xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gian nan phổ cập trẻ 5 tuổi

Bài và ảnh: ĐẶNG TRINH

Ngoài việc phải xây xong 460 phòng học vào năm 2013, việc tuyển giáo viên mầm non đủ cho đề án phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi tại TPHCM cũng là việc rất khó

Bà Lê Thị Điệp, Phó Phòng GD-ĐT quận 4, cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nắm rõ số trẻ 5 tuổi của quận cần huy động đến trường trong năm học tới là bao nhiêu. Việc điều tra số trẻ này cũng không dễ bởi thiếu nhân lực tham gia thực hiện khảo sát.

Nan giải, ít khả thi

Bà Điệp phân tích: “Nếu nhờ đến cán bộ tổ dân phố thì họ nắm địa bàn vững hơn nhưng phòng GD-ĐT không dám phó thác hoàn toàn vì chỉ một sai sót hoặc điều tra kiểu chạy theo thành tích thì lãnh đủ. Do vậy, phải xin ý kiến để cử người của ngành xuống từng tổ dân phố để cùng khảo sát. Địa bàn rộng nên nguồn nhân lực đủ làm công tác này cũng là vấn đề”.

Bà Lê Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lư (quận 1), cho rằng khi thực hiện đề án, ngành GD-ĐT đã bỏ quên mất đối tượng cần thông tin đó là cán bộ phụ trách mảng văn hóa, giáo dục tại các địa phương. Làm sao tải hết thông tin đến 100% học sinh độ tuổi lớp lá nếu không có nguồn nhân lực này? Nếu chỉ dán thông báo tại trường thì phụ huynh nào quan tâm, thường xuyên đến cập nhật thông tin mới biết để đưa con đến lớp. Ngược lại, gia đình nào thờ ơ thì coi như con mất học. Nhà trường chỉ có trách nhiệm thông báo, đón trẻ, làm sao đến từng nhà để tuyên truyền được?

img

Giờ ăn của trẻ tại Trường Mầm non Hoa Lư, quận 1 - TPHCM

Bà Vân cho biết thêm: “Chừng nào phổ cập mà phụ huynh còn phải đóng tiền khi đưa con đến trường thì chừng đó đề án còn kém khả thi. Nhiều gia đình khó khăn chỉ mong con được vào bậc tiểu học, biết chữ là may. Chưa kể, nhiều phụ huynh có tư tưởng lớp lá là giai đoạn học trước lớp 1 nên bỏ qua không cần học bậc mầm non”.

Gấp rút xây phòng học, tuyển giáo viên

TPHCM được kỳ vọng là địa phương dẫn đầu trong việc thực hiện đề án phổ cập trẻ 5 tuổi (phấn đấu đến năm 2013, 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày) nhưng trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra thực hiện phổ cập mầm non của Bộ GD-ĐT mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết số trường, lớp công lập của cả TP chỉ đáp ứng được cho 70% tổng số trẻ 5 tuổi, số còn lại phải học tại các lớp mầm non tư thục.

Bà Lê Thị Điệp cho biết chỉ riêng quận 4, số phòng xây mới để đáp ứng chỗ học cho đối tượng này phải trên 40 phòng. Trước mắt, quận đang phải “tận dụng triệt để” mọi nơi có thể dùng làm phòng học như phòng thư viện, phòng học nhạc, vẽ… thậm chí cả phòng họp.

Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM cũng cho thấy ngoài việc phải tăng tốc xây dựng và hoàn thành 460 phòng học vào năm 2013 thì việc tuyển giáo viên mầm non cũng là công việc đáng ngại nhất. Theo tính toán, giai đoạn từ 2011 đến 2013 TP cần đào tạo mới 4.067 giáo viên mầm non để bảo đảm đủ chuẩn 2 giáo viên/30 học sinh/lớp.
Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp tình hình đang đào tạo tại các cơ sở trên địa bàn, hiện chỉ có 3.313 sinh viên mầm non và đến năm 2013 có 1.541 sinh viên tốt nghiệp. Như vậy, giai đoạn 2011-2013, TP cần bổ sung 2.526 giáo viên. Năm 2014-2015 sẽ phải tiếp tục đào tạo bổ sung giáo viên do nhu cầu tăng lên hàng năm và tình trạng thiếu hụt giáo viên ở các trường ngoài công lập. Để giải quyết tình trạng này, sở sẽ hướng đến việc thu hút tất cả nguồn sinh viên vừa tốt nghiệp tại các trường sư phạm (kể cả tạm trú, hộ khẩu tỉnh) về dạy ở khu vực ngoài công lập và các huyện ngoại thành.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2011-2012, các trường mầm non công lập của TP sẽ ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi đáp ứng yêu cầu phổ cập, hạn chế tình trạng trẻ phải học tại các lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục nhận định với tình trạng số trẻ tăng hằng năm theo số dân nhập cư và một số phường, xã đang còn trắng trường mầm non công lập như hiện nay, tình trạng trẻ phải học ở các trường tư thục là khó tránh khỏi. Các lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình thì không quản lý lứa tuổi nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian hoàn thành đề án.

Bỏ quên giấy chứng nhận

Một chuyên gia giáo dục phân tích rằng khi đề án được triển khai và siết thành quy định thì tờ giấy chứng nhận hoàn thành lớp lá sẽ trở thành giấy thông hành nếu trẻ muốn vào lớp 1.
Các trường tiểu học sẽ căn cứ vào giấy chứng nhận này để tiếp nhận những trẻ đã hoàn thành lớp lá; ngược lại thì thôi. Như vậy, trẻ nào không học sẽ không được vào lớp 1, dẫn đến tình trạng quay lại xin học mầm non hoặc phụ huynh nào để con ở nhà cũng buộc phải xin cho con đi học lại nhưng dù được học lại hay không thì cũng đã muộn mất một năm, điều này dẫn đến những hệ lụy về sau.
Tuy nhiên, lâu nay do chưa siết chặt quy định phổ cập nên một số trường mầm non quên cấp, phụ huynh quên yêu cầu và trường tiểu học khi tiếp nhận thì có cũng được, không có cũng xong.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo