xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kỷ luật không phải là trừng phạt

HUY LÂN

Nhiệm vụ của giáo dục là làm thế nào để học sinh tự nhận thức được bản thân, tự kiểm soát hành vi

Tại TPHCM, sáng 26-5 đã diễn ra hội thảo về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng phương pháp kỷ luật tích cực do Bộ GD-ĐT tổ chức.
 
Không phục: Tạo tâm lý chống đối
 
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho biết việc giáo dục kỷ luật học sinh sao cho phù hợp hiện chưa có sự thống nhất chung trong đội ngũ giáo viên. Không ít giáo viên còn lúng túng trong việc chọn biện pháp giáo dục kỷ luật học sinh sao cho hiệu quả.
 
TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT), nói để ngăn chặn và hạn chế những vi phạm của học sinh, vai trò của giáo viên trên lớp hết sức quan trọng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số vụ việc giáo viên đã hành xử không chuẩn mực, sử dụng phương pháp kỷ luật tiêu cực gây hậu quả đáng tiếc và phản ứng từ dư luận xã hội.
 
Ở góc độ học sinh, em Lê Thị Hà My, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM), bày tỏ: “Cách xử phạt hiện nay của người lớn đa phần chưa thuyết phục chúng em. Cách suy nghĩ áp đặt, đôi khi hơi bảo thủ, không đặt mình vào hoàn cảnh của người phạm lỗi. Đó là chưa kể đến những biện pháp xử lý quá nặng, có tính chất phức tạp khiến  người bị phạt bị tổn thương, không tâm phục tạo ra tâm lý chống đối, càng phạt thì càng vi phạm cho bõ ghét”.
 
Em Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, học sinh cùng trường, tâm sự: “Chúng em chỉ chấp nhận những gì nếu cảm thấy hợp lý. Thế nên mỗi lần chúng em phạm lỗi, người lớn cần có những lời giải thích, tâm tình, nhất là tìm hiểu nguyên nhân sâu xa trước khi đưa ra những hình phạt…”.
 
Tránh làm tổn thương
 
Bà Tạ Thúy Hạnh, Trưởng Ban Giáo dục Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển, cho rằng kỷ luật thường bị hiểu nhầm thành khống chế hay trừng phạt, đặc biệt là trừng phạt thân thể. Nhiều giáo viên sử dụng các hình thức như: mắng nhiếc, sỉ nhục, đánh, tát, phạt quỳ, bêu riếu… thậm chí là đuổi học. Những biện pháp này thể hiện sự bất lực của nhà giáo dục và vô tình đẩy ra ngoài xã hội những “sản phẩm kém chất lượng”. Đó chính là mầm mống của các hiện tượng tiêu cực gây rối loạn trật tự xã hội.
 
Theo quan điểm của kỷ luật tích cực, việc mắc lỗi của học sinh là lẽ tự nhiên của quá trình học tập và phát triển. Nhiệm vụ quan trọng của nhà giáo dục là làm thế nào để học sinh tự nhận thức được bản thân, tự kiểm soát hành vi. Theo bà Hạnh, mỗi khi học sinh mắc lỗi, giáo viên phải là người bạn, người anh, người cha, người mẹ chỉ cho các em nhận ra lỗi của mình để tự điều chỉnh. “Sự trừng phạt về thân thể hay tinh thần làm đánh mất sự tự tin của học sinh, giảm ý thức kỷ luật khiến học sinh nảy ra ý nghĩ căm ghét thầy cô, trường học. Trừng phạt là chúng ta đã để lại những vết sẹo trong tâm hồn của học sinh khiến các em luôn có thái độ thù địch”- bà Hạnh nhấn mạnh.
 
Đồng quan điểm đó, TS Phùng Khắc Bình, chuyên gia tư vấn giáo dục, cho rằng phương pháp kỷ luật tích cực là kỷ luật theo hướng tạo cơ hội tốt nhất có thể để học sinh tự nhận thấy lỗi và chủ động sửa chữa, tìm ra hướng phát triển tích cực.
 
Nguyên tắc của phương pháp này là chỉ ra lỗi một cách rõ ràng, tế nhị, không dung túng; tránh làm tổn thương thể xác và tinh thần học sinh; xử lý kỷ luật theo hướng phát huy điểm mạnh, mặt tích cực của bản thân học sinh. PGS-TS Nguyễn Dục Quang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhìn nhận kỷ luật tích cực là phi bạo lực cả về vật chất lẫn tinh thần, là một quá trình thường xuyên, liên tục và nhất quán; qua đó, khuyến khích khả năng tư duy lựa chọn của học sinh, là cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ tích cực trong giao tiếp với học sinh, từ đó sẽ giúp học sinh có hành vi đúng đắn.
 
Khoảng 2.500 vụ phạm tội mỗi năm
 

Thống kê của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết hằng năm xảy ra khoảng 2.500 vụ phạm tội liên quan đến học sinh, sinh viên. Từ năm 2005 đến nay, tình trạng học sinh phạm pháp có dấu hiệu ngày càng phức tạp cả về tính chất lẫn mức độ nghiêm trọng của các vụ án. Báo cáo tổng hợp từ các sở GD-ĐT cho biết năm học 2009-2010, toàn quốc đã xảy ra 1.598 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Các trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn 75 học sinh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo