Không phản ánh đúng sức lao động
Đã xảy ra nghịch lý không hiếm người càng say mê công việc thì càng ít có cơ hội tăng lương; lao động chính có thu nhập thấp hơn lao động phụ; lương thấp nhưng không dễ đòi tăng lương; thu nhập khi về hưu cao hơn đương chức; lương thực tế thấp dần trong khi biên chế ngày càng tăng; thu nhập ngoài lương từ biếu xén, xin - cho, ăn chia, tạo sân sau..., nhất là ở các ngành và vị trí gắn với quyền lực của “con dấu và chữ ký”, đang có xu hướng gia tăng, song hành với tệ nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền.
Tăng không kịp giá
Mức tăng lương danh nghĩa luôn khó bù mức giảm sút thu nhập thực tế và mức lương tối thiểu tăng liên tục, trong khi mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân vẫn giữ nguyên.
Vậy nên, mỗi khi tăng lương, dù được hoan nghênh từ phía người nhận lương nhưng thực tế, giá cả và các nhu cầu chi tiêu tối thiểu khác thường tăng nhanh hơn mức tăng lương danh nghĩa, khiến thu nhập thực tế của người nhận lương có khi còn bị giảm hơn trước. Đặc biệt, có khi lương chỉ tăng cho vài bộ phận người làm công ăn lương nhưng hệ quả tiêu cực bởi giá tăng “đuổi và chặn trước” tăng lương lại trút lên toàn bộ lao động và người tiêu dùng khác trong xã hội.
Lương chính thấp hơn thu nhập phụ
Hiện tượng lương chính danh nghĩa thấp, trong khi người nhận lương vẫn đủ tiền xây nhà, mua xe hay cho con du học nước ngoài là điều rất dễ thấy ở Việt Nam, trong khi thuế thu nhập cá nhân vẫn chủ yếu là “đánh vào” những lao động làm công ăn lương ba cọc ba đồng!
Người về hưu lo mất nguồn sống
Những người về hưu đúng chế độ sẽ e ngại không được nhận lương hưu từng tháng nếu tình huống xấu nhất có thể xảy ra; đồng thời, ngay cả những người lao động nhận lương hưu “một cục” cũng sẽ đối diện với nguy cơ không còn nguồn sống nếu tuổi già đến và không còn nguồn thu nhập nào khác ngoài lương hưu đã nhận.
Như vậy, lương hưu - nguồn thu nhập chính của người lao động - mà không bền vững sẽ dễ tạo ra nguy cơ phát triển thiếu cân bằng.
Bốn định hướng chính sách tiền lương Một là, phải thực sự coi chính sách lao động - tiền lương không chỉ là dạng chính sách an sinh xã hội, mà cần là một bộ phận hợp thành, có vai trò quan trọng và ngày càng tích cực, năng động nhất trong tổng thể chính sách kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, cần gắn kết chính sách lao động - tiền lương với kế hoạch tổng thể về tái cấu trúc kinh tế theo hướng hiện đại và phát triển bền vững... Nhà nước cần chủ động hơn trong phối hợp với các tổ chức Công đoàn và hiệp hội nghề nghiệp - xã hội quy định mức tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động theo thay đổi chung của thị trường, theo kết quả lao động…
Hai là,thống nhất cơ chế tiền lương trong các loại hình DN; mở rộng quyền tự chủ của DN. Các DN phải đăng ký quỹ lương với Nhà nước và công khai tổng quỹ lương với người lao động; khuyến khích hình thành cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận và tự định đoạt về tiền lương, thống nhất định mức lao động, đơn giá tiền lương, thang, bảng lương, làm thêm giờ, tiền thưởng, phụ cấp, tiền ăn trong việc xếp lương, trả lương cho người lao động phù hợp với điều kiện của DN; xây dựng định mức và đơn giá tiền lương, thang, bảng lương, quy chế trả lương… theo sự hướng dẫn của Nhà nước, được ghi vào hợp đồng lao động cá nhân, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương của DN; từng bước thực hiện chính sách tiền lương cao để bảo đảm người lao động có tích lũy từ tiền lương và mở rộng cơ hội cho họ mua cổ phần trong DN. Ba là,chính sách tiền lương khu vực Nhà nước phải bảo đảm tiền tệ hóa đầy đủ tiền lương và lương là thu nhập chính, đáp ứng mức sống của cán bộ, công chức ở mức trên trung bình của xã hội, sớm nghiên cứu xây dựng và thực hiện trả lương theo vị trí, chức danh, công việc và hiệu quả công tác, khắc phục tính cào bằng của việc gắn hệ số lương với mức lương tối thiểu chung. Có cơ chế đặc thù trả lương đặc biệt và tôn vinh xứng đáng cho các nhân tài và lao động giỏi. Bốn là,đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công thực hiện hạch toán thu - chi trong cung cấp dịch vụ công, tự chủ tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tuyển dụng lao động theo chế độ hợp đồng làm việc và trả lương cho người lao động phụ thuộc vào năng suất, chất lượng cung cấp dịch vụ theo vị trí làm việc và yêu cầu chuẩn chung của Nhà nước.
Nhà nước quy định các khoản thu phí, lệ phí trên cơ sở từng bước tính đúng, tính đủ phù hợp với từng loại dịch vụ và loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ; quy định cơ chế ủy quyền, đặt hàng và hỗ trợ (nếu cần) cho các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công phát triển lành mạnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và tạo nguồn trả lương cho người lao động. Đồng thời, Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số khi sử dụng dịch vụ… |
Bình luận (0)