Trong khi giới chuyên gia và thị trường đang có những nhận định không nên thắt chặt chính sách tiền tệ thêm nữa, Ngân hàng (NH) Nhà nước lại vừa công bố nâng lãi suất trên thị trường mở (OMO) thêm 1%, tức tăng từ mức 14%/năm lên 15%/năm.
Lãi suất âm
Một chuyên gia tài chính bình luận động thái này sẽ tác động làm tăng thêm lãi suất. Còn trên thị trường, cuộc đua lãi suất chưa có dấu hiệu dừng. Nếu như trước đây, việc mặc cả lãi suất chỉ phải tế nhị với cơ quan quản lý thì nay còn phải tế nhị với cả khách hàng. Nhân viên NH và khách mặc cả với nhau bằng cách viết ra giấy để khách hàng bên cạnh không tị nạnh “vì sao tôi hưởng lãi suất thấp hơn”?
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank. Ảnh: HỒNG THÚY
Trường hợp khách hàng lớn rút tiền từ NH A gửi sang NH B để hưởng lãi suất cao hơn, NH B sẵn sàng cử nhân viên mặc nguyên đồng phục đi theo áp tải để khỏi phải kiểm đếm lại tiền… Bán mua mặc cả sôi động như vậy nhưng chưa có NH nào bị xử lý vì tội “vượt rào”.
Hiện nay, vốn đầu vào đã ở mức 19%-20%, đầu ra đã lên đến 27% nhưng theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, lãi suất chưa bảo đảm thực dương vì chỉ số giá tiêu dùng tính đến cuối tháng 4 đã tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2010 nhưng trần lãi suất đầu vào ấn định là 14%/năm.
Một phát hiện mới của nhóm tác giả thực hiện báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011 cũng cho thấy lãi suất thực của Việt Nam luôn âm kể từ năm 2004. Nguyên nhân do lượng vốn cung ra thị trường rất nhiều trong giai đoạn 2000-2007.
Tăng nguy cơ nợ xấu
TS Lê Xuân Nghĩa cảnh báo thị trường đang có những diễn biến hết sức lo ngại: lãi suất cao, thanh khoản yếu, nợ xấu gia tăng. Sản xuất đình trệ, không sống nổi với giá vốn gấp 2-3 lần lợi nhuận và hậu quả là NH khó thu hồi được nợ.
“Chưa bao giờ hệ thống NH lại thiếu minh bạch như hiện nay. Lãi suất “nói thế nhưng không phải thế” buộc NH phải có hai hệ thống kế toán. Trên thị trường liên NH, NH nhỏ phải vay NH lớn với lãi suất trên 20%/năm nhưng các NH lại chỉ được vay của dân không quá 14%/năm là điều không thể thực hiện. Các chỉ số không còn độ chính xác cao”- TS Nghĩa nói.
Đây là mối lo lớn vì tại Việt Nam, NH thương mại là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho toàn bộ nền kinh tế, nói cách khác là nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng phần lớn dựa vào tín dụng của hệ thống NH. Tốc độ tăng tín dụng năm 2007 là 52% trong khi GDP tăng 8,4%. Chỉ số tương ứng của năm 2009 là 37,5% và 5,3%; năm 2010 là 31% và 6,7%.
Để giải quyết những bất ổn trong chính sách tiền tệ, NH Nhà nước đang trình Chính phủ hai phương án điều hành lãi suất. Một là, nâng trần lãi suất lên cao nhất 16,5% và ấn định lãi suất đầu ra khoảng 18%-19%. Hai là, bỏ trần lãi suất huy động, ấn định lãi suất đầu ra như mức nói trên và tập trung cho vay sản xuất. Song theo TS Lê Xuân Nghĩa, gốc của vấn đề không phải lãi suất bao nhiêu mà phải bảo đảm thắt chặt tiền tệ chia đều ra trong các quý. Hiện nay, đang làm theo cách thắt thì chặt quá, lúc thả ra không còn sức sống nổi.
Một chuyên gia khác bình luận chính sách lãi suất đang luẩn quẩn ở khả năng bỏ trần, nâng trần lãi suất huy động, quy định trần cho vay nhưng với những gì đang diễn ra trên thị trường tiền tệ gần đây không có gì bảo đảm các quy định này nếu sửa đổi sẽ được thực hiện nghiêm túc.
Bình luận (0)