Cổ phiếu bất động sản… đổ sàn
Mở cửa phiên giao dịch, đà giảm điểm của thị trường từ tuần trước vẫn còn, kéo VN-Index giảm 3,13 điểm sau khi đóng cửa đợt 1, tiến gần ngưỡng kháng cự 420 điểm. Hiện tượng này khiến nhà đầu tư trở nên lo lắng và làn sóng đẩy mạnh bán ra ở mức giá sàn đã thể hiện rõ ngay khi vào đợt 2 (đợt giao dịch liên tục) và kéo dài đến cuối phiên. Toàn sàn TPHCM có tổng cộng 206/289 mã giảm giá, trong đó có 108 mã giảm sàn, 49 mã đứng giá, chỉ 34 mã tăng giá.
Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nội đang lo lắng về sự “tháo chạy” của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo chỉ số khi VN-Index được áp dụng cách tính mới, đồng thời lo lắng về sự an toàn hệ thống tài chính của các công ty chứng khoán… là một trong những nguyên nhân chính kéo chứng khoán giảm mạnh. |
Ông Lương Biện Nhân Quyền, trưởng bộ phận tư vấn khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Mekong, cho rằng bất động sản và chứng khoán là hai ngành liên quan mật thiết với nhau. Thông tin tháng 6 sẽ là thời điểm đáo hạn nợ của các công ty bất động sản, trong khi lãi suất đang ở mức cao và không có khả năng giảm sớm khiến các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Tương tự, các công ty chứng khoán cũng đang “đứng ngồi không yên” vì thị trường liên tục suy giảm, nguy cơ thua lỗ kéo dài… Chính vì vậy, cổ phiếu của hai ngành này giảm mạnh là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, theo ông Quyền, chỉ số giá tiêu dùng ở hai TP lớn (Hà Nội và TPHCM) vừa được công bố dù mức tăng có thấp hơn mức tăng tháng trước nhưng vẫn còn khá cao, chính vì vậy, nhiều người dự báo khả năng thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là các lĩnh vực phi sản xuất như chứng khoán và bất động sản sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Vẫn còn áp lực ở phía trước
Trưởng bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, ông Nguyễn Hắc Hải, cho rằng: Sau một tuần giảm điểm khá mạnh, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định. Trong khi đó, với thông tin VCB sẽ niêm yết toàn bộ cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư trong nước lo ngại khối ngoại sẽ cơ cấu lại danh mục đầu tư đối với những mã có vốn hóa lớn. Vị trí các mã “tứ trụ” có thể thay đổi nên nhiều nhà đầu tư “chạy” trước các mã cổ phiếu lớn đang nắm giữ, kéo thị trường giảm theo...
Một chuyên gia tài chính cũng cho rằng điều lớn nhất của thị trường hiện nay là trong một thời gian khá dài, thị trường giao dịch khá trầm lắng, đến nay, nhà đầu tư đã thực sự hoài nghi về sự phục hồi của thị trường. Cùng với đó là nỗi lo về an toàn hệ thống tài chính, đặc biệt là ở một số công ty chứng khoán. “Chỉ có thể kỳ vọng thị trường giảm ít hơn trong những phiên tới chứ chưa thấy yếu tố tích cực “đẩy” thị trường tăng. Và nếu có hồi phục nhẹ thì cũng do tâm lý chứ không phải đến từ yếu tố nội tại của nền kinh tế”- chuyên gia này khẳng định.
Trên thực tế, cũng đã có một số nghi vấn về việc giải chấp đã dẫn đến việc bán ra ồ ạt cổ phiếu. Thế nhưng, theo các chuyên gia, yếu tố này không phải là nhiều. Bởi thời gian gần đây, thị trường không còn nhiều yếu tố hấp dẫn khiến các nhà đầu tư sử dụng mạnh đòn bẩy tài chính như trước. Điều quan trọng nhất của thị trường hiện nay là chờ đợi một tín hiệu khả quan từ yếu tố vĩ mô, điều hành chính sách. Khuyến cáo các nhà đầu tư của mình, các công ty chứng khoán đều cho rằng cần thận trọng và quan sát kỹ trước khi mua vào.
Bình luận (0)