Cuốn sổ tiết kiệm chị H. mang về vẫn ghi đúng lãi suất 14%/năm kỳ hạn 3 tháng đồng thời kèm thêm một hợp đồng mua bán vàng kỳ hạn để hợp thức hóa phần lãi suất vượt rào. Hợp đồng này có đầy đủ các điều khoản như một hợp đồng mua bán vàng kỳ hạn bình thường giữa chị H. và NH này.
Có điều thực tế chị H. không hề bán vàng cho NH mà đây chỉ là cách để NH hợp thức hóa phần lãi suất “lách”. Phần lãi suất chênh lệch 4%/năm chị sẽ được nhận vào cuối kỳ khi đáo hạn sổ tiết kiệm. Chị H. cho biết để trấn an khách, một cán bộ NH này giải thích hợp đồng bán vàng thực chất chỉ để NH đối phó với cơ quan chức năng chứ không ảnh hưởng gì đến khách hàng...
Theo tìm hiểu của người viết, tình trạng NH huy động lãi suất “vượt rào” vẫn đang xảy ra phổ biến khi căng thẳng thanh khoản của các NH và cuộc đua lãi suất chưa lắng dịu. Ngày càng có nhiều “chiêu thức” được áp dụng nhằm hợp thức hóa phần lãi suất huy động quá quy định. Theo một số cán bộ tín dụng NH, trong phần hạch toán chi phí sổ sách của các chi nhánh NH thường có mục “chi phí khác” với một khoản tiền không nhỏ.
Kinh phí này được trích để hợp thức hóa phần huy động vốn vượt rào đối với khoản tiền tiết kiệm lớn của khách hàng. Nhiều NH còn đưa phần lãi suất chênh lệch vào các hóa đơn tiếp khách; một số chi nhánh NH còn dùng cả quỹ khen thưởng để trả tiền “lách” lãi suất cho khách hàng... Với các khoản tiền tiết kiệm khách hàng gửi từ 5 tỉ đồng trở lên, cán bộ NH thường phải báo cáo với giám đốc chi nhánh. Khi đó, vị này sẽ quyết định phần lãi suất “lách” được hạch toán vào mục nào để không bị “sờ gáy”...
Theo các chuyên gia tài chính, cuộc đua lãi suất của các NH hiện nay thực tế chỉ làm cung tiền chạy từ NH này sang NH khác. Bằng chứng là trong tháng 4-2011, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 1,09% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ giảm 1,84%.
Bình luận (0)