên anh chỉ phải đóng hơn 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng mới đây không hiểu sao anh lại phải đóng hơn 8 triệu đồng/tháng dù anh đã trả được 1/3 số tiền vay. “Hỏi nhân viên tín dụng, tôi mới té ngửa, trong hợp đồng quy định mức lãi suất thả nổi theo thị trường nhưng do không đọc kỹ nên không biết. Vì vậy, mỗi tháng NH đều thông báo điều chỉnh lãi vay. Mới tháng trước lãi vay là 18% nhưng tháng này NH thông báo tăng lên hơn 20%” - anh bức xúc.
Còn anh Đức Toàn, nhân viên một công ty truyền thông ở quận 3 - TPHCM, cũng “toát mồ hôi” khi nghĩ đến khoản vay sửa nhà 300 triệu đồng của NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ năm 2008. Anh Toàn cho biết: Lãi suất thời gian đầu chỉ 13%/năm nhưng đến khi tất toán trước hạn vừa qua đã là 21,5%/năm. “Tháng nào hai vợ chồng cũng gom góp, miệt mài trả nợ. Sau 3 năm mới trả được 180 triệu đồng, trong khi hợp đồng vay tới 5 năm. May là có một khoản tiền từ người bà con, chúng tôi đành chấp nhận đóng phạt trả nợ trước hạn để tất toán số nợ còn lại” – anh Toàn nói…
Cần đọc kỹ các điều khoản
Qua tìm hiểu của người viết, hiện lãi suất cho vay tiêu dùng được một số NH đẩy lên đến 24% - 25%/năm khi các NH siết chặt tín dụng. Nhiều chuyên gia nhận định tín dụng tiêu dùng càng bị siết thì áp lực tăng lãi suất cho vay càng cao. Chị Mai Phương lo lắng: “Trong hợp đồng vay của tôi, NH được điều chỉnh lãi suất 3 tháng/lần. Tôi vay đến 60 tháng thì không hiểu sau 20 lần điều chỉnh của NH sẽ đẩy lãi suất lên bao nhiêu?... Quả thật, tôi không dám nghĩ tới”.
Cán bộ tín dụng một NH thương mại cổ phần ở TPHCM lưu ý: Người vay tiền sẽ bị thiệt thòi nếu không đọc kỹ các hợp đồng lúc thỏa thuận hoặc khi ra công chứng. Trong đó quan trọng là xem kỹ số tiền vay, lãi suất vay, thời gian vay... Lãi vay là phần quan trọng nhất: Cần đọc kỹ lãi vay ban đầu bao nhiêu, trả lãi theo dư nợ gốc hay dư nợ giảm dần, thanh toán lãi vay hằng tháng theo thị trường hay theo thỏa thuận giữa người vay và NH; điều chỉnh 3 tháng/lần hay 6 tháng/lần...
“Người vay cũng nên chú ý trong hợp đồng quy định việc thanh lý tài sản như thế nào trong trường hợp không trả được nợ. Chẳng hạn khi nợ quá hạn bao nhiêu ngày thì NH sẽ gia hạn cho người vay một thời gian để tự tìm mối bán tài sản thế chấp lấy tiền trả NH thay vì để NH tự phát mãi (đấu giá tài sản theo giá thỏa thuận với bên thứ ba) thì thiệt thòi sẽ thuộc về khách hàng” – cán bộ này khuyến cáo…
Lãi suất vay tín chấp 64%/năm Nhân viên của một công ty cho thuê tài chính ở TPHCM cho biết hiện nhu cầu vay tiêu dùng, vay tín chấp của khách hàng vẫn rất cao, bất kể lãi suất “cắt cổ”. Hiện mức lãi suất phẳng (lãi suất trả theo dư nợ gốc) là 3,02%/tháng (tương đương 36,24%/năm); lãi suất bậc thang (theo dư nợ giảm dần) lên đến 4,99%/tháng (gần 60%/năm). Đây là lãi suất áp dụng đối với khách quen của công ty. Đối với khách lần đầu đến vay mức lãi suất lên đến 5,36%/tháng (hơn 64%/năm). Lý giải mức lãi suất “cắt cổ”, nhân viên này cho biết do vay tiêu dùng, vay tín chấp hồ sơ rất đơn giản không cần công chứng nên mức độ rủi ro cao. Theo báo cáo từ bộ phận nghiên cứu công ty này, mức độ nợ xấu lên đến 15%. |
Bình luận (0)